Tranh sao chép vẫn đoạt giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc?

Đằng sau những giải thưởng mỹ thuật toàn quốc 2005, có không ít ý kiến cho rằng một số tác phẩm không xứng đáng vì chất lượng nghệ thuật kém, thậm chí có tác giả sao chép tranh của hoạ sĩ nước ngoài...

"Đạo tranh" vẫn đoạt giải Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc?

 

Tiếp xúc với hoạ sĩ M, anh bức xúc: "Triển lãm mỹ thuật toàn quốc là nơi "phô" ra "bộ mặt" của cả nền mỹ thuật VN đương đại. Vậy mà không hiểu sao vẫn lọt vào được những tác phẩm yếu kém, thậm chí là "đạo tranh" của người khác mà hội đồng nghệ thuật không hay biết...".

 

Trong số những tác phẩm đoạt giải, tác phẩm "Bình minh trên công trường" của Lương Văn Trung đoạt Huy chương đồng giống hệt với tác phẩm Brigada (Đội lao động) của hoạ sĩ Nga M.C.Ombưs - Cuznhexov sáng tác năm 1981.

 

Tác phẩm "Tan ca" của hoạ sĩ Nguyễn Quốc Huy đoạt HCV tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2005 (TLMTTQ), thì cách đây chưa lâu đã tham gia và nhận giải thưởng Philip Morris (5.000USD) với một cái tên khác: "Đường giải phóng"...

 

Ở đây, rõ ràng có một tác phẩm nghệ thuật giống hệt một tác phẩm đã từng "trình làng" trước đó của một hoạ sĩ khá nổi tiếng chứ không phải loại "vô danh tiểu tốt", một tác phẩm thì "thâm canh" theo kiểu "một buồng chuối bán nhiều lần"... Vấn đề mà dư luận đặt ra ở đây là tác giả Lương Văn Trung chép tranh của hoạ sĩ Cuznhexov và tác giả Nguyễn Quốc Huy chỉ một tác phẩm nhưng tham gia nhiều giải thưởng khác nhau làm sao có thể qua mặt được hội đồng nghệ thuật, hơn nữa còn nhận được giải thưởng cao?

 

Nếu tác giả Lương Văn Trung chép tranh của hoạ sĩ Cuznhexov thì anh phải tuân thủ một nguyên tắc mang tính bắt buộc, đó là đề rõ vào tác phẩm đây là bản sao chép chứ không phải là bản gốc và anh cũng không có quyền ký tên mình vào bức tranh. Như vậy thì tác phẩm trên không đủ điều kiện để tham gia Triển lãm mỹ thuật toàn quốc và hội đồng nghệ thuật cũng không có lý do gì để trao giải cho tác phẩm đó.

 

Tác phẩm "Bình minh trên công trường" được tác giả Lương Văn Trung coi là tác phẩm của mình. Làm sao lại có sự trùng lặp ngẫu nhiên đến kinh ngạc trong sáng tạo nghệ thuật của hai hoạ sĩ cách nhau... về địa lý cũng như năm sáng tác đến thế? Bức tranh "Brigada" của hoạ sĩ Cuznhexov và bức "Bình minh trên công trường" của Lương Văn Trung đều vẽ bằng sơn dầu và giống nhau từ bố cục, màu sắc đến đề tài và cách thể hiện?...

 

Tranh sao chép vẫn đoạt giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc?  - 1

Tác phẩm "Đội lao động" của họa sĩ Cuznhexov sáng tác năm 1981.

 

Sẽ thu hồi giải thưởng

 

"Phải thu hồi giải thưởng!" - hoạ sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật, Phó BTC triển lãm – cho hay. Ông còn cho biết thêm: Việc này sẽ phải xử lý nghiêm vì Quốc hội vừa thông qua Luật Sở hữu trí tuệ. Và luật này sẽ là cơ sở để có chế tài xử lý những vụ vi phạm bản quyền nói chung và tình trạng sao chép tranh.

 

Còn đối với việc tác phẩm "Tan ca" (HCV) của tác giả Nguyễn Quốc Huy, trước đó đã tham dự và đoạt giải Philip Morris, thì theo quan điểm riêng của hoạ sĩ Khánh Chương là hết sức bình thường. Điều này cũng tương tự như việc có rất nhiều bộ phim, thậm chí đã đi dự rất nhiều giải quốc tế khác nhau rồi về mới dự giải trong nước.

 

Phó Giáo sư Lê Anh Vân - Hiệu phó Trường ĐH Mỹ thuật HN, thành viên Hội đồng nghệ thuật - cũng cùng chung quan điểm với hoạ sĩ Trần Khánh Chương về tác phẩm "Tan ca" của tác giả Nguyễn Quốc Huy. Theo ông, mỗi một giải thưởng có các tiêu chí khác nhau. Có thể tác phẩm này đã đoạt được giải thưởng nào đó rồi, nhưng tác giả vẫn chưa thấy thật hài lòng với tác phẩm và có chỉnh sửa để tham dự giải khác.

 

Còn với "Bình minh trên công trường", ông Lê Anh Vân cho biết: Khi chấm giải, tôi thấy tác phẩm này có cách tạo hình gần giống với thời kỳ Xôviết, nhưng chúng tôi cho rằng trong sáng tác, việc bị ảnh hưởng một phong cách nào đó là chuyện dễ xảy ra, mặt khác, tác phẩm có đề tài tốt. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng khác với sự ăn cắp, photocopy. Theo tôi phải thu hồi giải thưởng, gỡ ngay bức tranh khỏi triển lãm và có biện pháp giáo dục với tác giả này - nếu là sinh viên của trường chuyên nghiệp.

 

Bình tĩnh hơn, hoạ sĩ Vi Kiến Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Mỹ thuật và Nhiếp ảnh, thành viên BTC - cho biết: Đây là sự việc rất đáng tiếc và sáng nay (20/12), Vụ Mỹ thuật đã họp bàn phương hướng giải quyết. BTC TLMTTQ sẽ có buổi làm việc trong một vài ngày tới và đưa ra quyết định thu hồi giải thưởng với tác phẩm này, thông báo rộng rãi và có thể Lương Văn Trung còn phải xin lỗi trên công luận, bởi trong quy chế dự giải ghi rõ: Tác giả phải chịu trách nhiệm về việc bản quyền đối với tác phẩm của mình. Việc sao chép này đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp - yếu tố làm nên nhân cách nghệ sĩ…

 

Tác giả Lương Văn Trung (sinh năm 1981) nói gì?

 

Đã có bằng chứng tác phẩm đoạt HCĐ của Trung là sự sao chép tranh của hoạ sĩ Cuznhexov, Trung nghĩ sao?

 

Trước khi tham dự TLMTTQ, tôi đã xem rất nhiều tác phẩm về đề tài công nhân (đề tài mà tôi thích) và do đó, nếu có bị ảnh hưởng giống ai đó thì cũng là chuyện bình thường. Tôi cũng chẳng biết ông Cuznhexov là ai cả.

 

Có thể ảnh hưởng phong cách, nhưng ý tưởng và cách thể hiện phải là của từng hoạ sĩ. Tranh của Trung và của ông Cuznhexov giống nhau đến 95%...

 

Thế nếu đề tài là "Tả thực chân dung con người" thì chị có phải vẽ để người ta thấy đấy là con người không?

 

Trung đang học hay làm việc ở đâu?

 

Tôi đang học ở Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội.

 

 

Theo Lao Động