"Nước Nam một thuở": Truyền tải giá trị lịch sử - văn hóa người Việt
(Dân trí) - "Nước Nam một thuở" được đánh giá là "một trong những cuốn sách truyền tải trọn vẹn nhất giá trị lịch sử - văn hóa đặc trưng của đất Việt, người Việt".
Nước Nam một thuở tập hợp 38 công trình nghiên cứu, bài viết tiêu biểu bằng tiếng Pháp và 60 tranh ảnh phong phú về đất nước, con người An Nam đăng trên Tạp chí Đông Dương, Tạp chí Viễn Á, Tuần san Đông Dương, Tập san Dân Việt Nam xuất bản từ năm 1894 đến năm 1948, do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tuyển dịch sang tiếng Việt.
Cuốn sách thuộc Tủ sách Lịch sử - Văn hóa, nằm trong dự án hợp tác giữa Omega Plus và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.
Những nhóm chủ đề trong số 38 bài viết nghiên cứu của cuốn sách gồm:
Phong tục ngày Tết: Ngày đầu năm mới của người An Nam; Câu đối; Chữ Phúc và chữ Thọ.
Các nghi lễ, phong tục tập quán: Thờ cúng tổ tiên và quyền lực của người cha trong xã hội An Nam; Thuật phong thủy trong đời sống của người An Nam; Chiêm tinh học của người An Nam, đặc biệt là các ứng dụng trong quân sự; Lễ Động thổ; Một tập tục quan trọng trong cưới hỏi: xem tuổi cô dâu, chú rể; Lễ đăng quang của vua Thiệu Trị.
Các đặc điểm văn hóa: Chuyện ăn uống trong các tầng lớp xã hội An Nam; Tục ăn trầu; Thú chơi diều của người An Nam; Chọi gà, chọi dế; Các thầy thuốc tại triều đình An Nam: Thái y viện; Tiếng nói và chữ viết An Nam; Giải văn chương An Nam năm 1943.
Nét văn hóa của các vùng, khu vực: Tiếng rao ở Sài Gòn; Thi Hương; Tam Đảo; Sa Pa; Bạch Mã; Bà Nà; Ba Vì; Vũng Tàu; Đảo Phú Quốc; Đồ Sơn; Đảo Bạch Long Vĩ; Thành Nhà Hồ; Thành Hà Nội; Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn; Bảo tàng Khải Định ở Huế.
Các danh nhân văn hóa, lịch sử: Tả quân Lê Văn Duyệt; Danh tướng Võ Tánh, người trấn thủ thành Quy Nhơn; Quan đại thần Phan Thanh Giản; Nhà yêu nước lỗi lạc Nguyễn Trường Tộ.
Các chủ đề khác: Các chiến thuật của Hoàng đế Trung Hoa (Tần Thủy Hoàng, năm 246 TCN); Khai trương hình thức du lịch bằng đường hàng không tại Đông Dương; Các khu nghỉ mát trên núi Đông Dương.
Tác giả của những bài viết này là các học giả, nhà khoa học, quan chức người Pháp và người Việt như: Louis Bezacier, Gustave Dumoutier, Cerutti, Henry Bontoux, G. Taboulet, G.Tucat, Ngô Quý Sơn, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Xuân Chữ…
Họ đã khảo cứu và đưa ra những luận điểm khá tinh tế về các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, giáo dục, các vùng đất, di tích, nhân vật lịch sử của Việt Nam thời Pháp thuộc.
Ấn phẩm chủ yếu khai thác các bài tiểu luận có chất lượng ẩn trong các hồ sơ lưu trữ, trong đó có các ấn phẩm định kỳ phát hành từ năm 1948 trở về trước.
Các bài viết được lựa chọn và sắp xếp, hệ thống hóa theo chủ đề và trình tự thời gian. Mỗi bài viết đều có hình ảnh minh họa, ghi rõ tác giả, ký hiệu tra tìm, niên đại. Đối với những bài viết không có hình ảnh, Ban Biên soạn đã sưu tầm, bổ sung hình ảnh đồng thời ghi rõ nguồn dẫn để cuốn sách thêm phần sinh động.
Đối với tên phố và đường ở Hà Nội và Sài Gòn, nhà xuất bản giữ nguyên tên gốc tiếng Pháp và bổ sung tên gọi tương đương hiện nay.
Nhóm biên dịch đã gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện. Một số bài dịch từ chữ Hán, chữ Nôm, vốn có nhiều khái niệm trừu tượng, khó hiểu cũng như không có câu, từ tương đương trong tiếng Pháp.
Nhiều sử tích và sự kiện lịch sử quá xa thời đại hiện nay, qua hai lần chuyển ngữ, rất khó để xác minh đúng hay sai sự kiện. Tác giả đồng thời là người dịch Hán - Nôm chỉ chuyển ý tóm lược, chẳng hạn như bài Thi Hương hay bài Câu đối.
Ngoài ra, một số địa danh hay tên người bị tác giả người Pháp viết sai, hoặc không dấu (tiếng Việt) gây nhiều khó khăn cho người dịch.
Trong tất cả các trường hợp trên, người dịch và người hiệu đính, biên tập viên đã phân tích, chấp thuận các giải pháp chuyển ngữ (có thể): chuyển ý, chuyển câu hoặc dịch từng từ sao cho sát ý, người đọc có thể chấp nhận được và dễ hiểu.
"Với chức năng của một cơ quan lưu trữ quản lý khối tư liệu lịch sử phong phú bậc nhất liên quan thời kỳ thuộc địa, các soạn giả của Trung tâm đã tìm tòi, sưu tầm, dịch thuật, đúng với nguyên lý "gạn đục khơi trong".
Từ đó, họ giới thiệu với bạn đọc ngày nay tham khảo những tri thức và luận điểm của các tác giả, những vấn đề của đời sống văn hóa, xã hội Việt Nam đương thời, trong đó có cả những truyền thống xa xưa vẫn đang hiện diện trong đời sống đương đại", nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét.