Vì sao phim Việt doanh thu ngày càng cao?

(Dân trí) - “Để mai tính 2” đang giữ về kỉ lục doanh thu phim Việt chiếu rạp, tiệm cận mức 100 tỷ đang là con số mơ ước cho các nhà làm phim. Vị trí này chưa hẳn đã “ấm chỗ” khi dịp tết này có rất nhiều phim ra rạp được dự đoán thắng lớn về doanh thu. Có vẻ như phim Việt đang vào thời kỳ bội thu?

Sau thời kì phim “mì ăn liền” với hàng loạt ngôi sao đình đám như Lý Hùng, Việt Trinh, Diễm Hương… nền điện ảnh mất chỗ đứng và bước vào một thời kì “ngủ đông” khá dài. Hiện tượng “Gái nhảy” của đạo điễn Lê Hoàng ra mắt năm 2003 đạt kỷ lục 12 tỷ đồng, con số gây ngạc nhiên lớn của phim ảnh Việt lúc bấy giờ. Khán giả bắt đầu quay trở lại rạp, nhà làm phim tư nhân trở lại thị trường phim ảnh và cũng từ “Gái nhảy” phim Việt bắt đầu được khán giả quan tâm.
 
Bước khởi đầu của “Gái nhảy” đã làm cho sự hào hứng của phim Việt bắt đầu hành trình xây dựng chỗ đứng, và quả đúng phim Việt đã có sự cạnh tranh sòng phẳng với phim ngoại  tại hệ thống các rạp chiếu. Những phim liên tiếp ra đời thành công như “Những cô gái chân dài”, “2 trong 1”, “Đẻ mướn”, “Võ lâm truyền kỳ”… khán giả đến rạp rất đông và hầu hết thành công về mặt doanh thu thậm chí phá luôn cả kỷ lục của “Gái nhảy”.
 
Nhưng phải kể đến giai đoạn 5 năm trở lại đây, khi phim Việt đã có khán giả, các nhà làm phim có sự đầu tư nghiêm túc về đề tài, chất lượng và chiến thuật PR bài bản hơn. Thì cũng là lúc những kỉ lục doanh thu liên tiếp bị “hạ gục”, và thời gian để phim sau xác lập kỉ lục với phim trước ngày một bị thu hẹp.
 
Một loạt doanh thu liên tiếp xác lập như: “Công chúa teen và ngũ hổ tướng” ( hơn 25 tỷ năm 2010), “Cô dâu đại chiến” (đạt hơn 37 tỷ năm 2011), “Nhà có 5 nàng tiên” (60 tỷ năm 2013), “Tèo em”, “Quả tim máu” (doanh thu xấp xỉ 86 tỷ năm 2014). Và kỉ lục đang giữ của “Để mai tính 2” là gần 100 tỷ cũng đang có nguy cơ bị phá khi mà “Chàng trai năm ấy”, “Siêu nhân X”, “Ngày nảy ngày nay”… độ nóng đang rất lớn, nhất là ra mắt trong dịp tết nguyên đán, thời điểm hốt bạc của các nhà làm phim.
 
Để mai tính 2

Để mai tính 2
 
Doanh thu ngày một cao do đâu?
 
Nếu theo dõi và tìm hiểu kĩ danh sách hàng loạt những phim phá vỡ kỉ lục doanh thu qua các năm thì cũng không khó để tìm được lý do.
 
Ngoài hiện tượng “Gái nhảy” thành công bất ngờ được sản xuất bởi một hãng phim nhà nước (Hãng phim giải phóng), thì gần như tất cả những phim doanh cao từ thời điểm đó đến nay đều thuộc các nhà làm phim tư nhân. Khi tiền túi bỏ ra sản xuất thì sự tính toán lợi nhuận cũng rất tỉ mỉ và thận trọng, nhanh nhạy trong việc chiều theo thị hiếu. Vậy nên, những nhà làm phim này rất chú trọng vào khâu PR và truyền thông ngay từ khi phim còn trong giai đoạn bản thảo. Chi phí cho quảng bá một bộ phim mà các hãng phim bỏ ra không hề nhỏ so với chi phí sản xuất, khoản kinh phí này rất hạn hẹp ở những hãng phim nhà nước. Việc quảng bá phim tốt nắm chắc đến 50% sự sống còn của một bộ phim trong giai đoạn hiện nay, bởi rất khó để “hữu xạ tự nhiên hương” thắng lợi.
 
Thời đại công nghệ cao, nhà làm phim Việt cũng rất thức thời cho việc đầu tư về chất lượng hình ảnh của phim, đặc biệt là nắm bắt xu hướng của các nền điện ảnh ăn khách. Họ sẵn sàng bỏ tiền chiêu mộ những tên tuổi đã từng làm phim ở các nền điện ảnh lớn, vừa để lấy tiếng và vừa học hỏi. Điều đó phần nào làm thay đổi bộ mặt của phim Việt khi chiếu rạp. Nhà sản xuất phim cũng rất biết chiều khán giả ở mọi chủ đề, vấn đề nóng trong cuộc sống đưa lên phim.
 
Cũng chính bởi bài toán doanh thu đặt lên hàng đầu, nên các nhà làm phim rất biết thức thời với tâm lý khán giả, đó là việc “gom sao” nhiều lĩnh vực vào một phim, bởi chính họ có lượng fan khổng lồ, đây là đối tượng đến rạp không nhỏ. Từ ngôi sao ca nhạc như: Phương Thanh, Đàm Vĩnh Hưng, Sơn Tùng M-TP, Ngô Kiến Huy… đến các sao hài, người mẫu  đình đám như: Hoài Linh, Thái Hòa, Việt Hương, Chí Tài, Thanh Hằng, Ngọc Quyên, Anh Thư, Bình Minh…
 
Không những thế những hotgirl, hotboy, vận động viên, thậm chí nhà báo, một facebooker nổi tiếng, người chiến thắng một gameshow truyền hình… cũng nhanh chóng được mời vào phim. Những gương mặt này ít nhiều thành công ở lĩnh vực của họ, ít nhiều trong số đó có lượng fan rất lớn, họ cũng rất nhiệt tình PR cho phim mình đóng một cách miễn phí. Người hâm mộ cũng sẽ rất nhiệt tình ủng hộ thần tượng của mình bất kể phim thế nào, điều đó góp phần không nhỏ cho thắng lợi của phim khi ra rạp.
 
Một điều không thể không nhắc tới sự thành công thậm chí là sống còn của bộ phim đó là hệ thống rạp chiếu. Sự bắt tay liên kết của các hãng phim với các rạp, hoặc tự đầu tư cho mình một hệ thống cụm rạp riêng sẽ là sự ưu ái rất lớn cho các xuất chiếu phim của các nhà sản xuất này. Bên cạnh đó sự gia tăng liên tiếp hệ thống các rạp trên cả nước giúp cho nhiều khán giả nhiều nơi có cơ hội đến rạp xem phim hơn, đó cũng là cơ hội để phim gia tăng doanh thu.
 
Nhưng điểm mấu chốt cần phải nhắc đến đó là hầu hết các cụm rạp hiện nay được đầu tư rất hiện đại và chất lượng cao, đi kèm với nó là giá vé phim cũng tăng không hề nhỏ. Tính từ thời điểm “Gái nhảy” giá vé xem phim trong khoảng từ 20-30 nghìn đồng, thì hiện nay con số giao động trung bình từ 80-100 nghìn đồng một vé. Rõ ràng sự gia tăng lũy tiến qua các năm của giá vé ảnh hưởng không nhỏ đến con số doanh thu của phim.
 
Những tên tuổi như Victor Vũ, Cường Ngô, Jonny Trí Nguyễn, Dustin Nguyễn… đang rất ăn khách tại thị trường Việt. Họ là diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất “hải ngoại” trở về nước làm phim với kinh nghiệm học hỏi của một nền tư duy điện ảnh tiên tiến. Với nhiều góc nhìn mới lạ, phong cách làm phim đặc biệt là sự thức thời của một nền điện ảnh chuyên nghiệp. Đã tạo cho không khí điện ảnh trong nước nhiều điều mới lạ và những bộ phim thêm phần hấp dẫn có phong cách hơn. Điều cốt lõi nhờ sự tính toán và nghiên cứu nhu cầu của khán giả với phim ảnh họ cũng đã đóng góp nhiều vào thành công qua các phim.

 

Hữu Đông