1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Vì sao Hà Nội từng có phố mang tên nhà văn Victor Hugo?

Lạc Thành

(Dân trí) - Cuốn sách "Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945)" của Đào Thị Diến cho độc giả biết, hơn 100 năm trước Hà Nội từng có phố mang tên văn hào nổi tiếng người Pháp, Victor Hugo.

Nhân dịp 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Nhã Nam và nhà nghiên cứu Đào Thị Diến giới thiệu cuốn sách Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945).

Tác phẩm nghiên cứu quá trình Hà Nội biến đổi từ khu nhượng địa sang thành phố phương Tây vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Vì sao Hà Nội từng có phố mang tên nhà văn Victor Hugo? - 1

Cuốn sách "Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945)" của tác giả Đào Thị Diến (Ảnh: Nhã Nam cung cấp).

Nhà nghiên cứu Đào Thị Diến dành cả cuộc đời mình để viết về Hà Nội. Với hơn 30 năm công tác tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, bà có cơ hội tiếp cận những tài liệu quý giá từ các phông lưu trữ tiếng Việt lẫn tiếng Pháp.

Từ đó đem đến một nét độc đáo trong cách tiếp cận lịch sử Hà Nội ở cuốn sách này: Lịch sử được soi chiếu qua lăng kính tài liệu lưu trữ.

Các tài liệu này như những "nhân chứng sống", cho độc giả những bằng cứ chân thực, khách quan nhất về phố phường Hà Nội.

Cuốn sách gồm 2 phần. Phần 1 gồm 5 bài viết về thời kỳ bi tráng trong lịch sử cận đại Việt Nam (1873-1897) qua sự kiện thành Hà Nội bị quân đội thực dân Pháp tấn công, chiếm đóng và phá hủy.

Phần 2 gồm 35 bài viết về quá trình biến đổi Hà Nội từ khu nhượng địa thành một "thành phố Pháp" (ville française), một "Paris thu nhỏ" (petit Paris) của chính quyền thực dân.

Về thực chất, quá trình biến đổi này diễn ra đồng thời ở tất cả các lĩnh vực, sau khi Hội đồng TP Hà Nội được thành lập. 

Vì sao Hà Nội từng có phố mang tên nhà văn Victor Hugo? - 2

Tàu điện trên phố Hàng Đào trong cuốn sách của tác giả Đào Thị Diến (Ảnh: Nhã Nam cung cấp)

Trong phần 2, bạn đọc có thể tìm thấy những thông tin thú vị như: Ai mới là tác giả thực sự của cầu Long Biên; tàu điện, xe kéo tay ở Hà Nội thời Pháp thuộc; có bao nhiêu con phố ở Hà Nội từng mang tên đại thi hào Nguyễn Du.

Đặc biệt, bà Diến chia sẻ, Hà Nội từng có phố Victor Hugo - tên của văn hào nổi tiếng người Pháp.

Theo đó, vào năm 1902, sau gần 30 năm tiến hành các bước quy hoạch và xây dựng Hà Nội. Lần đầu tiên, chính quyền thuộc địa tiến hành đặt tên cho những con đường mới mở theo một quy chế xét duyệt nghiêm ngặt bởi một Hội đồng đặt tên phố.

Một trong những tiêu chí để chọn tên là "lấy tên của các danh nhân văn hóa Pháp và Việt". Đường đầu tiên số 53 được mang tên nhà văn Pháp Victor Hugo. 

Năm 1934, trong phiên họp ngày 26/1/1934, Hội đồng TP Hà Nội đã ra quyết nghị đổi tên đại lộ Victor Hugo thành đại lộ Pierre Pasquier.

Đến tháng 12/1945, theo danh sách đổi tên phố do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội Trần Duy Hưng duyệt, đại lộ Pierre Pasquier được đổi tên thành phố Hoàng Diệu.

Vào năm 1951, theo nghị định ngày 28/2 của Thị trưởng Hà Nội Thẩm Hoàng Tín, phố Hoàng Diệu lại được đổi thành đại lộ Hoàng Diệu, tức phố Hoàng Diệu ngày nay.

Vì sao Hà Nội từng có phố mang tên nhà văn Victor Hugo? - 3

Phố Cầu Gỗ hơn 100 năm trước (Ảnh: Nhã Nam cung cấp).

Ngoài ra, cuối sách còn có thêm phần phụ lục Bảng tra tên đường, phố, quảng trường, vườn hoa ở Hà Nội trước và sau năm 1954 và Lược dẫn tên các nhân vật người Pháp được đặt làm tên phố, quảng trường, vườn hoa và một số công trình ở Hà Nội trước năm 1954.

Hai phụ lục rất hữu ích cho bạn đọc tra cứu lẫn những ai muốn tìm hiểu về sự đổi thay khá thú vị về tên đường phố Hà Nội theo những diễn tiến của lịch sử.

Tác giả Đào Thị Diến nói rằng, bà sinh ra và lớn lên trong một khu phố nhỏ ở phía Bắc Hà Nội gần hai năm trước ngày tiếp quản Thủ đô (năm 1954).

Tuổi thơ của bà gắn với những địa điểm quen thuộc như: Vườn hoa Hàng Đậu gần tháp nước tròn cổ kính, với tiếng tàu điện leng keng dọc phố Quán Thánh, với con đường Phan Đình Phùng có cổng thành Hà Nội còn vẹn nguyên vết đạn pháo công thành của thực dân Pháp… 

Với bà, các con phố nhỏ như Đặng Tất, Lý Nam Đế… đã trở thành một phần không thể thiếu của tuổi ấu thơ.

"Cuốn sách là niềm ấp ủ, thai nghén và nghiên cứu trong một khoảng thời gian rất dài của tôi. Để tiếp cận được những tài liệu lưu trữ về Hà Nội, tôi phải biết tiếng Pháp, đồng thời cũng phải có một tình yêu Hà Nội sâu sắc", bà bộc bạch.

Vì sao Hà Nội từng có phố mang tên nhà văn Victor Hugo? - 4

Đường Quan Lộ, sau đổi tên thành phố Hàng Lọng, nay là đường Lê Duẩn (Ảnh: Nhã Nam cung cấp).

Nói về cuốn sách Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945), nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét rằng, tác giả Đào Thị Diến có một lợi thế rất lớn khi tiếp cận được những tư liệu lưu trữ đáng tin cậy.

"Bằng sự cẩn trọng, tỉ mỉ cùng phương pháp của một nhà lưu trữ, bà Đào Thị Diến đã đi vào từng chi tiết, liệt kê từng con đường, con phố và làm sáng tỏ nhiều sự kiện lịch sử của Hà Nội qua cuốn sách", ông Dương Trung Quốc chia sẻ.

Bà Đào Thị Diến, sinh năm 1953 tại Hà Nội. Bà tốt nghiệp chuyên ngành Sử thế giới, Đại học Tổng hợp Hà Nội và công tác tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Hà Nội.

Bà là tác giả của nhiều chuyên luận đã xuất bản về Hà Nội như: Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1873-1954), Hệ thống văn bản pháp quy về xây dựng và quản lý Thành phố Hà Nội từ 1885 đến 1954.

Bà cũng tham gia biên soạn các sách: Từ điển đường phố Hà Nội, Biên niên lịch sử Thăng Long - Hà Nội, Khu phố Tây ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX qua tư liệu địa chính Địa danh hành chính Thăng Long - Hà Nội.