1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Ca sĩ chạy sô:

Thức đêm mới biết đêm dài...

(Dân trí) - Theo giới ca sĩ, chạy sô phổ biến nhất hiện giờ là ở các vũ trường và quán bar, còn muốn nhiều tiền hơn thì đi tỉnh. Nghe chừng đơn giản nhưng chuyện đâu chỉ có thế…

Vào bar; vũ trường hát… tranh thủ

Hầu hết các ca sĩ bay từ Sài Gòn ra Hà Nội hoặc ngược lại để tham dự một chương trình lớn của Đài truyền hình hay Hội nghị khách hàng đều tranh thủ cố gắng móc nối thêm vài sô ở các vũ trường, quán bar… để kiếm thêm chút đỉnh.

Một lần “bám càng” theo một nhóm nhạc Sài Gòn chạy sô tại vũ trường N.C ở Hà Nội, tôi được một thành viên trong nhóm tâm sự: “Hát cho Đài truyền hình thì cái lớn nhất có được là quảng bá hình ảnh của mình tới khán giả chứ cát xê thì hơi… khiêm tốn, tranh thủ chạy thêm vài sô ở các tụ điểm ngoài kiếm tiền vé máy bay thôi mà”. Âu cũng là lí do hợp lí vì ca sĩ cũng phải kiếm tiền, ai không năng động thì “lỗ vốn” là chuyện thường.

Nhưng để có một sô hát ở vũ trường, quán bar… cũng đâu phải dễ, ca sĩ phải thông qua bao nhiêu đầu mối của các tay cò mồi chuyên đặt show cho ca sĩ. Luật này càng phổ biến khi các ca sĩ trẻ mới vào nghề chưa có chút tiếng tăm gì. Việc các ca sĩ chưa có tên tuổi mà lại được đứng trên sân khấu là một cơ hội lớn cho họ nên tiền cát-xê thì nhiều khi chia năm, xẻ bảy cũng phải gật đầu.

Ca sĩ H.T.N kể rằng: “Tôi mới đi hát, lại chưa có Album phát hành trên thị trường nên kiếm được một sô diễn đâu phải dễ. Nhiều hôm hát một mạch 7 bài liền để chờ ca sĩ ngôi sao đến mà chỉ được trả có 300 ngàn, trả tiền hoa hồng cho bầu móc nối 100 ngàn, còn lại 200 ngàn … không đủ tiền thuê quần áo và taxi đi lại. Ca sĩ thời nay đâu phải như xưa, lên sân khấu cũng phải chải chuốt, áo quần lộng lẫy … mà đều từ tiền túi bỏ ra chứ đâu.”

Đó là chuyện của các ca sĩ trẻ mới vào nghề, còn các sao ca nhạc trên thị trường cũng đã có nhiều chuyện hi hữu xảy ra. Có “sao” vì tranh thủ chạy show ngoài mà lỡ mất cả những chương trình quan trọng là điều không hiếm. Ca sĩ T.C được biết đến qua một cuộc thi giọng hát hay ở Đài truyền hình nhưng đến đêm thi cuối cùng thì không được tham gia diễn vì… mải chạy sô nên về không kịp giờ. Tuy không thấy T.C diễn nhưng cuối cuộc thi vẫn thấy C ra chào, khán giả lại được một phen đoán già đoán non lí do C vắng mặt. Thật là tranh thủ lắm nhiều khi hại cả mình.

Tai nạn hài hước dưới đây cũng bắt nguồn từ chuyện hát tranh thủ, cách đây không lâu, khán giả đã chứng kiến màn phân thân xuất sắc của ca sĩ H.T khi “sao” này một lúc lên sóng của 2 Đài truyền hình với dòng chữ “Trực Tiếp” nổi bật. Báo chí lại được một phen lật mặt bên nào “treo đầu dê bán thịt chó” hay là H.T có ba đầu, sáu tay. Đó là chuyện chạy sô ở các quán bar, vũ trường...

 Đi tỉnh hát… mệt và sợ lắm!

“Muốn kiếm nhiều tiền thì đi tỉnh” là câu cửa miệng của nhiều thế hệ từ ca sĩ  thâm niên cho đến ca sĩ trẻ. Nhắc đến chuyện đi tỉnh, các ca sĩ đều cho biết rằng “lợi nhuận được các bầu đặt lên trên hết” cho nên tính nghệ thuật ở các show tỉnh được xem là… xa xỉ. Để tổ chức một chương trình ở các tỉnh, bầu sô chỉ cần khoảng 3 ca sĩ ngôi sao, số còn lại thì những ca sĩ “cỏ” chỉ cần hát được còn nếu dở quá … thì nhép môi cũng xong. “ Khán giả tỉnh được cái dễ tính trong thưởng thức, thấy có tên sao trên băng rôn là kéo nhau đi xem liền” - một bầu sô nổi tiếng cho biết.

Nếu ca sĩ không phải ngôi sao thì chuyến đi tỉnh đó được các bầu tranh thủ cho vào 1 xe cùng với các thiết bị khác như loa, đài, nhạc cụ, điện đóm… để đỡ tốn tiền đi lại. Ca sĩ D.T từng tâm sự: “Khán giả nhìn vào ca sĩ có vẻ ăn sung, mặc sướng nhưng ca sĩ thời nay được chia ra làm nhiều hạng. Ngồi trên xe, mất ăn , mất ngủ, mệt nhoài cả người nhưng cũng phải cố vì được đi hát là may lắm rồi chứ chảnh choẹ thì nằm ở nhà dài”. Cũng có rất nhiều trường hợp ca sĩ mới vào nghề còn phải xì tiền ra thì bầu sô mới cho hát. Điểm xuất phát khổ là vậy nhưng khi đứng trên sân khấu, nhiều ca sĩ còn phải ngồi ngóng đến lượt mình hát hay là bị ép hát thêm vì... ca sĩ sao chưa đến.

Các sao thì cận giờ mới đến, có ô tô riêng đưa đi đón về nhưng gần đây, sao nào nhắc đến 2 chữ “đi tỉnh” cũng kêu “sợ lắm, sợ lắm”. Khán giả tỉnh nhiệt tình là vậy nhưng nhiệt tình quá đáng thì chẳng sao nào… thích nổi. Chuyện cấu, véo, ôm hôn ca sĩ thì đã quá xưa rồi. Diễn tỉnh bây giờ độ rủi ro rất cao nếu chẳng may khán giả nổi giận như chương trình Sao Đêm ở Thái Nguyên vừa rồi. Ca sĩ M.D viết bản tường trình mà tay vẫn còn run: “Họ đánh đập, giằng xé với ca sĩ, cướp giật đồ của ca sĩ, người nào cũng mạnh ai nấy chạy”. Kinh khủng hơn còn có ca sĩ bị lột sạch quần áo và bị đánh gây chấn thương.

Ca sĩ B.L kể, “ Nhiều sô diễn tỉnh, có những vụ gây rối, đánh lộn không bắt nguồn từ ca sĩ, bầu sô mà chính khán giả. Dưới khán đài, khán giả có thể xích mích, đánh lộn, cãi cọ… mà nhiều khi lại ảnh hưởng đến chính cả ca sĩ”. Văn hoá của người thưởng thức nghệ thuật cũng nên được báo động và làm gì để bảo vệ chính ca sĩ vẫn là câu hỏi đang được đặt ra.

 Lời kết

“Thức đêm mới biết đêm dài”, câu nói này có lẽ luôn luôn đúng khi trực tiếp chứng kiến cảnh ca sĩ chạy sô như thế nào? Bên cạnh là mảnh đất màu mỡ để các ca sĩ mới vào nghề có nơi thể hiện thì “chạy sô” đang báo động một thức tế đáng buồn mang màu lợi nhuận. Những chuyện dở khóc, dở cười, sợ lắm, hỉ nộ ái ố… cũng xuất phát từ đó để rồi ca sĩ nào khi được hỏi cũng kêu “Ôi, mệt lắm nghề ca sĩ!”

Vĩnh Khang