Trần Lập: “Đánh bóng chẳng có ý nghĩa gì với tôi”

(Dân trí) - “Đánh bóng chả có nghĩa lý xi nhê gì với tôi. Điều gì cần làm cho ban nhạc, tôi luôn xếp nó lên hàng đầu. Cuốn sách lại thêm một lần nữa có giá trị lưu trữ cho chúng tôi khi danh tiếng cũng sẽ đến lúc theo gió bay đi hết,” Rocker Trần Lập chia sẻ khi bất ngờ ra mắt tự truyện về đời mình.

Xin chào anh Trần Lập, sau Giọng hát Việt, anh làm gì?

 

Tôi cùng ban nhạc Bức Tường đi tour Rock Storm và hàng loạt chương trình lớn nhỏ trong nước. Rồi thì như một lẽ thường của tất cả những người đã đi xa nhà nhiều ngày, thời gian còn lại sau những buổi diễn phải để dành cho gia đình. Tôi đưa cả gia đình đi du lịch, đi chơi đây đó, gặp lại nhiều bạn học và chơi với các con nhiều hơn. Tôi cũng dành thời gian để hoàn thành cuốn tự truyện sau nhiều thời gian ấp ủ. Nay đã tới lúc hiện thực rồi.

 

Anh có quan tâm tới cuộc thi Giọng hát Việt năm nay? Và anh có nghĩ sẽ quay lại ghế “nóng” nếu được mời?

 

Vì mỗi lúc một việc nên tôi theo dõi được bập bõm thôi. Chưa nhớ được ai với ai, đội nào, hát bài gì. Trước vòng bán kết mùa đầu tiên, cả 4 HLV đều được nhà tổ chức đưa ra lời đề nghị ký tiếp hợp đồng. Lúc đó chúng tôi chưa thu xếp được thời gian năm nay nên chưa dám nhận lời. Về sau thì việc này việc kia đến và mọi thứ cũng khác trước do đó còn mỗi một HLV mùa 1 tham gia.  Quay lại với ghế nóng đó ư? Điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khó nói chắc được.

Trần Lập: “Đánh bóng chẳng có ý nghĩa gì với tôi”

 

Với Giọng hát Việt năm ngoái, anh đã từng nhiều lần rơi vào “bão truyền thông” và hứng chịu nhiều chỉ trích, khen chê còn với Giọng hát Việt năm nay, mọi thứ phẳng lặng dường như tới mức nhàm chán, vậy anh có ước, lẽ ra mình ngồi ghế nóng năm nay sẽ “yên bình” hơn?

 

Thời gian cho mọi người tự động mở được những ẩn số chứ khen chê thì cũng còn tuỳ. Thật lòng là tôi không để ý nhiều tới chuyện năm nay vì không thuộc phạm vi công việc. Ai chẳng muốn điều hay và sự bình an đến với mình nhưng có phải cứ muốn gì là được nấy đâu. Năm nay tôi không có từ “ lẽ ra” nào với việc ấy, còn bao nhiêu thứ khác để khám phá trên đời kia mà.

 

Thời gian gần đây anh và nhóm Bức Tường xuất hiện nhiều hơn trong các chương trình ca nhạc? Lý do vì sao anh lại hào hứng tái xuất thời điểm này?

 

Chẳng “lý do” gì  đặc biệt cả đâu bạn ạ. Muốn xuất hiện điều ngoài việc tự sản xuất chương trình cũng phải có duyên đón nhận lời mời của các nhà tổ chức. Chúng tôi cứ theo lẽ tự nhiên mà sắp xếp thời gian chơi thôi, không phải quá áp lực và đặt quá nhiều mục tiêu như thời trước. Do đó, chơi gần 20 năm mà vẫn tạo được độ ổn định và chơi tốt thì dịp xuất hiện cũng dày lên thôi mà.

 

Nỗi lo “Cơm áo gạo tiền” ảnh hưởng như thế nào tới một Rocker như anh, anh quay lại với showbiz để duy trì “độ nóng” của tên tuổi hay chỉ vì để thỏa mãn đam mê được hát trên sân khấu?

 

Ở lứa tuổi của ban nhạc chúng tôi thì không ai nói là chơi nhạc để thoả mãn đam mê. Đó là một công việc. Như bất kỳ một ai khi có việc để làm là họ phải làm, vậy thôi. Về chuyện đời sống, kiếm tiền, thu nhập, đầu tư, sáng tạo của giới rock tôi cũng đề cập một phần khá dài trong cuốn tự truyện này. Thái độ sống và cách nghĩ của những người chơi nhạc rock dù còn khó khăn nhưng vẫn có khí phách của nó. Họ không cần “ làm hàng” hay “ bơm vá” linh tinh để “hâm lại thịt nguội”, đó chỉ là cách suy nghĩ của những kẻ yếu mà thôi. Có lẽ bạn thử đọc sâu vào cuốn sách, bạn sẽ hiểu hơn và sẽ thấy sự khác biệt trong cách sống của dân rock là thế nào. Nay vẫn còn bươn chải nhiều lắm nhưng đó là chuyện khác, đam mê cũng là chuyện khác, họ dám chơi thứ nhạc khó nhằn nhất đến thời buổi này mà không cần hào quang mới là điều đáng nói. Tôi tự hào là một trong số họ.
 
Trần Lập: “Đánh bóng chẳng có ý nghĩa gì với tôi”

 

Anh nhìn nhận thế nào về các ca sỹ - nhóm Rock trẻ ở Việt Nam hiện tại? Vì sao Rock luôn chỉ có một vị trí khiêm tốn trong làng nhạc Việt?

 

Đó là một câu chuyện dài nhưng rồi sẽ đến lúc bạn tin rằng, phần nào đó trong bối cảnh này, họ tự quyết định là như vậy. Họ chọn tư thế khiêm tốn không phải vì họ không muốn cao lớn, mạnh mẽ. Họ chỉ không muốn tỏ ra khủng khiếp trước những thứ không phải là thách thức của họ. Họ không chịu chung sân với nhạc nhớt, nhạc thị trường. Họ không cúi đầu trước những đề nghị “bán mình” cho hình thức mà không hữu thực. Họ cá biệt nhưng họ không dị biệt như lời đồn vu cho. Họ không rách rưới vô học và đua đòi những trò lố bởi phần lớn giới này họ có sự tự trọng của trí thức. Nếu không nói là tất cả thì phần lớn trong số họ đều có những xuất thân đại học của nhiều chuyên ngành trên đời. Họ có thừa cả ngày để học tập ôn luyện kỹ thuật âm nhạc chứ họ không rảnh để chỉ quan tâm tới áo quần. Đúng là lứa trẻ chưa bật hết lên nhưng thế giới có đóng sập lại ngay sáng mai đâu. Tôi không tin những giá trị đích thực sẽ chết hết dù xung quanh có rắc rối thế nào.

 

Anh đã gây bất ngờ với fans khi thông báo ra tự truyện riêng - Trần Lập - Bên kia Bức Tường, lý do vì sao anh muốn ra mắt tự truyện? Vì muốn “đánh bóng” hay vì lý do nào khác?

 

Trước hết, tôi bắt đầu “ viết cái gì đó” đã từ gần 20 năm nay về ban nhạc của mình. Điều này không quá bất ngờ với fans của rock hay của Bức Tường nói riêng, họ chờ đợi phần tiếp theo của “ Những năm tháng đẹp nhất” cũng lâu rồi. Với những lớp khán giả mới thì tôi không chắc nhưng như đã nêu ở trên, từ “đánh bóng” chả có nghĩa lý xi nhê gì với tôi hay những người đã mê rock trên đời.  Điều gì cần làm cho ban nhạc, tôi luôn xếp nó lên hàng đầu vì từ đó mà tôi đã nên người. Cuốn sách lại thêm một lần nữa có giá trị lưu trữ cho chúng tôi khi mà mọi thứ ngoài kia hay danh tiếng cũng sẽ đến lúc theo gió bay đi hết. Ra đời cuốn sách vào lúc này không vì một sự kiện xã hội nào hết vì đó không phải là một cái gì đó mang tính thời vụ. Công ty phát hành đã mời tôi viết nó không vì những sự chạy đua bóng bẩy tầm thường. Họ có lý do để trân trọng những chia sẻ của tôi với bạn đọc còn tôi thì đã nghĩ đến những điều lớn lao hơn từ thuở nhỏ đã đọc những chia sẻ của người lớn. Nay có cơ hội thì tôi lại dốc vốn sống vốn trải nghiệm nhất định để sẻ chia.  Đó là quà tặng cho những người bạn đồng niên, những người trẻ hơn và những người muốn đúc rút kinh nghiệm trên con đường âm nhạc rất mênh mông này.

 
Trần Lập: “Đánh bóng chẳng có ý nghĩa gì với tôi”

 

Thông thường người hâm mộ kỳ vọng sẽ được biết “tất tần tật” về cuộc đời của một ngôi sao khi họ đọc tự truyện, vậy anh cung cấp bao nhiêu phần trăm sự thật và bao nhiêu phần trăm đời tư trong tự truyện này?

 

Bạn ạ, đây không phải là một cuốn tiểu thuyết. Nhớ nhé, muốn tận hưởng cuộc sống ban tặng chân thành, bạn phải tự giữ được niềm tin. Đọc nó và cảm nhận với sự mở lòng, bạn sẽ tìm thấy câu trả lời. Đơn giản thôi.

 

Cảm ơn anh, chúc anh thành công và mạnh khỏe!
 

Đúng như tên gọi của nó, Bên kia Bức Tường dành nhiều “đất” nhất cho câu chuyện sau ánh đèn sân khấu còn ít ai biết về ban nhạc Bức Tường từ cuộc “chào đời” âm thầm, bí mật trong lòng đội văn nghệ Trường Đại học Xây dựng, qua vô vàn khó khăn, chìm nổi, bế tắc, những lần suýt giải tán, từng bước một bước lên đỉnh vinh quang cho tới khi tạm dừng cuộc chơi vào năm 2006 và tái hợp vào năm 2012.

Nhìn lại những chặng đường đã đi qua, Trần Lập bình thản kể ra bao thất bại, sai lầm, đen đủi thay vì chỉ tô vẽ hào quang. Trong phần “Chống cằm”, nơi anh suy ngẫm về âm nhạc và bản chất của sáng tạo, Trần Lập cũng không ngại ngần vạch ra những mảng tối còn tồn tại trong không gian nhạc rock Việt Nam với một lòng đau đáu “Rock Việt, khi nào ta khá hơn?”

“Bên kia của Bức Tường là ngổn ngang hay kì vĩ, hố sâu hay ngút ngàn trùng điệp, bạn cứ thử bước tới và ngó qua. Ở bên kia ấy, mạch nguồn của tôi là khao khát được ca hát và có một ban nhạc riêng đã đến từ rất sớm. Tất cả luôn bất thành, tối tăm, đượm cái bi quan của thanh niên tuổi mới lớn. ‘Mọi thứ’ chỉ nên chuyện tính từ thời điểm mà tôi sẽ kể ra dưới đây [...] Trong phần viết này tôi chấp bút nhưng công lao và sự ngóng trông có đầy đủ tên của những người mà mãi về sau tôi sẽ thân như anh em ruột.”

“Ai cũng lớn lên từ sẻ chia của những người đã từng trẻ, cũng có khát vọng, cũng có biết bao điều giá trị muốn giữ mãi về sau. Cho nên, tôi đã tìm ra lý do lớn nhất để viết cuốn sách nhỏ này.”

 

Bài: Vĩnh Ngọc

Ảnh: Dzung Tran