1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Tranh cãi chuyện các cuộc thi nhan sắc không chấp nhận người chuyển giới

Mi Vân

(Dân trí) - Tại cuộc họp báo gần đây, ông Nawat - Chủ tịch cuộc thi Hoa hậu Hòa bình - khẳng định, cuộc thi nhan sắc do ông khởi xướng nói "không" với người chuyển giới.

Cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Philippines 2023 (Miss Grand Philippines) đang diễn ra để tìm kiếm gương mặt đại diện cho quốc gia tại cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Thế giới 2023 (Miss Grand International).

Cuộc họp báo trước chung kết có sự góp mặt của ông Nawat Itsaragrisil, bà Teresa - Phó chủ tịch cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Thế giới cùng đương kim Hoa hậu Hòa bình Thế giới 2022 - Isabella Menin.

Tranh cãi chuyện các cuộc thi nhan sắc không chấp nhận người chuyển giới - 1

Ông Nawat (giữa) tham gia họp báo trước chung kết Hoa hậu Hòa bình Philippines 2023 (Ảnh: Missosology).

Tại buổi họp báo, ông Nawat bày tỏ, những người chuyển giới không có cơ hội tham dự cuộc thi do ông sáng lập. "Tuyệt đối không. Không một cuộc phẫu thuật nào có thể thay đổi ADN của một người. Người chuyển giới thành phụ nữ vẫn là đàn ông, và người chuyển giới thành đàn ông vẫn là phụ nữ", ông chia sẻ.

Ông Nawat giải thích thêm, người chuyển giới đã có những cuộc thi sắc đẹp riêng nên việc họ góp mặt tại sân chơi Hoa hậu Hòa bình Thế giới hay các cuộc thi nhan sắc dành cho phụ nữ truyền thống là không phù hợp. 

Hiện, những chia sẻ của ông Nawat nhận những phản ứng trái chiều của cộng đồng mạng. Một số ý kiến cho rằng, ông quá khắt khe với cộng đồng người chuyển giới trong khi một số khác lại ủng hộ lời giải thích của ông.

Ông Nawat bước chân vào giới giải trí Thái Lan với vai trò người dẫn chương trình. Suốt 20 năm làm nghề, ông đảm nhận vai trò MC cho các kênh truyền hình lớn tại Thái Lan và giành nhiều giải thưởng lớn của làng giải trí nước này. 

Sau đó, ông Nawat trở thành cái tên nổi tiếng trong giới tổ chức các cuộc thi sắc đẹp khi quyết định tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Thế giới từ năm 2013. Vốn có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực giải trí, ông thúc đẩy cuộc thi Hoa hậu Hòa bình trở thành thương hiệu lớn do trung hòa được hai yếu tố giải trí và thương mại.

Tranh cãi chuyện các cuộc thi nhan sắc không chấp nhận người chuyển giới - 2

Ông Nawat khẳng định cuộc thi Hoa hậu Hòa bình không chấp nhận thí sinh chuyển giới (Ảnh: Missosology).

Chỉ trong vòng 10 năm, ông xây dựng và đẩy mạnh thành công thương hiệu Hoa hậu Hòa bình và đưa cuộc thi lọt Top 6 cuộc thi sắc đẹp lớn nhất thế giới do chuyên trang Globalbeauties bình chọn. Cuộc thi sắc đẹp này cũng mang lại khoản lợi nhuận lớn cho Chủ tịch Nawat và giúp ông tích lũy những tài sản có giá trị.

Năm ngoái, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập, cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Thế giới được tổ chức tại Indonesia nhưng gây tranh cãi về kết quả, phong cách tổ chức và phát ngôn của chủ tịch Nawat về thí sinh.

Người đang nắm giữ vương miện Hoa hậu Hòa bình Thế giới là người đẹp Isabella Menin (người Brazil). Cô sẽ trao lại vương miện cho người kế nhiệm tại chung kết cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Thế giới 2023, dự kiến tổ chức vào tháng 10 tới. 

