Trưng bày và ra mắt bộ phim tư liệu "Giải phóng - tờ báo trên tuyến lửa"
(Dân trí) - Bộ phim hoàn thành đúng dịp chào mừng Đại hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025); kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam…
Mới đây, tại Hà Nội, Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo TP.HCM, Thư viện Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Báo Sài Gòn Giải phóng, Báo Đại Đoàn kết tổ chức trưng bày và ra mắt bộ phim tư liệu "Giải phóng - tờ báo trên tuyến lửa", do Bảo tàng Báo chí Việt Nam sản xuất tháng 10/2020; đạo diễn, quay phim NSƯT Đào Anh Dũng, NSƯT Nguyễn Hoàng.
Đây là một bộ phim tư liệu đầu tiên về Báo Giải phóng được thực hiện, là kết quả của sự gặp gỡ của Bảo tàng Báo chí Việt Nam và những nhà báo, nhà làm phim với tâm huyết và trách nhiệm đối với lịch sử đất nước, dân tộc, trong đó có lịch sử báo chí Việt Nam. "Giải phóng - tờ báo trên tuyến lửa" đã kể với công chúng hôm nay câu chuyện về một tờ báo làm nhiệm vụ đấu tranh thống nhất nước nhà và đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình hơn 40 năm qua.
Phim trước hết nhằm phục vụ công chúng đến tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam, phục vụ các nhà nghiên cứu lịch sử và sinh viên báo chí trong quá trình tiếp cận, tìm hiểu về lịch sử báo chí Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ và những năm đầu sau khi đất nước được thống nhất.
Phát biểu tại buổi trưng bày, Đại tá, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, (nguyên Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân) nhấn mạnh: Đây là hoạt động ý nghĩa, tôn vinh các thế hệ làm báo. Nhà báo Hồ Quang Lợi đề nghị Bảo tàng Báo chí Việt Nam tiếp tục sưu tầm những tài liệu quý giá về lịch sử báo chí Việt Nam nói chung và Báo Giải phóng nói riêng để tiếp tục tôn vinh tờ báo này và nhiều tờ báo khác của nước nhà.
Bà Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết: Bảo tàng đã sưu tầm được 500 số báo xuất bản từ năm 1969 đến tháng 1/1977 cùng một số tài liệu, hiện vật.
Năm 2015, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tiếp nhận được một số tờ báo Giải phóng bản gốc, tất cả đều đã ố màu vì thời gian, được gói ghém, cất giữ cẩn thận bởi các nhà báo Đinh Phong, Trần Thanh Phương… cùng một số hiện vật, tư liệu của các nhà báo khác trong chiến tranh đã từng công tác tại Báo Giải phóng. Những hiện vật quý giá này sẽ trở thành những tư liệu hữu ích cho các thế hệ làm báo sau này.