Trích sách "Nước Nam một thuở": Câu đối ngày Tết là gì?

Tô Sa

(Dân trí) - Các ông đồ viết câu đối vào dịp Tết để ca ngợi cảnh sắc mùa xuân, vẻ đẹp của năm mới, niềm vui sum vầy và để bày tỏ lòng thành kính đối với tổ tiên.

Nước Nam một thuở tập hợp 38 công trình nghiên cứu, bài viết tiêu biểu bằng tiếng Pháp và 60 tranh ảnh phong phú về đất nước, con người An Nam, do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tuyển dịch sang tiếng Việt.

Cuốn sách thuộc Tủ sách Lịch sử - Văn hóa, nằm trong dự án hợp tác giữa Omega Plus và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I. 

Câu đối và ngày Tết

Vào những ngày giáp Tết, trong các khu chợ và trên hè phố, người ta lại thấy xuất hiện nhiều gian hàng thư họa đẹp mắt của các ông đồ, các vị có tài thư pháp. 

Với manh chiếu nhỏ trải trên mặt đất, ông đồ ngồi gọn trên gót chân, khom lưng và tự tin khéo léo cầm chiếc bút lông nhúng vào mực tàu pha loãng đặt trên một chiếc tráp lớn đựng bút nghiên. Ông nắn nót viết thư pháp trên những tờ giấy cắt sẵn. 

Trích sách Nước Nam một thuở: Câu đối ngày Tết là gì? - 1

Bìa sách "Nước Nam một thuở" (Ảnh: Omega Plus).

Phía sau ông đồ là những câu đối viết sẵn treo trên sợi dây căng ngang. Những câu đối này có đủ kích thước, phục vụ mọi mục đích sử dụng như: để dán lên cánh cửa, treo trên cột ở phòng khách hoặc treo ở hai bên bàn thờ gia tiên.

Màu đen bóng của mực tàu trở nên nổi bật trên nền giấy màu rực rỡ, tôn lên đường nét hoa mỹ cũng như sự kết hợp hài hòa của chữ viết. Đối với việc lựa chọn giấy, màu đỏ, màu của niềm vui và may mắn, được ưu tiên sử dụng với các gam màu từ hồng đào cho đến đỏ tía. 

Các ông đồ viết câu đối vào dịp Tết để ca ngợi cảnh sắc mùa xuân, vẻ đẹp của năm mới, niềm vui sum vầy và để bày tỏ lòng thành kính đối với tổ tiên.

Có người còn dùng câu đối để bày tỏ suy nghĩ, nguyện vọng, mong ước của mình hoặc để thể hiện khiếu hài hước, sự mỉa mai trước sự chế giễu của người khác.

Câu đối là gì?

Có người nước ngoài thắc mắc: "Trên giấy viết gì vậy?"

Để họ hiểu được vấn đề, hãy cùng xem hai câu thơ trong bài La vigne paternelle (Cây nho của cha) của Lamartine dưới đây: 

Père et mère goutaient son ombre

Enfants, oiseaux rongeaient ses fruits

Tạm dịch: 

Cha và mẹ hưởng bóng mát

Con cái, chim chóc nếm trái ngọt 

Trích sách Nước Nam một thuở: Câu đối ngày Tết là gì? - 2

Ông đồ viết chữ đầu năm tại ăn Miếu - Quốc Tử Giám, năm 2019 (Ảnh: Hữu Nghị).

Ở câu thơ đầu tiên, ta có thể xóa liên từ "et" (và) mà không làm thay đổi nhịp điệu của câu. Như vậy, đôi câu thơ này được sửa thành: 

Père, mère goutaient son ombre

Enfants, oiseaux rongeaient ses fruits

Tạm dịch: 

Cha, mẹ hưởng bóng mát

Con cái, chim chóc nếm trái ngọt 

Nó tạo thành cặp câu đối hoàn hảo theo phong cách của người Hoa và người An Nam. 

Thật vậy, từ "père" (cha) và "enfant" (con) là danh từ có hai âm tiết, đăng đối với nhau. "Mère" (mẹ) và "oiseaux" (chim chóc) cũng vậy.

"Goutaient" (hưởng) và "rongeaient" (nếm) là động từ có hai âm tiết đối nhau. Cũng đối nhau là cặp tính từ sở hữu đơn âm tiết "son" và "ses" (của nó).

"Ombre" (bóng) tương xứng với "fruits" (trái cây), đều là những danh từ một âm tiết (âm tiết câm "bre" không được tính ở cuối câu thơ tiếng Pháp).