Vì sao người giàu bán bớt đồ hàng hiệu?
(Dân trí) - Những người phụ nữ giàu sang thường có sở thích mua sắm đồ hiệu. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ bán đi những món đồ đã qua sử dụng và thu lời.
Rất nhiều người phụ nữ giàu có, nổi tiếng không ngại ngần rao bán những món đồ hàng hiệu mà họ đã sử dụng. Gia đình nhà Kardashian - Jenner thậm chí lập cả một trang web để bán hàng hiệu đã qua sử dụng.
Cuối năm 2020, Kris, Kim, Kourtney, Khloe, Kylie và Kendall đã công bố việc họ lập một trang web để bán những món đồ hàng hiệu đắt tiền mà gia đình đã sử dụng. Gia đình giàu có này tuyên bố, việc bán lại đồ hàng hiệu là "thúc đẩy sự bền vững". Kể từ đó tới nay, gia đình nhà Kardashian - Jenner liên tục bán những món đồ hàng hiệu có giá từ hàng nghìn tới hàng chục nghìn USD trên website của mình.
Với danh tiếng sẵn có, việc bán lại đồ đã qua sử dụng, đối với gia đình nhà Kardashian - Jenner khá thuận lợi dù họ cũng vấp phải những chỉ trích như bán đồ với giá cao gấp 9 lần so với các cửa hàng khác hoặc nhiều món đồ quá cũ.
Gia đình nhà Kardashian - Jenner không phải những người duy nhất bán hàng hiệu đã qua sử dụng, ca sĩ giành giải Grammy Olivia Rodrigo, Megan Thee Stallion, Doja Cat, Lily Allen, siêu mẫu Winnie Harlow, diễn viên Bella Thorne, vũ nữ Dita Von Teese... cũng dễ dàng bán đồ cũ trên mạng nhờ vào danh tiếng của mình.
Câu hỏi khiến nhiều người đặt ra là tại sao phụ nữ giàu có lại bán những món hàng xa xỉ đã qua sử dụng của họ? Theo Ben Hemminger, giám đốc điều hành của Fashionphile, trang web nổi tiếng chuyên bán hàng hiệu đã qua sử dụng thì: "Những người giàu đã có nhiều túi xách hơn mức họ cần. Vì vậy họ loại bỏ chúng để lấy chỗ cho những món đồ khác hoặc để "biện minh" cho việc họ mua thêm những món đồ khác".
Ben Hemminger cho biết, trang web của anh cần rất nhiều phụ nữ giàu sang "tiếp sức" để có được nguồn hàng ổn định vì họ cần có khoảng 400 chiếc túi Hermès Birkin hoặc 200 chiếc Hermès Kelly cùng một thời điểm. Ben Hemminger tiết lộ, hai năm trước, anh đã mua một chiếc Birkin phiên bản hiếm được vẽ tay. Chiếc túi này có giá bán ban đầu là 1,2 tỷ đồng và được một người phụ nữ bán lại với giá gần 2,4 tỷ đồng.
Fashionphile đã bán được mẫu túi hiếm này với giá 3,5 tỷ đồng và gần đây họ phải trả 4,2 tỷ đồng để mua một chiếc túi tương tự từ một khách hàng khác. Sau đó họ bán được chiếc túi này với giá gần 5,4 tỷ đồng. Trang web cũng bán những món đồ cũ khác với giá rẻ hơn, ví dụ như những chiếc ví đựng thẻ của Louis Vuitton. Những chiếc ví nhỏ này có giá khoảng 6 triệu đồng nhưng thường xuyên hết hàng. Hemminger nói: "Ngay cả khi chúng tôi bán những chiếc ví nhỏ đó với giá 10,5 triệu đồng thì chúng cũng sẽ nhanh chóng "bay" khỏi kệ hàng của chúng tôi sau hai ngày".
Một khách hàng giàu có giấu tên của Fashionphile thừa nhận với tờ The Post của Mỹ rằng, cô rất nhanh chán với vô số loại túi hàng hiệu trong tủ đồ thời trang của mình. Người này nói: "Tôi là người đam mê thời trang và nghiện mua sắm. Tôi thường xuyên vào cửa hàng Chanel để mua những mẫu túi mới nhất và bên cạnh đó, tôi cũng luôn tìm cách chuyển những thứ cũ ra khỏi tủ của mình và mang những chiếc mới vào".
Người phụ nữ này cho biết, trong 7 năm qua, cô thường xuyên bán bớt những món đồ hiệu, chẳng hạn như chiếc túi Hermès Birkin nhỏ xinh có giá gần 250 triệu đồng. Người này cho biết, khi bán lại những chiếc túi như vậy, cô kiếm được khoảng 24 triệu đồng hoặc gần 50 triệu đồng tiền lãi.
Ngoài lý do "cả thèm chóng chán", nhiều người phụ nữ bán đồ hiệu còn bởi vì lý do là những người chồng giàu có đang quản lý chặt chẽ hơn việc chi tiêu của vợ.
Năm 1968, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Jackie Onassis kết hôn với người chồng thứ hai là ông trùm vận tải biển Aristotle Onassis. Sau khi kết hôn với đại gia, bà đã chi hơn 23 tỷ đồng mua sắm đồ thời trang trong năm đầu tiên. Sau đó Aristotle Onassis cắt giảm phụ cấp chi tiêu của vợ xuống còn 700 triệu đồng mỗi tháng. Không còn thực sự dư dả nhưng vẫn thích hàng hiệu, vì thế Jackie chuyển sang thanh lý tủ quần áo của mình để có thể duy trì thói quen mua sắm.
Nếu một người phụ nữ giàu có vào cửa hàng và băn khoăn về việc có nên mua thêm một món đồ hàng hiệu hay không thì nhân viên bán hàng sẽ thì thầm một gợi ý rằng: "Có lẽ cô nên bán bớt một chiếc túi cũ hơn ở nhà và sau đó mua chiếc túi này. Chúng tôi có thể giới thiệu một nơi tuyệt vời để làm điều đó". Lisa Stark, một người kinh doanh đồ hiệu đã qua sử dụng có trụ sở tại Palm Beach, Mỹ nói với The Post rằng các cộng sự bán hàng trong trung tâm mua sắm sẽ tư vấn với khách hàng về việc bán lại đồ cũ cho cửa hàng của cô.
Với một số phụ nữ, bán đồ hiệu cũ còn là cách giúp họ quên đi những kỷ niệm không vui trong quá khứ. Một khách hàng ở Palm Beach, Mỹ cho biết: "Khi tôi đính hôn, tôi đã mua váy của Zimmerman, Alice & Olivia và Retrofete cho các bữa tiệc của mình. Sau đó tôi hủy đám cưới và hai năm sau, tôi không muốn giữ đống váy áo đó trong tủ của mình nữa. Vì vậy tôi đã bán chúng với giá gần như giá tôi mua ban đầu".
Judy Taylor, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Madison Avenue Couture, đại lý nổi tiếng chuyên bán túi hàng hiệu đã qua sử dụng cho biết thêm: "Nhiều khách hàng thậm chí nghĩ tới việc bán lại ngay khi đi sắm đồ hiệu. Họ sẽ gọi cho chúng tôi và nói: "Tôi sẽ mua một chiếc túi Hermès Horseshoe. Màu túi nào thì bên bạn sẽ dễ bán?" Một chiếc túi Hermès Horseshoe được bán với giá 700 - 900 triệu đồng và có thể giúp thân chủ thu về 2,3 tỷ đồng khi họ bán lại".
Một người nổi tiếng hoạt động trong lĩnh vực làm đẹp nói với tờ The Post rằng: "Tôi đã mua một chiếc túi Chanel cách đây 5 năm với giá 140 triệu đồng. Sau đó tôi chán nó, vì vậy trong lần dọn dẹp tủ quần áo gần đây, tôi đã bán nó với giá 172 triệu đồng. Vì Chanel thông báo rằng họ đang tăng giá sản phẩm nên tôi bán được chiếc túi của mình một cách nhanh chóng".
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người mua hàng, một số doanh nghiệp bán đồ hiệu đã qua sử dụng còn cho phép người mua chỉ cần trả trước 25% giá trị món hàng và sau đó trả góp trong một thời gian khá dài.
Ben Hemminger nói: "Tôi đã hỏi một người phụ nữ rằng: "Tôi biết cô có đủ khả năng mua chiếc túi này, tại sao cô phải trả góp?" và cô ấy nói: "Chồng tôi không bao giờ xem xét các khoản chi tiêu trên thẻ tín dụng nếu khoản đó dưới 100 triệu đồng. Vì vậy, tôi chia nhỏ các khoản chi của mình thành 90 triệu đồng mỗi lần quẹt thẻ và như thế thì anh ấy sẽ không bao giờ hỏi tới".