Tiếng chuông chùa Việt trên đất triệu voi
Tháng 4 về, dân du lịch bụi lại tìm đến “đất nước triệu voi” để tham dự “Tết té nước” nổi tiếng trên thế giới.
Các tín đồ của chủ nghĩa xê dịch như chúng tôi đã chờ dịp này và lập kế hoạch vượt Trường Sơn sang nước bạn Lào bằng xe máy cho dù đường xa vạn dặm. Và rồi, khi đang lang thang trên đường phố của thủ đô Vientiane, chợt thấy những ngôi chùa Việt Nam.
Lang thang trên đường phố của thủ đô Vientiane trong ánh hoàng hôn, bỗng chúng tôi chợt thấy tấm biển trước cửa một ngôi đền: “Đền thờ Trần Hưng Đạo” nằm trên phố Rue Sasemthai. Nhóm du lịch bụi chúng tôi bỗng ồ lên và ngỡ ngàng trước một kiến trúc mang đậm phong cách VN. Những cột đầu đao, 2 con nghê trên đỉnh hai cột dựng hai bên lối vào, được ốp mảnh sứ hoa lam rất đặc trưng tại các đền cổ của VN. Mái ngói cổ mũi hài với lưỡng long chầu nhật nguyệt. “Ông từ” trông đền tên là Trần Lai - 40 tuổi, quê gốc Đà Nẵng - sang Lào đã 20 năm và trông coi ngôi đền đã có tuổi đời gần 200 năm này. Vào những ngày kỵ thánh hay những dịp lễ lớn của VN, rất đông người Việt đến hành lễ, dâng hương trước ban thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo.
Sư cô Đàm Ngọc ký tặng sách Phật cho dân du lịch bụi
Cùng trên phố này, ngôi chùa Bàng Long của người Việt lại mang đậm phong cách những ngôi chùa ở phía nam nước ta. Sư cô trụ trì Đàm Ngọc quê gốc Ninh Bình, sang Lào từ nhỏ, nên giờ đây giảng kinh Phật bằng cả tiếng Việt và tiếng Lào. Những câu chuyện giữa sư cô và những “kẻ lang thang” cứ giao hòa giữa câu chuyện tu hành trên đất Lào và những ngôi chùa tại VN. Sư cô Đàm Ngọc rất hay về VN và thường đến chùa Hòe Nhai trên phố Hàng Than và cũng có rất nhiều đệ tử là người Hà Nội. Những mẩu chuyện về xứ người, xứ ta của sư cô sẽ không biết khi nào dứt nếu chưa có bát mì được nhà chùa chiêu đãi cùng với nem cuốn chay được bày ra. Trong cái thanh bình của thành phố Vientiane, giữa không gian Phật tự, cùng thiền định trong tĩnh lặng, tìm một thoáng “sống chậm” rồi cùng thưởng thức đồ chay, lũ chúng tôi cùng chắp tay quỳ lạy trước bàn thờ Phật. Tạm biệt ngôi chùa, sư cô Đàm Ngọc tặng chúng tôi cuốn sách của nhà Phật răn dạy con người sống từ bi hỷ xả, sống tốt đời đẹp đạo.
Chuyến đi của chúng tôi tới đất Lào bỗng trở nên thú vị hơn nhiều khi mở đầu bằng hành lễ chiêm bái trước ban thờ trong chùa và đền của người Việt Nam giữa thủ đô Vientiane của “đất nước triệu voi”!
Theo Lê Hồng Quang
Lao động