Thu Minh nể phục bản lĩnh Phạm Thu Hà

(Dân trí) - Phạm Thu Hà trình diễn ca khúc “Xuân tàn”, một bản Aria kinh điển, được nhạc sĩ Võ Thiện Thanh viết lời và “biến hoá” văn minh với phong cách Chillout với tư cách khách mời đặc biệt của The Voice khiến HLV Thu Minh, Hà Hồ phải nể phục.

Phạm Thu Hà có phần trình diễn với tư cách khách mời đặc biệt của The Voice và là ca sĩ bán cổ điển hiếm hoi đang có những dự án hoàn thiện tại Việt Nam. Phạm Thu Hà trình diễn ca khúc Xuân tàn, một bản Aria kinh điển, được nhạc sĩ Võ Thiện Thanh viết lời và “biến hoá” văn minh với phong cách Chillout. Vì được đào tạo bài bản, cộng với dấu ấn âm nhạc tốt trong chất giọng, Phạm Thu Hà đã phần nào truyền tải thông điệp “bán cổ điển” tới khán giả.
 
Thu Minh nể phục bản lĩnh Phạm Thu Hà
Ca sĩ Phạm Thu Hà trình diễn ca khúc “Xuân tàn”, một bản Aria kinh điển, được nhạc sĩ Võ Thiện Thanh viết lời Việt


Sau phần trình diễn của Phạm Thu Hà, ca sĩ Thu Minh có nói: “Từ đầu chương trình The Voice đến giờ, tôi chưa tìm được bất cứ một ca sĩ nào có chất giọng lảnh lót trong veo như em. Nhưng em cũng phải rất dũng cảm mới dám đi theo con đường này, vì nó là một con đường khó khăn. Tôi thấy nể phục bản lĩnh của em”.

Còn ca sĩ Hồ Ngọc Hà chia sẻ: “Hà cảm thấy khâm phục khả năng âm nhạc của chị, Hà nghĩ rằng nếu không có một kĩ thuật thanh nhạc chuẩn thì không bao giờ có thể trình diễn một ca khúc khó như thế”.

Xuân tàn là một ca khúc trích từ album Classic meets Chillout do nhạc sĩ, nhà sản xuất Võ Thiện Thanh thực hiện cùng ca sĩ Phạm Thu Hà. Trước đây, cố nghệ sĩ Lê Dung cũng đã từng biểu diễn ca khúc này, theo phong cách cổ điển truyền thống.
 
Với chất giọng tốt được đào tạo bài bản, Phạm Thu Hà khiến HLV Thu Minh, Hồ Ngọc Hà phải nể phục
Với chất giọng tốt được đào tạo bài bản, Phạm Thu Hà khiến HLV Thu Minh, Hồ Ngọc Hà phải nể phục


Về tác phẩm kinh điểm Khúc hát nàng Solveig nhà soạn nhạc Na Uy Edvard Grieg (1843 - 1907) viết Khúc hát nàng Solveig trong vở đại nhạc kịch Peer Gynt của thi hào Na Uy, Henrick Ibsen, mà ông viết nhạc đệm. Grieg đã bỏ ra 2 năm trong đời (1874 1876) để gọt giũa từng âm điệu sao cho xứng đáng với tác phẩm kịch thơ xuất chúng nhất của Henrik Ibsen, được coi là kịch tác gia vĩ đại nhất của Na Uy. Khúc hát nàng Solveig trong phần nhạc nền là bài hát (aria) cho giọng nữ do Grieg phổ lời thơ Ibsen. Đó là bài ca về lòng thủy chung, về niềm hi vọng đoàn tụ bất chấp sự nghiệt ngã của thời gian và khoảng cách.

Solveig nguyên là một vai nữ chính trong vở kịch thơ Peer Gynt của nhà viết kịch nổi tiếng người Na Uy Henrik Ibsen. Khúc hát nàng Solveig (Chanson de Solveig), được vang lên trước đông đảo công chúng lần đầu tiên vào ngày 24/2/ 1876. Đó cũng chính là ngày công chúng Christiania (nay là Oslo), Na Uy háo hức đi xem buổi công diễn lần đầu vở kịch mà trước đó 9 năm đã bán rất chạy dưới dạng bản in ở Copenhagen, Đan Mạch.
 

Phạm Thu Hà và MC Phan Anh

Phạm Thu Hà và MC Phan Anh

Tác giả bản nhạc, nhạc sĩ Na Uy Edward Grieg, là nhà soạn nhạc Na Uy có ảnh hưởng nhất của nửa sau thế kỷ XIX, thời kỳ phát triển huy hoàng vào bậc nhất của thể loại nhạc giao hưởng hoàng gia. Cả cuộc đời gắn liền với thành phố Bergen dù có thời gian bôn ba nhiều nơi để đắm chìm trong đời sống âm nhạc, ngay khi sinh thời, trên cương vị một nhà soạn nhạc, một nhạc trưởng, Grieg đã trở thành bậc thầy âm nhạc Na Uy và thế giới. Ông được coi là người đã hòa quyện tài tình những truyền thống của nhạc dân tộc Na Uy với trường phái lãng mạn châu Âu đương thời. Âm nhạc của Grieg là hình ảnh của cuộc sống, là tâm hồn con người quê hương ông, đến từ sâu thẳm của đồng quê Na Uy, đến từ những làn điệu nhanh và vang vọng.

Nhà soạn nhạc Nga Tchaikovsky lại có nhận xét này: "Âm nhạc của Grieg giàu chất thương cảm đắm đuối, mang trong mình vẻ đẹp của thiên nhiên Na Uy, khi thì ảm đạm, khiêm nhường, khi thì hùng vĩ, tráng lệ, có một sức quyến rũ không tả xiết, luôn tìm thấy trong mỗi chúng ta một lời đáp đồng tình nồng nhiệt".

Hồng Quang Minh