Tranh cãi chuyện các cuộc thi nhan sắc không chấp nhận người chuyển giới - 3

Hoa hậu Hòa bình Thế giới 2022 là người đẹp Isabella Menin (Ảnh: Missosology).

Đây không phải là lần đầu, quan điểm "người chuyển giới không được tham dự các cuộc thi nhan sắc dành cho phụ nữ" được mang ra tranh cãi. Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe) từng là tâm điểm truyền thông khi thông báo chấp nhận người chuyển giới dự thi từ năm 2012. 

Thông tin này gây nhiều tranh cãi bởi nhiều người e ngại chất lượng cuộc thi có thể đi xuống vì có quá nhiều phụ nữ chuyển giới tham gia. Trong khi đó, những người thuộc cộng đồng LGBT (người chuyển giới, song giới, đồng tính) lại ủng hộ sự thay đổi táo bạo của tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ. 

Năm 2018, thí sinh chuyển giới đầu tiên được sải bước trên sân khấu Hoa hậu Hoàn vũ. Đó là Hoa hậu Hoàn vũ Tây Ban Nha - Angela Ponce. Cô trở thành người đẹp chuyển giới đầu tiên tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ. Dù chỉ dừng chân ở top 20 chung cuộc nhưng Angela Ponce là một trong những thí sinh nổi bật nhất sân khấu Hoa hậu Hoàn vũ năm 2018.

Chia sẻ hậu cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2012, người đẹp chuyển giới Angela Ponce phát biểu: "Người ngoài có thể bình luận về những điều tôi có thể và không thể làm, nhận xét con người tôi. Nhưng, xin lỗi, là phụ nữ chính là con người thật của tôi".

Tranh cãi chuyện các cuộc thi nhan sắc không chấp nhận người chuyển giới - 4

Angela Ponce - thí sinh chuyển giới đầu tiên tham gia cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ (Ảnh: MU).

Năm 2022, Giám đốc quốc gia của tổ chức Mexicana Universal - bà Lupita Jones - cũng gây tranh cãi khi tuyên bố không chấp nhận những người chuyển giới tham dự cuộc thi Mexicana Universal (Hoa hậu Hoàn vũ Mexico). "Chúng tôi đã nhiều lần giải thích chuyện này và sẽ không thay đổi quan điểm", bà Jones nhấn mạnh. 

Bà Lupita Jones cho biết người chuyển giới nên có những cuộc thi riêng. Bà muốn Mexicana Universal là cuộc chơi cho những phụ nữ thực thụ.

Bà giải thích: "Dù tiến hành phẫu thuật chuyển đổi giới tính, thay đổi một số bộ phận giống phụ nữ, họ vẫn là người chuyển giới. Trong cuộc sống, ai cũng có không gian, chỗ đứng riêng. Tất nhiên, người chuyển giới không nên bị phân biệt đối xử. Họ xứng đáng được công nhận. Nhưng Mexicana Universal không phải là sân chơi của họ".

Chia sẻ của Giám đốc quốc gia Mexicana Universal ngay lập tức trở thành tâm điểm bàn tán trên mạng xã hội. Nhất là khi người điều hành tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ là tỷ phú chuyển giới người Thái Lan - Anne Jakapong Jakrajutatip. 

Được biết, năm nay, Hoa hậu Hoàn vũ 2023 tiếp tục có sự tham gia của thí sinh chuyển giới, đó là người đẹp Hà Lan - Rikkie Valerie Kollé.

Tranh cãi chuyện các cuộc thi nhan sắc không chấp nhận người chuyển giới - 5

Bà Lupita Jones - Giám đốc quốc gia của tổ chức Mexicana Universal - từ chối thí sinh chuyển giới tham gia các cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Mexico (Ảnh: News).

Theo Missosology/Miss Grand International

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm