1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Tình cảm sâu nặng với nước Nga qua các phim Việt giờ vàng VTV

Hương Hồ

(Dân trí) - "Tình khúc Bạch Dương" và "Mátxcơva - mùa thay lá" là hai bộ phim truyền hình Việt giờ vàng VTV hiếm hoi khắc họa đời sống của người Việt tại Nga cùng tình cảm dành cho nước Nga tươi đẹp.

"Tình khúc Bạch Dương"

Lên sóng giờ vàng trên kênh VTV1 năm 2018, bộ phim Tình khúc Bạch Dương - lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Tình khúc Lavanda - là một trong những tác phẩm hiếm hoi của truyền hình Việt Nam tái hiện cuộc sống, thanh xuân rực rỡ của du học sinh Việt Nam tại Liên Xô vào thập niên 80.

Những sinh viên Việt Nam lần đầu tiên được đặt chân đến xứ sở Bạch Dương đã được sống giữa tình cảm nồng hậu của người dân Nga. Cùng với đó, phim cũng khai thác đời sống của những người Việt sang Liên Xô làm việc. Những thăng trầm, biến cố trong tình yêu và cuộc sống của họ gắn liền với thăng trầm của con người và đất nước Nga (Liên Xô cũ). 

Tình cảm sâu nặng với nước Nga qua các phim Việt giờ vàng VTV - 1

Bộ phim "Tình khúc Bạch Dương" lên sóng năm 2018 để lại dấu ấn khó quên trong lòng khán giả (Ảnh: Fanpage "Tình khúc Bạch Dương").

Trên tất cả, bộ phim không chỉ là ký ức về chuyện tình yêu và cuộc sống, mà còn chứa đựng tình cảm sâu nặng, sự sẻ chia của những con người cùng chung tình yêu sâu đậm với nước Nga.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải - khi đó là Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Đài truyền hình Việt Nam (VFC) - nhấn mạnh, Tình khúc Bạch Dương được xem như là "canh bạc tất tay" của VFC bởi họ đã dồn mọi tâm sức, nhân lực để thực hiện dự án này.

Các đạo diễn hot của VTV như Vũ Trường Khoa (phim Sống chung với mẹ chồng), đạo diễn Vũ Mai Hiền (phim Người phán xử) đều được cử tham gia vào dự án.

Dàn biên kịch, biên tập phần lớn đều là những người từng học bên Nga, có vốn sống, trải nghiệm về xứ sở Bạch Dương như: Khánh Hà, Phạm Kim Ngân, Hải Anh, Đặng Diệu Hương…

Phim cũng quy tụ dàn diễn viên là những tên tuổi đã gây được nhiều dấu ấn trong lòng khán giả cả nước. Ở giai đoạn quá khứ, Bình An, Huỳnh Anh, Minh Trang, Hồng Loan... đã hóa thân rất đạt vào những du học sinh Việt Nam tại Liên Xô trong thập niên 80. Trong khi đó, Kiều Anh, Quang Tuấn, Hải Anh, Khuất Quỳnh Hoa... gây được nhiều ấn tượng với hình ảnh người lao động Việt Nam xa xứ.

Giai đoạn tương lai là sự tham gia của các diễn viên Hoa Thúy, Lê Vũ Long, Thanh Mai, Chi Bảo. Nghệ sĩ Công Lý trong vai diễn người chồng có vợ đi Liên Xô làm đội trưởng công nhân may, cũng lấy không ít nước mắt của người xem.

Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Tình khúc Bạch Dương là dự án khá đặc biệt của VFC khi được đặt quyết tâm thực hiện từ rất sớm nhưng đến năm 2017 mới xong.

"Khó khăn trước hết là chất liệu, vì chúng tôi không được phép chủ quan, dễ dãi trong việc tạo ra kịch bản. Câu chuyện trong phim có sự chấp bút của những anh chị từng sang Liên Xô học vào thập niên 80, 90… Điều này giúp nội dung dày dặn hơn. Những chuyến khảo sát bối cảnh cũng đầy công phu bởi mỗi bối cảnh phải có câu chuyện phù hợp.

Đó không chỉ là câu chuyện mà là những mảng màu văn hóa về nước Nga. Ngay cả việc tìm được dàn nghệ sĩ tham gia phim như: Thanh Mai, Chi Bảo, Hoa Thúy, Kiều Anh, Quang Tuấn, Công Lý… cũng phải cân nhắc rất kỹ", đạo diễn Đỗ Thanh Hải nói.

Nghe các ca khúc trong phim "Tình khúc Bạch Dương" (Video: Fanpage "Tình khúc Bạch Dương").

Về bối cảnh quay trong phim, đạo diễn Đỗ Thanh Hải từng cho biết, 30 tập phim được ghi hình tại nhiều bối cảnh trải dài ở các thành phố lớn trên khắp nước Nga như Saint Petersburg, Moscow, Krasnodar, Klin, Tula…

Bởi vậy, qua bộ phim, khán giả được thấy nước Nga đẹp mê hồn hiện lên với những dãy phố đượm màu thời gian, những mái vòm nhà thờ đặc trưng, dòng Neva thơ mộng chảy quanh thành phố, những tuyệt tác đài phun nước và tượng đài điêu khắc, cánh rừng bạch dương vàng ruộm phủ kín những con đường ngập nắng…

Trong đó, không thể không kể đến tổ hợp trung tâm thương mại đa chức năng Hà Nội - Mát-xcơ-va, công trình được xem như biểu tượng của sự gắn bó giữa hai nước Việt - Nga.

Để ghi hình bộ phim này, ê-kíp đã mất hơn 3 tháng thiết kế các cảnh quay ở nhiều địa điểm khác nhau với gần 3.000 tấn trang thiết bị đạo cụ và phục trang. Đây cũng là con số thiết bị lớn nhất từ trước đến nay, được VFC đầu tư xuất ngoại để làm phim.

Nhờ vậy, rất nhiều bối cảnh xưa được kỳ công phục dựng như ốp sinh viên, ốp công nhân, những cửa hàng ký gửi, mua bán các vật dụng nồi áp suất, bàn là, quần áo, quạt orbita, phấn con én…

Dù cũng vướng phải một số tranh cãi trái chiều khi lên sóng nhưng không thể phủ nhận, Tình khúc Bạch Dương khiến những ai từng là du học sinh Liên Xô (cũ) khi xem đều bồi hồi nhớ về một thời tuổi trẻ tươi đẹp.

Khán giả được tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời và cảm nhận tình cảm ấm áp, nồng hậu của những thầy cô giáo, những bà mẹ Nga giàu lòng nhân ái cũng như cuộc sống học tập và lao động kiếm sống vất vả, nhọc nhằn của những người Việt ở xa Tổ quốc.

Nếu câu chuyện quá khứ mang lại một ký ức đẹp về tuổi trẻ, tình yêu thì câu chuyện của 30 năm sau trong Tình khúc Bạch Dương lại khiến người xem xúc động về số phận của những người Việt Nam từng sống và học tập tại Nga.

MC Thanh Mai (đảm nhận vai nữ chính tên Quyên) tâm sự, Tình khúc Bạch Dương là bộ phim đánh dấu sự trở lại phim trường của chị sau nhiều năm vắng bóng do quá bận công việc và cuộc sống riêng. Ban đầu, Thanh Mai cũng không nghĩ sẽ nhận lời nhưng sau khi đọc kịch bản bộ phim này, chị đã khóc rất nhiều và ngay lập tức đồng ý tham gia.

Thanh Mai kể, trong quá trình ngồi trên ô tô di chuyển từ bối cảnh quay này đến bối cảnh quay khác, chị giở kịch bản ra đọc và cảm giác như đang đọc một cuốn tiểu thuyết lãng mạn nhưng cũng rất thực và rất đời. Tất cả mang lại cho chị nhiều cảm xúc khiến chị trào nước mắt.

Tình cảm sâu nặng với nước Nga qua các phim Việt giờ vàng VTV - 2

Chi Bảo và Thanh Mai đảm nhận vai nam - nữ chính trong phim "Tình khúc Bạch Dương" (Ảnh: VTV).

"Mátxcơva - mùa thay lá"

Mátxcơva - mùa thay lá do NSND Trọng Trinh làm đạo diễn, là câu chuyện ngọt ngào nhưng ngang trái về tình bạn và tình yêu của những người Việt trẻ từng học tập ở Nga.

Hai nhân vật chính là Minh (Hồng Đăng) và Phương (Hồng Diễm) du học và sinh sống ở Nga. Hai người dường như hợp nhau về mọi thứ và quấn quýt như một cặp trời sinh nhưng vì một biến cố mà chuyện tình cả hai đi đến dang dở.

Thời gian qua đi, tình cờ gặp lại nhau giữa thủ đô Moskva của nước Nga, hai người vẫn không thể ngăn trái tim mình rung động, xao xuyến. Tuy nhiên, ngăn cách giữa họ lại là cả một "hố sâu" của danh phận, trách nhiệm.

Mátxcơva - mùa thay lá ra mắt trên kênh VTV1 năm 2017 và được nhiều khán giả đón nhận khi phát lại trên truyền hình vào năm 2021.

Tình cảm sâu nặng với nước Nga qua các phim Việt giờ vàng VTV - 3

Hồng Diễm và Hồng Đăng trong một cảnh phim "Mátxcơva - mùa thay lá" (Ảnh: VTV).

Nhà thơ Lê Tự Minh gọi bộ phim là bản tình ca lãng mạn, gợi nhớ ký ức về nước Nga với phong cảnh đẹp, con người chân tình. Lần thứ hai xem phim, ông xúc động khi nhìn lại khung cảnh Quảng trường Đỏ, đồi Lenin, bến tàu điện ngầm Moskva - những địa điểm đặc trưng của thành phố nơi ông từng sinh sống.

Nhiều khán giả nói họ xúc động khi nghe giai điệu trầm buồn của bài hát Tôi hỏi cây tần bì và lập tức tìm kiếm thông tin dù không hiểu tiếng Nga. Suốt quá trình làm phim, đạo diễn Trọng Trinh nghe đi nghe lại ca khúc, nhiều lần bật khóc vì xúc động.

Nam đạo diễn từng kể, nhiều khán giả nói họ khóc vì cảm động câu chuyện tình, yêu xứ Bạch Dương dù chưa từng đặt chân đến nước bạn.

Anh chia sẻ thêm, kịch bản được đạo diễn Đỗ Thanh Hải, biên kịch Trịnh Khánh Hà sửa đi sửa lại nhiều lần, chỉnh lần cuối ngay trên máy bay, trước giờ bấm máy. Ê-kíp đều là những người yêu mến nước Nga, mong muốn tái hiện chân thực, sinh động cuộc sống ở xứ sở này.

Bốn tập phim dài hơn 4 tiếng, được quay trong 20 ngày. Dù làm việc với cường độ cao, tinh thần nam đạo diễn luôn ở trong trạng thái thư thái, lãng đãng khi hòa mình vào cảnh trời nước Nga.

"Tôi từng sang Nga biểu diễn năm 1989, khi mới 20 tuổi. Trở lại sau nhiều năm, tôi cảm nhận nước bạn hiện đại hơn nhưng không thay đổi nhiều. Người dân Nga vẫn hồn hậu, nồng ấm.

Từng mái nhà, góc phố, hàng cây đều toát lên vẻ thơ mộng, ý vị, đẹp hiền hòa như một bức tranh. Tôi nghĩ những khung hình đó gợi ký ức cho khán giả - những người từng du học hoặc gắn bó với văn hóa Nga", đạo diễn Trọng Trinh nói.

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm