1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

VCCA tổ chức triển lãm “Ươm”: Hành trình vượt ra khỏi lý thuyết

(Dân trí) - Ngày 8/11/2019, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) sẽ khai mạc triển lãm “Ươm”. Đây là triển lãm trưng bày các tác phẩm mới nhất của 3 nghệ sĩ Đoàn Văn Tới, Hà Thúy Hằng, Châu Lê Hoàng Gia, những gương mặt trẻ tuổi và giàu tiềm năng thuộc thế hệ mới của nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Diễn ra từ ngày 8-25/11, triển lãm “Ươm” của các nghệ sĩ Đoàn Văn Tới, Hà Thúy Hằng và Châu Lê Hoàng Gia đánh dấu cột mốc của mỗi cá nhân sau gần một năm tham gia “Chương trình Ươm mầm nghệ sĩ trẻ tài năng của VCCA”.

Triển lãm sẽ trưng bày các tác phẩm được thực hiện hoàn toàn mới trong năm 2019 với các hình thức đa dạng như hội họa, video, điêu khắc, sắp đặt.

Với nghệ sĩ Đoàn Văn Tới, đây là lần đầu tiên anh sáng tác tranh khổ lớn (kích thước 3 x 12m) với sự kết hợp của các chất liệu khác lạ để thực hiện tác phẩm mang tên “Cánh đồng”. Tác phẩm lấy cảm hứng từ những cánh đồng sau thu hoạch trong ký ức tuổi thơ với không gian rộng mở và sinh động. Chất chứa trong ký ức đẹp đó là nỗi niềm đầy ưu tư và suy nghiệm của nghệ sĩ khi đối diện với thực tế khung cảnh thôn quê trong trẻo dần biến mất trước tác động mạnh mẽ của quá trình phát triển và đô thị hóa.

VCCA tổ chức triển lãm “Ươm”: Hành trình vượt ra khỏi lý thuyết - 1
Tác phẩm “Cánh đồng” có kích thước lớn nhất trong triển lãm lần này (3 x 12m ).

Đoàn Văn Tới đã kết hợp một cách khéo léo giữa sơn dầu với đất, đá, cát, mùn cưa, thuỷ tinh, tro – những hỗn hợp dễ kiếm trong đô thị. Điều nghệ sĩ trẻ mong muốn là phần nào đưa thực tại xã hội hiện diện trên mặt toan vẽ.

Tiếp tục hành trình khám phá mối tương quan giữa xã hội đương đại và nghệ thuật truyền thống Việt Nam, nghệ sĩ Hà Thúy Hằng giới thiệu “Những rung động chậm.” Đây là tác phẩm sắp đặt tương tác video/âm thanh lấy cảm hứng từ những rung cảm chậm rãi mà tinh tế trong âm nhạc truyền thống.

VCCA tổ chức triển lãm “Ươm”: Hành trình vượt ra khỏi lý thuyết - 2
Hình ảnh nhân vật tuồng Đào Tam Xuân trong tác phẩm “Những rung động chậm” qua sự thể hiện của nghệ sĩ nhân dân Mẫn Thu.

Đặc biệt hơn, sự tài tình của Hà Thúy Hằng trong “Những rung động chậm” còn thể hiện qua việc tạo ra sự đối thoại, gắn kết cho kênh tiếng và kênh hình – những yếu tố vốn tồn tại độc lập trong tổng thể tác phẩm. Từ đó, khán giả sẽ chủ động tương tác với tác phẩm để có những cảm nhận của riêng mình

Loạt tác phẩm hội họa, sắp đặt điêu khắc, video của Châu Lê Hoàng Gia là sự khám phá chất liệu nghệ thuật đa dạng. Thông qua các bức tranh “Trên khe cửa”, “Hành lang”, “Căn phòng” “Ô cửa” sử dụng than, lá cây hay tác phẩm sắp đặt “Chông chênh” làm từ gỗ bời lời, anh cố gắng đào sâu vào ý nghĩa của những chất liệu gần gũi và có liên hệ mật thiết với đời sống cá nhân như một cách để ghi chép lại những suy nghĩ về sự hiện diện của bản thân trong những không gian từng sinh sống.

VCCA tổ chức triển lãm “Ươm”: Hành trình vượt ra khỏi lý thuyết - 3
Tác phẩm “Căn phòng” của Châu Lê Hoàng Gia
VCCA tổ chức triển lãm “Ươm”: Hành trình vượt ra khỏi lý thuyết - 4
Tác giả Châu Lê Hoàng Gia tạo nên tác phẩm “ Hành lang” từ chất liệu than và lá cây.

Đặc biệt, tác phẩm “Từng bước từng bước” là sự kết hợp độc đáo của hình ảnh động – hội họa – âm thanh thể hiện sự tự chất vấn của tác giả về vị trí của mình trong môi trường thiên nhiên, nơi không bị ràng buộc bởi sự phát triển và quy tắc của xã hội.

Với những tác phẩm này, giám tuyển Lê Thuận Uyên đánh giá “các nghệ sĩ tham gia chương trình đều nỗ lực vượt ra ngoài vùng an toàn của mình trong lần triển lãm này. Có nghệ sĩ đẩy sâu chất liệu vốn có, có nghệ sĩ thì thử thách bản thân với một chất liệu hoàn toàn mới. Tất cả đều cần thiết trong việc thúc đẩy thực hành nghệ thuật của mỗi cá nhân”.

Ông Mizuki Endo, Giám đốc nghệ thuật VCCA cũng khẳng định cả 3 nghệ sĩ tham gia triển lãm “Ươm” đều là những gương mặt tài năng và có triển vọng lớn. “Tôi nhận thấy ở họ có sự đồng điệu nhất định, thể hiện ở cách mà họ khai thác và đưa các giá trị văn hóa – đời sống Việt Nam vào trong thực hành nghệ thuật đương đại. VCCA rất hy vọng triển lãm này sẽ là một bước khởi đầu để họ tiến xa hơn trên con đường nghệ thuật trong tương lai”, ông Mizuki Endo nói.

Triển lãm “Ươm” mở cửa từ ngày 8/11/2019 đến hết ngày 25/11/2019 tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA), B1 – R3, Vincom Mega Mall Royal City (72A Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Trong khuôn khổ triển lãm, VCCA sẽ tổ chức cuộc trò chuyện giao lưu với các nghệ sĩ vào ngày 9/11. Chương trình chi tiết sẽ được cập nhật trên website và trang fanpage chính thức của trung tâm.

“Chương trình Ươm mầm nghệ sĩ trẻ tài năng VCCA 2019” là một dự án hỗ trợ dài hạn và toàn diện nhằm tìm kiếm và hỗ trợ các nghệ sĩ trẻ triển vọng của Việt Nam trên con đường sáng tác chuyên nghiệp. Quá trình đồng hành được chia thành một số giai đoạn chính: cung cấp thông tin, kiến thức liên ngành cũng như một số kĩ năng mềm cho nghệ sĩ, trao đổi chuyên sâu về việc thực hiện tác phẩm và tổ chức triển lãm trưng bày tác phẩm, tạo điều kiện cho nghệ sĩ tham gia lưu trú ở trong và ngoài nước.

Nghệ sĩ Hà Thúy Hằng

Hà Thúy Hằng (1989) tốt nghiệp chuyên ngành Âm nhạc học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam năm 2014. Được đào tạo bài bản về nhạc cổ điển, sau khi tốt nghiệp Hằng dấn thân vào âm nhạc đương đại và theo học khoá đào tạo của Trung tâm Âm nhạc và Nghệ thuật thể nghiệm Domdom. Cô quan tâm về tính đương đại trong âm nhạc truyền thống Việt Nam và luôn tìm tòi, sáng tạo cách chơi ngẫu hứng của riêng mình – ứng tác với chất liệu từ âm nhạc và các nhạc cụ truyền thống Việt Nam kết hợp với âm nhạc điện tử và âm nhạc mới.

Nghệ sĩ Đoàn Văn Tới

Đoàn Văn Tới (1989) tốt nghiệp cử nhân nghệ thuật, chuyên ngành hội họa tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Anh thực hành chủ yếu với ngôn ngữ hội hoạ, sử dụng chất liệu đa dạng như lụa, sơn dầu, chất liệu tổng hợp… Anh quan tâm tới phong cảnh đặc biệt là những cánh đồng rộng lớn và cách mà kí ức cá nhân và tập thể được hiển lộ qua phong cảnh đó, thể hiện bằng bảng màu, cách sử dụng, pha trộn chất liệu cũng như xử lý bề mặt rất cá nhân.

Nghệ sĩ Châu Lê Hoàng Gia

Châu Lê Hoàng Gia (1995) tốt nghiệp khoa Hội họa trường Đại học Nghệ thuật Huế năm 2018. Anh nghiên cứu và khám phá các chất liệu khác nhau trong thực hành sáng tác nghệ thuật trong đó có video art, điêu khắc, trực họa... Anh cũng chia sẻ mối quan tâm về cách xử lý, biến đổi vật liệu cũng như cách kết hợp các ngôn ngữ/ loại hình nghệ thuật khác nhau trong quá trình xây dựng tác phẩm. Các tác phẩm của Gia là quá trình chất vấn về vị trí của cá nhân trong môi trường xung quanh, thông qua thực hành quán chiếu những sự vật, hiện tượng mà mình nghe, thấy, và cảm nhận để hiểu rõ hơn về sự hiện diện của bản thân trong bối cảnh sống.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm