"Trai nhảy" - "nóng" nhưng chưa "bỏng"

Dự định làm phim "Trai nhảy" của đạo diễn Lê Hoàng vừa tạm gác lại, Kịch Sài Gòn đã có ngay một vở trùng tên. "Trai nhảy" trên sân khấu với ý tưởng khá thời sự, đặt ra nhiều vấn đề nổi cộm. Tuy nhiên, kịch bản và dàn dựng được đánh giá là "chưa tới".

Câu chuyện về 2 phụ nữ luống tuổi không hài lòng với cuộc sống gia đình hiện tại, tìm đến những "người tình nhỏ" ở vũ trường. Hoàn cảnh có khác nhau, bà Loan bất mãn vì thái độ sống thiếu trách nhiệm của chồng, bà Sương cô đơn trong cảnh góa bụa, nhưng cả hai có cùng một nhu cầu là được yêu thương, chăm sóc, tìm lại hạnh phúc trong hôn nhân. Hai khách hàng này đã được an ủi từ những lời vuốt ve của Tuấn và Viễn, nhưng cuối cùng họ cũng đau đớn nhận ra rằng 2 chàng trai nhảy này đến với mình chỉ vì tiền.

Trong lúc bà Sương đang say người tình, dần sa bẫy của Viễn, thì con gái của bà tìm mọi cách vạch trần âm mưu của gã. Còn con gái bà Loan thì cay đắng trước thái độ sống của cha mẹ, tìm đến vũ trường, thuốc lắc... Đỉnh điểm của sự uất ức là cô tự kết liễu đời mình khi hay tin những tấm ảnh sex của mẹ do Tuấn chụp bị tung lên mạng. Sự trở về của 2 người mẹ, người vừa kịp lúc, kẻ đã muộn màng.

Kịch bản Trai nhảy đã đặt ra khá nhiều vấn đề nóng bỏng như: thái độ sống lười nhác, "bám váy" của những chàng trai trẻ; cuộc sống phù phiếm của những phụ nữ lắm tiền; lối sống "mỗi người một nẻo" của những gia đình ở thành phố; suy đồi đạo đức với thuốc lắc, ảnh sex; và cả chuyện... "sao đàn ông có quyền trăng hoa mà phụ nữ thì không"... Nhưng do quá ôm đồm, nên các vấn đề đều chỉ được đề cập thoáng qua, không để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem.

Nhiều "lỗ hổng" trong vở kịch cũng làm cho sức hút của nó giảm xuống. Như tình tiết một phụ nữ từng trải, đang làm ăn kinh doanh ở thương trường, luôn chủ động ý thức được điều mình làm như bà Sương lại dễ ngã vào vòng tay của một chàng trai trẻ với những lời tán tỉnh "không thể cũ hơn". Viễn của Tiết Cương thì quá cường điệu, anh diễn không khác gì những màn "cương" của mình trong Gala Cười khiến cái đểu trở nên ngây ngô, sống sượng trong những đoạn lẽ ra cần nghiêm túc. Còn Hữu Nghĩa trong vai một trai nhảy, nhân vật gần như chính của vở thì đất diễn lại quá ít, trở nên mờ nhạt và không khác gì một... anh hề.

Sau buổi diễn ra tối qua, nhiều ý kiến đã nhận xét rằng: Nếu theo đúng tên gọi của vở kịch mà tác giả Vương Huyền Cơ đã đặt, thì 2 nhân vật chính (hai trai nhảy) quá mờ nhạt. Lại vẫn là những màn lừa tình lừa tiền và cuối cùng là bị vạch mặt. Còn nếu vở kịch muốn nói về nhiều vấn đề xã hội lớn hơn như thái độ, nhân cách sống của những con người "hiện đại" thông qua những nhân vật như bà Sương, vợ chồng bà Loan thì nội dung có thuyết phục hơn, nhưng không phù hợp với cái tên Trai nhảy.


Theo Quang Tâm
Vnexpress