1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Truyền hình thực tế Việt Nam đổi món mạo hiểm

Sau những game show thi ca hát, tài năng, kiến thức..., truyền hình thực tế ở Việt Nam chuyển sang xu hướng mới: chương trình có định dạng là những cuộc chinh phục, vận động, thậm chí mạo hiểm, thử thách sinh tồn.

Thực tế là phải loại nhau

 

Game show mới nhất theo thể thức này được mua bản quyền sản xuất tại Việt Nam là "The amazing race - Cuộc đua kỳ thú". Đúng như tên gọi của chương trình, đây là cuộc đua thực sự mà người chơi phải vượt qua rất nhiều thử thách, loại dần đối thủ để về đích sớm nhất, giật giải thưởng 300 triệu đồng.

 

Truyền hình thực tế Việt Nam đổi món mạo hiểm

Thành viên một đội trong "The amazing race" trên phố Hà Nội khi họ đua đến Việt Nam và ghi hình 2 tập vào năm 2006

 

Theo đúng format của Disney Media Distribution (Mỹ), mỗi đội đua gồm hai người phải di chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau từ máy bay đến xe buýt, xe tải, xe lửa, xe đạp, từ thuyền, bè, đến đi bộ để tìm kiếm, thu thập các chỉ dẫn và hoàn thành từng chặng đường cho đến đích.

 

Phiên bản tại Việt Nam có 10 đội, "đua" đến 13 khu vực danh lam, thắng cảnh, địa điểm du lịch trên toàn quốc. Toàn bộ thời gian tranh tài kéo dài khoảng một tháng, với 8 chặng dừng để loại dần các đội. Yếu tố mạo hiểm nằm ở chỗ người chơi hoàn toàn không biết trước điều gì về điểm đến cũng như thử thách mà họ sắp đương đầu.

 

Diễn viên Dustin Nguyễn, đạo diễn kiêm MC của chương trình, cho hay: "Quá trình sản xuất chương trình này đòi hỏi phải ghi hình ở những bối cảnh lớn, khối lượng công việc phức tạp. Nhưng cách làm khá giống với việc thực hiện một bộ phim, lại có không khí hành động nên tôi thấy rất gần gũi và thú vị".

 

Có số lượng người tham gia ít hơn (16 người), mức thưởng thấp hơn (100 triệu đồng), nhưng chương trình truyền hình thực tế "Tôi là người dẫn đầu" tỏ ra không thua kém về độ mạo hiểm. Nhà sản xuất sẽ "thả" thí sinh vào rừng vắng, hoang đảo... để họ vượt qua các thử thách và giành vị thế dẫn đầu.

 

40 ứng viên được tập trung tại trại tuyển chọn trong 3 ngày để tìm ra 16 người xuất sắc. Những người còn lại này sẽ đồng hành cùng nhau trong suốt 5 tuần thử thách tại 8 tỉnh thành khác nhau. Người chơi dùng năng lực, sức khỏe bản thân để vượt qua những người lúc là bạn, khi là đối thủ, để chứng minh bản lĩnh của mình.

 

Vượt thử thách để tìm cảm xúc

 

Hai game show mới trên hứa hẹn mang đến sắc thái lạ cho màn ảnh truyền hình lâu nay do hàng loạt chương trình thi ca hát, tài năng, kiến thức thống lĩnh. Điểm đáng chú ý của chúng là người xem được thưởng thức những màn thi tài, hành xử sống động trong không gian có biên độ rộng hơn so với những game show bó hẹp trong khuôn khổ trường quay.

 

Với hình thức và nội dung mang màu sắc hành động, bụi bặm, khác với vẻ hào nhoáng, chỉn chu của nhiều chương trình trước đó, "Cuộc đua kỳ thú" và "Tôi là người dẫn đầu" đưa khán giả tiến gần hơn nữa đến khái niệm "truyền hình thực tế" được dùng lâu nay.

 

Truyền hình thực tế Việt Nam đổi món mạo hiểm

Hai chương trình truyền hình thực tế mới ở VN đậm tính hành động

 

"Trong quá trình diễn ra chương trình, có thể sẽ xảy ra chuyện người chơi mâu thuẫn, tranh cãi nhau. Chúng tôi tôn trọng thực tế và không cắt, vì yếu tố người chơi trong game show là rất quan trọng, hơn nữa điều đó góp phần tạo nên sức hấp dẫn của cuộc thi", bà Vũ Thanh Hường, Phó phòng Game Show 1, kênh VTV3, nói về chất thực tế của game show.

 

Cả hai game show này đều "nặng ký" cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng khi thách thức người chơi về ý chí, trí thông minh, cách xử lý tình huống, bản lĩnh, cũng như sức bền, sự dẻo dai và năng lượng để thích nghi, chịu đựng được áp lực về thời gian lẫn thời tiết.
 

Những ai từng xem qua bản gốc của "Cuộc đua kỳ thú" đều có thể nhận ra bên cạnh sự hấp dẫn của hành trình thực tế mạo hiểm, còn là một hành trình khác để những cặp thí sinh cha - con, chị - em, đồng nghiệp, tình nhân... khám phá nhau, hiểu nhau hơn khi cùng sát cánh bên nhau trải qua mọi thử thách.

 

"Tôi là người dẫn đầu" cũng là hành trình để người chơi trải nghiệm và khám phá chính bản thân mình với đủ các cảm xúc mạnh mẽ xảy đến khi chơi: yêu, ghét, giận dữ, hoảng sợ, hoang mang, rung động... Câu chuyện của một cá nhân phải tồn tại giữa nhóm người xa lạ là bài học về sự lột xác, trưởng thành, hiểu biết về những giá trị cuộc sống.

 

Cuộc đua rating, doanh thu quảng cáo?

 

Đậm tính thực tế hơn, nghĩa là độ thu hút khán giả, khả năng tăng rating, doanh thu quảng cáo của game show được nâng cao hơn. Song nhà sản xuất cũng khó khăn hơn trong việc thực hiện chương trình sao cho phù hợp với tập quán, văn hóa, điều kiện thực tế của Việt Nam.

 

Nhà sản xuất Ngô Bích Hạnh của "Cuộc đua kỳ thú" cho rằng: "Truyền hình thực tế cho khán giả thấy mình trong đó, không chỉ để giải trí mà còn đưa ra thông điệp để suy ngẫm. Chúng tôi tuân thủ bản quyền nhưng định dạng vẫn phù hợp thực tế, phía nước ngoài không ép làm điều gì không thích hợp với văn hóa Việt Nam".

 

Trong khi đó, "Tôi là người dẫn đầu" được khẳng định là game show thuần Việt, sản xuất từ ý tưởng của một đơn vị trong nước. "Hàng nội" thường không "thiêng", liệu có thể hy vọng quá trình chuẩn bị, nghiên cứu thị hiếu kỹ sẽ đem lại nét "mới mẻ, mãn nhãn, giàu kịch tính và cảm động" như nhà sản xuất tuyên bố?

 

"Tôi là người dẫn đầu" phát sóng tập đầu từ ngày 21/4 trên kênh HTV7, Đài truyền hình TP.HCM, "Cuộc đua kỳ thú" lên sóng muộn hơn, từ tối 18/5 trên kênh VTV3, Đài truyền hình Việt Nam. Chờ xem bước chuyển sang xu hướng mới của truyền hình thực tế ở Việt Nam sẽ tạo hiệu ứng gì, sau game show "Chinh phục đỉnh Everest" nổ phát pháo đầu tiên cách nay đã 4 - 5 năm.

 

Theo V.Tiến

Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm