Trịnh Vĩnh Trinh: “Ai cũng thấy mình trong nhạc Trịnh Công Sơn”

Nhạc của Trịnh Công Sơn được coi là không có tuổi, nghĩa là có thể đem lại cảm xúc cho mọi thế hệ. Điều đó vẫn đúng với ngày hôm nay, khi nhạc Việt đang đi theo rất nhiều xu hướng mới với khán giả cũng đang thay đổi so với ngày hôm qua.

Nhạc của Trịnh Công Sơn được nhìn nhận như những triết lý về cuộc đời. Có nhiều nhận xét rằng ai cũng có thể tìm thấy mình trong nhạc của Trịnh Công Sơn. Chị nghĩ như thế nào về điều này?

Trước hết, tôi xin cám ơn những lời khen tặng và tình cảm yêu mến của mọi người dành cho anh Sơn tôi. Qua các ca khúc của anh Sơn, những hình ảnh bình dị và gần gũi với cuộc sống đều được thể hiện rất nhẹ nhàng và tự nhiên; từ tình yêu, nỗi buồn đến những triết lý sâu xa. Vì thế, tuỳ vào cảm nhận của mỗi người yêu nhạc Trịnh, có thể họ đã bắt gặp một hình ảnh quen thuộc nào đó của chính mình hay một sự đồng cảm sâu sắc trong từng ca khúc của anh.

Trịnh Vĩnh Trinh: “Ai cũng thấy mình trong nhạc Trịnh Công Sơn” - 1

Có rất nhiều ca sỹ đã thể hiện nhạc của Trịnh Công Sơn, tuy có người rất thành công, có người chưa thành công. Là em gái đồng thời cũng là ca sỹ hát nhạc của ông, theo chị để hát thành công nhạc của Trịnh Công Sơn, có cần phải nhập mình vào hoàn cảnh của từng ca khúc?

Là một ca sỹ, tôi nghĩ không chỉ riêng nhạc Trịnh mà với bất kỳ ca khúc nào của các nhạc sỹ khác, người ca sĩ luôn cần hiểu rõ ngôn từ của bài hát thì mới có thể có cảm hứng để hát hay tác phẩm đó được. Và riêng nhạc Trịnh, anh Sơn luôn muốn người ca sĩ thể hiện đơn giản như chính hơi thở của mình.

Nhạc của Trịnh Công Sơn được coi là không có tuổi, nghĩa là có thể đem lại cảm xúc cho mọi thế hệ. Chị có thấy điều đó đúng với ngày hôm nay không, khi nhạc Việt đang đi theo rất nhiều xu hướng mới với khán giả cũng đang thay đổi so với ngày hôm qua?

Theo tôi, thế hệ xưa hay nay đều có những người yêu nhạc Trịnh vì trong nhạc của anh mang đậm triết lý đời sống và con người. Chúng ta ai cũng đã yêu, đang yêu và sẽ mãi còn yêu. Nhạc Trịnh cũng vậy. Tình yêu trong nhạc Trịnh là bất tử, kể cả trong những mất mát và đau khổ vẫn đầy hy vọng và bình an. Tôi nghĩ rằng cho dù ta là ai, của ngày xưa, của hôm nay hay của ngày mai, khi ta còn yêu thì ta còn thấy mình trong nhạc Trịnh.

Chị thích ca khúc nào nhất của Trịnh Công Sơn? Tại sao?

Thật sự, bài nào của anh tôi cũng thích, vì rằng tôi là em gái đã sống cùng anh trong một mái nhà nên tôi đã được nghe anh kể về kỷ niệm của những bài hát đó. Mặc dù vậy theo tôi có rất nhiều những ca khúc thực sự không những sẽ mãi ở trong lòng người mà còn đi cùng năm tháng như Phôi Pha, Diễm Xưa, Chiều Một Mình Qua Phố, Vết Lăn Trầm .... mà người yêu nhạc sẽ lại được nghe trong dịp 8/3 năm nay tại Nhà Hát Công Nhân Hà Nội.

Trịnh Vĩnh Trinh: “Ai cũng thấy mình trong nhạc Trịnh Công Sơn” - 2

Dường như mỗi một ca khúc của ông đều có những kỷ niệm của riêng nó, chị có thể chia sẻ 1 trong những kỷ niệm về 1 ca khúc mà chị biết không?

Anh Sơn đã từng kể về Giấc mơ hạ trắng vào một mùa hạ nóng bức ở Huế với 42- 43 độ. Khi đó, anh Sơn bị sốt nặng, nằm mê man và chìm vào giấc mơ trong một rừng hoa trắng thơm ngào ngạt. Và lúc tỉnh dậy thì thấy trong phòng được cắm một bình hoa dạ lý hương. Sau khi hết bệnh, nghe tin bố của một người bạn bị hấp hối, anh Sơn đã đến thăm và nghe được một câu chuyện vô cùng cảm động.
 
