1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Tin buồn đến đúng Ngày Nói dối

Cái tin “Người nhạc sĩ của thân - phận - con - người” đã nằm xuống đúng cái ngày người ta bông đùa nhau nhiều nhất lan đi nhanh như điện xẹt, làm quặn thắt lòng hàng triệu công chúng yêu nhạc và giới văn nghệ sĩ.

Hãy cùng đọc lại những dòng cảm xúc của rất nhiều người quen hoặc chưa hề biết mặt, ngay sau cái thời khắc nặng trĩu ấy. “Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người...”

 

Mấy năm trước là Văn Cao, nay đến Trịnh...

 

Tin buồn đến đúng trong Ngày Nói dối (1/4), nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không còn nữa. Và không ai trong chúng ta - những người yêu quý ông - lại muốn tin đó là sự thực. Mấy năm trước là Văn Cao. Nay đến Trịnh. Những người nhạc sĩ tài ba ấy cứ nối tiếp nhau ra đi. Để lại một sự hẫng hụt đến nao lòng.

 

Lê Minh

 

Hãy để nỗi buồn thiêng liêng từ từ lắng đọng...

 

Vẫn cứ hy vọng đó là một tin tàn dư của ngày nói dối. Không ngờ... “Đôi khi ta về lại ngỡ ta đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt, trên hai vai ta hai vầng nhật nguyệt...”

 

Các bạn ở Hà Nội, ở đất Bắc không biết Trịnh Công Sơn đối với thanh niên, với dân yêu nhạc miền Trung và miền Nam như thế nào đâu! Đau buồn, hẫng hụt lắm...

 

Nhạc Trịnh đã gắn với một thời sinh viên trai trẻ lãng mạn của tôi. Nơi tôi sống ở Quy Nhơn, nơi “mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ, dài tay em mấy thuở mắt xanh xao...”. Nơi đây, trong những ngày trốn quân dịch, trên tầng ba của Trường Sư phạm Quy Nhơn, Trịnh đã viết những giai điệu tuyệt vời Biển nhớ - “ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về...”. Bây giờ nhạc sĩ đã ra đi, biển Quy Nhơn sóng vẫn vang những lời gọi nhớ.

 

Hãy để nỗi buồn thiêng liêng này từ từ lắng đọng. Năm nay chúng ta mất nhiều quá: Lê Dung, rồi bây giờ lại đến Trịnh. Thật buồn.

 

Manart

 

Bất tử

 

Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ vĩ đại nhất. Không bao giờ chúng ta có thể quên được những bài hát của ông, đó là những ca khúc bất hủ, những ca khúc mà ca từ và nhạc sánh nhịp với nhau thành những giai điệu bất tử.

 

V. Phương

 

Nằm xuống, ngủ yên một cuộc đời ca tụng tình yêu

 

Anh đã nằm xuống, xin anh hãy ngủ yên, một cuộc đời ca tụng tình yêu của anh, ca tụng tình người, ca tụng nỗi khổ của dân da vàng.

 

Những bài hát thương yêu của anh từ đầu làng góc phố, từ Huế, Sài Gòn, Hà Nội, khắp bốn nẻo đường quê hương. Anh đã cho chúng em tiếng nói, những khắc khoải của tuổi thanh niên trong thời chinh chiến cũng như những  đầm ấm tình yêu. Việt Nam ơi, bao giờ anh trở lại. 

 

Mai S

 

Hà thành, nghe tin anh về cát bụi

 

Con người thường trầm lặng ấy thì ra cũng biết đùa lắm, đúng hơn là anh “đùa dai” trong một cú đùa hiếm hoi, cuối cùng: Ra đi ngay trong ngày “cá tháng tư”, ngày mà mọi năm những bạn bè yêu mến anh cứ lấy Trịnh Công Sơn ra để làm nhau giật mình rồi hể hả, vui mừng khi gọi về nhà nghe Trịnh Công Sơn nói vẫn “mạnh giỏi” ngồi uống rượu.

 

Khi người ta tuởng anh chết thật thì Trịnh Công Sơn vẫn ung dung đi lại với hoa, nhạc, rượu và người đẹp. Khi người ta không tin anh chết thật thì anh nhẹ nhàng ra đi như khói. Lần này, Trịnh Công Sơn cho thiên hạ rơi lệ thật.

 

Vậy là người viết tình khúc, theo tôi là hay nhất Việt Nam, được yêu mến ngưỡng mộ cũng vào bậc nhất Việt Nam không còn nữa, anh không mang theo gì, còn tặng lại cuộc đời hơn 500 ca khúc mà có đến ba, bốn thế hệ ai cũng thuộc ít nhất 10 bài trở lên. Có những ca khúc mà thời gian chẳng làm gì được, bởi thời gian cũng đã chạm vào, trôi qua, tặng cho những tình khúc ấy sự bất hủ.

 

Một đêm vắng lặng ở Hà Nội trong quán cà phê nhỏ đâu đó trên đường Trần Hưng Đạo, người ta yên lặng nghe lại những tình khúc của anh. Những Hạ trắng, Biển nhớ, Một cõi đi về qua tiếng kèn Trần Mạnh Tuấn.

 

Tin buồn đến đúng Ngày Nói dối  - 1
 

 

Lang thang trong phố đêm và lẩn khuất trên những vòm cây cơm nguội Hà Nội. Vòm cây mà trước đó, để dành một phút tưởng niệm Trịnh Công Sơn, trước sân khấu của Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao ở Giảng Võ: “Hà Nội mùa thu cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu...”. 4 cô gái Hà Nội - nhóm Tik Tik Tak - đã cất lên mộc mạc, trang trọng trước hàng ngàn khán giả. Sự tưởng niệm chân thành ở đâu cũng đều đẹp. Có người nói thế.

 

L/A

 

 

Cú lừa Ngày Nói dối và nỗi đau có thật

 

Dù chưa một lần được gặp Trịnh Công Sơn, nhưng mình lại có một kỷ niệm đáng nhớ, gắn liền với nhạc sĩ.

 

Các bạn yêu guitar cổ điển ở Hà Nội chắc là biết quán café Nhạc Tranh ở Thái Thịnh (nơi thường tổ chức các đêm nhạc cổ điển chủ nhật hàng tuần và cũng là một địa chỉ quen thuộc của nhiều văn nghệ sĩ Hà Nội). Một buổi chiều cuối tháng 3 cách đây 4 năm rồi, mình đang ngồi uống café ở đó thì anh Sơn, chủ quán lại gần và nói nhỏ: “Ngày kia Trịnh Công Sơn sẽ ra Hà Nội”.

 

- Thế thì hay quá!!!

 

- Có tin này em đừng nói thêm cho ai biết: Có thể tối ngày kia anh Sơn sẽ tới nghe nhạc ở chỗ mình và có buổi nói chuyện.

 

Quán Nhạc Tranh có sức chứa không lớn lắm, chừng hơn 100 người đổ lại, nên mình biết tại sao anh Sơn phải thì thầm như vậy (nhưng không ngờ còn một lý do khác nữa...)

 

Hồi đó đang là sinh viên báo chí nên mình hăng lắm. Rủ thêm một cậu bạn nữa (sau khi bắt nó phải thề giữ bí mật), hai thằng sẵn sàng máy ghi âm, máy ảnh, bản câu hỏi phỏng vấn... Và hồi hộp chờ đợi. Rồi “ngày kia”cũng tới.

 

8h tối, mình và thằng bạn tiến về phía Nhạc Tranh với tư thế của người lính xung trận.

 

Người ra vào đông nghịt. Trịnh nhạc sĩ vẫn chưa đến. Nhưng sao những khuôn mặt đang đi ra đều có vẻ gì đó từa tựa nhau: hơi đăm chiêu, nửa như cười, nửa như mếu! Kỳ lạ nhất là bên trong quán chốc chốc lại vọng ra những trận cười rần rần!?!

 

Mặc dù trong bụng đã dấy lên một cảm giác gì đó không chắc chắn, nhưng thôi đã trót thì phải trét. Mình chen lại gần anh Sơn và kéo áo hỏi: “Trịnh Công Sơn tới chưa ông anh?”

 

Đáp lại mình là một trận cười nữa, nhưng không kéo dài, có lẽ vì những người ngồi xung quanh đã cười nhiều quá. Anh Sơn cũng cười rồi chỉ tay vào một vật gì đó treo lủng lẳng. Đó là một... con cá chép bằng giấy bồi, có hàng chữ “Chúc 1/4 vui vẻ”.

 

Lúc này mình mới sực nhớ hôm nay là ngày gì. Lão Sơn chủ quán chơi anh em cao tay thật.

 

Sau đó mình ngồi lại quán một lúc nữa và cùng mọi người cười đùa vui vẻ mỗi khi có thêm một “chú gà” nhẹ dạ cả tin bước vào. Cười mà trong lòng lại thấy buồn buồn. Biết đến bao giờ mới được gặp Trịnh Công Sơn đây?

 

Vậy mà đã 4 năm rồi (*). Ngày 1/4 hàng năm đối với mình luôn là một ngày vui chính vì những kỷ niệm như vậy. Nhưng năm nay, ngày đó lại mang đến một cảm xúc hoàn toàn trái ngược. Lặng hẳn người đi khi nghe tin Trịnh mất. 

 

Lê Minh

 

(* ): Tính ở thời điểm tác giả viết.

 

Theo Gia Đình& Xã Hội