“Câu chuyện rất đơn giản. Hai ông bà đã lớn tuổi thường nằm chung trên một sập gụ xưa. Cứ mỗi sáng bà cụ thức dậy sớm và xuống bếp nấu nước sôi để pha trà cho ông cụ uống. Một buổi sáng nọ, cũng theo thường lệ, bà cụ xuống bếp bị gió ngã xuống bất tỉnh và chết. Mấy người con ở gần đó tình cờ phát hiện ra và đưa bà cụ về nhà một người để tẩm liệm. Sau đó chôn cất và giấu ông cụ. Tất nhiên, khi ông cụ thức dậy hỏi con, mẹ các con đi đâu rồi, thì họ trả lời là mẹ sang nhà chúng con để chăm sóc mấy cháu vì chúng bị bệnh. Vài ngày sau vẫn chưa thấy bà về ông mới trầm ngâm hỏi các con có phải mẹ các con đã chết rồi phải không. Lúc ấy mọi người mới khóc òa lên. Từ đó ông nằm trên sập gụ một mình cơm không ăn, trà không uống cho đến lúc kiệt sức và đi theo bà cụ luôn. Câu chuyện này ám ảnh tôi một thời gian. Và sau đó tôi kết hợp giấc mơ hoa trắng mùa hạ với mối tình già keo sơn này như áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau để viết nên bài Hạ Trắng.” (Trích “Tôi là ai, là ai” của Trịnh Công Sơn)

Từ trước đã có nhiều giọng ca đã tham gia vào các đêm nhạc Trịnh tại Hà Nội, đã trở nên quen thuộc với khán giả Trịnh. Điều đặc biệt là 8/3 năm nay trong chương trình tại Nhà Hát Công Nhân do gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và IB Group tổ chức sẽ có thêm giọng ca Tuấn Ngọc là giọng ca nam duy nhất được nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đánh giá hát nhạc của ông hay nhất. Chị thấy thế nào?

Theo tôi, ca sĩ Tuấn Ngọc đã khẳng định vị trí của mình, một giọng ca trữ tình đã chinh phục được rất nhiều trái tim. Chúng ta thường thấy hình ảnh của người phụ nữ trong các ca khúc của anh Sơn nhiều hơn là người đàn ông, nhưng rất nhiều ca khúc đó lại chính là nỗi niềm tâm sự của một người đàn ông dành cho người phụ nữ mà mình yêu thương. Tôi nghĩ sẽ là tuyệt vời nếu có được một giọng ca nam thể hiện được những gì mà anh Sơn muốn nhắn gửi đến nửa kia của thế giới này.

Chị đánh giá như thế nào về nhạc sỹ Quốc Trung, người đã từng tham gia trong rất nhiều chương trình nhạc Trịnh trong vai trò đạo diễn và hòa âm phối khí, năm nay sẽ tham gia trong đêm nhạc Trịnh dịp 8/3 tại nhà hát Công Nhân?

Ngoài vai trò đạo diễn và hòa âm phối khí rất chuyên nghiệp, tôi rất quý tính cách của Quốc Trung. Với lần tham gia này của nhạc sĩ Quốc Trung, tôi nghĩ rằng chương trình sẽ được diễn ra rất thành công và tốt đẹp.

Chị muốn gửi điều gì tới những người yêu nhạc Trịnh?

Tôi nghĩ bất cứ ai yêu nhạc Trịnh đều có thể cảm nhận được chất âm nhạc đích thực mà anh Sơn muốn dành tặng cuộc đời. Đã có nhiều chương trình nhạc Trịnh được tổ chức từ trước đến nay và người yêu nhạc Trịnh cũng luôn biết mình muốn gì. Họ sẽ tìm đến nơi mà họ được cảm nhận rõ nét nhất những gì mà họ và Trịnh Công Sơn gặp nhau. Đó chỉ có thể là những đêm nhạc tràn đầy cảm xúc với sự chuẩn bị nghiêm túc với tình cảm thật từ đáy lòng của người tổ chức. Tôi tin rằng Đêm Nhạc Trịnh Công Sơn dịp 8/3 lần này tại tại Nhà Hát Công Nhân chính là một đêm nhạc như vậy.

Đêm nhạc Trịnh Công Sơn đã chính thức được Sở VHTT và DL Hà Nội cấp giấy phép và sẽ diễn ra trong các ngày 3,4,7,8/3/2012 tại Nhà Hát Công Nhân 42 Tràng Tiền, Hà Nội.

Điểm bán vé:
 
- Nhà Hát Công Nhân 42 Tràng Tiền Hà Nội
 
- Văn phòng IB Group Việt Nam: tầng 10, tòa nhà Thăng Long Ford, 105 Láng Hạ, Hà Nội. ĐT: 04 3533 2476 máy lẻ 11
 
- Nhà Hàng Đông Phương 13 Lê Văn Hưu, Hà Nội

Đặt vé tại www.ibgroup.vn hoặc gọi: 090 433 7427/ 098 466 6235