"Thời đại thứ tư" - Nếu máy tính có ý thức, tương lai con người sẽ ra sao?

Hương Hồ

(Dân trí) - Sau một hành trình dài và gian khổ để có được như hôm nay, điều gì đang và sẽ thách thức con người ở "Thời đại thứ tư", với người máy và trí tuệ nhân tạo?

Vì sao cùng nhìn về trí tuệ nhân tạo, rô-bốt… có người lạc quan với viễn cảnh phát triển cực thịnh, có người lại nghĩ tới thảm họa diệt vong của loài người? Vì sao trên các phương tiện truyền thông "đôi khi, đó là những câu chuyện tích cực và tràn đầy hi vọng về tương lai. Nhưng cũng có lúc, đó là những câu chuyện đen tối và đáng sợ"?

Vì sao có sự mâu thuẫn và bối rối đó? Tương lai nào sẽ đến với loài người? Con người đang nhìn nhận về tương lai ấy ra sao?… Trong cuốn sách Thời đại thứ tư, Byron Reese đã dày công trình bày những vấn đề đang gây tranh luận này một cách khái quát, ngồn ngộn thông tin, với các giả định và phân tích thuyết phục nhất để chúng ta suy nghĩ.

Thời đại thứ tư - Nếu máy tính có ý thức, tương lai con người sẽ ra sao? - 1

Thời đại thứ tư - Góc nhìn sâu sắc, đa chiều về tương lai trí tuệ nhân tạo

Mối đe dọa đáng sợ hay chuyện không đáng để bàn?

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà mọi thứ đều thay đổi cực kỳ nhanh chóng. Công nghệ phát triển với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Kéo theo nhiều thay đổi "nhảy vọt" trong đời sống con người.

Trí tuệ nhân tạo (AI), người máy (rô - bốt) thống trị, máy tính có ý thức, những cỗ máy sáng tạo, tự động hóa, siêu trí tuệ… Người ta cũng dần quen với những cụm từ: không còn sự thiếu thốn, của cải không giới hạn, sự giàu có… bên cạnh những "hình ảnh" đầy mâu thuẫn: một tương lai không có việc làm...

Điều đáng nói là sự mâu thuẫn đó nằm ngay trong những cuộc tranh luận của chính các chuyên gia, những người nổi tiếng. Byron Reese viết: "Tất cả chuyên gia trong những bài viết đó đều là những người thông minh và nắm nhiều thông tin, nhưng những dự đoán họ đưa ra về tương lai không phải chỉ hơi khác nhau, mà là rất khác biệt và hoàn toàn đối lập nhau".

Trong khi những tên tuổi như: Elon Musk, Stephen Hawking, Bill Gates bày tỏ nỗi lo ngại AI sẽ trở thành mối đe dọa với sự tồn tại của loài người trong tương lai gần, thì một nhóm chuyên gia cũng nổi tiếng không kém với những cái tên như: Mark Zuckerberg, Andrew Ng, Pedro Domingos lại thấy "quan điểm lo sợ trên xa vời đến mức không đáng để bàn luận".

Thời đại thứ tư - Nếu máy tính có ý thức, tương lai con người sẽ ra sao? - 2

"Thời đại thứ tư" giải mã niềm tin vốn là nền tảng củng cố quan điểm khác nhau về người máy, AI và ý thức.

Khi xem xét câu hỏi liệu máy tính có ý thức và sau đó là có sự sống hay không, giới chuyên gia lại tiếp tục bất đồng ý kiến với nhau. Điều đó khiến nhiều người nhìn về tương lai với nỗi lo sợ và hoang mang.

Tác giả đặt câu hỏi: Có con đường nào dẫn chúng ta thoát khỏi tình cảnh này không? Và câu trả lời của ông là "tôi nghĩ là có". Theo ông, "con đường đó bắt đầu khi chúng ta nhận ra những chuyên gia này bất đồng ý kiến không phải vì họ biết những thứ khác nhau, mà vì họ tin vào những điều khác nhau".

Chẳng hạn, có những người dự đoán chúng ta sẽ làm ra những chiếc máy tính có ý thức vì tin rằng con người là những cỗ máy, sớm muộn gì chúng ta cũng có thể tạo ra một con người bằng máy. Trái lại, những ai tin rằng máy móc sẽ không bao giờ có ý thức cũng kiên quyết không bị thuyết phục bởi lập luận con người đơn thuần là những sinh vật cơ học.

Và như tác giả nêu, "đó là những gì cuốn sách này sẽ đề cập: giải mã những niềm tin cốt lõi vốn là nền tảng củng cố các quan điểm khác nhau về người máy, công việc, AI và ý thức". Mục tiêu của tác giả là dẫn dắt độc giả qua những vấn đề hóc búa này, mổ xẻ tất cả những giả định đã hình thành nên các quan điểm được giới chuyên gia tuyên bố một cách đầy tự tin và chắc chắn.

Thời đại thứ tư - Nếu máy tính có ý thức, tương lai con người sẽ ra sao? - 3

Tác giả Byron Reese.

Thời đại thứ tư, thời đại của công nghệ

Trong Thời đại thứ tư, Byron Reese đã hệ thống, khái quát giúp chúng ta những giai đoạn quan trọng trong tiến trình phát triển của xã hội loài người. Ông dẫn chứng, xã hội loài người đã trải qua ba thời đại với các cột mốc dấu ấn tạo nên sự phát triển vượt bậc, và đang bước chân vào ngưỡng cửa thời đại thứ tư.

Theo Byron Reese, một trăm ngàn năm trước con người tạo ra lửa và phát triển ngôn ngữ (thời đại thứ nhất); rồi mười ngàn năm trước, con người phát minh ra nông nghiệp, xây dựng và mở rộng các thành phố (thời đại thứ hai); năm ngàn năm trước, con người tạo ra bánh xe và chữ viết, tiến tới hình thành các quốc gia (thời đại thứ ba); và chúng ta đang ở ngưỡng cửa Thời đại thứ tư, thời đại của công nghệ tiến bộ với tốc độ phát triển cực nhanh, với người máy và trí tuệ nhân tạo.

Theo Byron Reese, mỗi thời đại đều chứng kiến việc công nghệ thực hiện thay và tăng cường các chức năng trong đời sống thể chất và tinh thần của chúng ta. Chúng ta đã dùng lửa để hỗ trợ quá trình tiêu hóa, dùng chữ viết để gia tăng ký ức, dùng bánh xe để giảm bớt gánh nặng cho lưng và chân.

Trong thời đại của mình, chúng ta đã tạo ra một thiết bị - một bộ não cơ học - đủ linh hoạt để có thể được lập trình và giải quyết hầu như mọi vấn đề chúng ta yêu cầu nó thực hiện. Chúng ta đang phát triển trí tuệ nhân tạo, một phương pháp để dạy cho thiết bị biết tự vận hành; và khi kết hợp với sức mạnh của ngành rô - bốt, chúng ta bắt đầu trao cho AI khả năng di chuyển và tương tác với thế giới thật.

Thời đại thứ tư - Nếu máy tính có ý thức, tương lai con người sẽ ra sao? - 4

Chúng ta sẽ sử dụng máy tính và người máy để suy nghĩ và hành động thay cho chúng ta ngày càng nhiều, đây là một thay đổi quan trọng, đánh dấu buổi bình minh của thời đại thứ tư.

Và cũng chính từ những thứ chúng ta đang tạo ra, hàng loạt câu hỏi phát sinh với nhiều ý kiến khác biệt. Như AI hẹp và rô-bốt, với các nội dung thử thách về kỹ thuật, rô - bốt có tước đoạt hết công việc của chúng ta?, có loại công việc nào không dành cho rô-bốt không?…. Như Trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI), với những vấn đề về bộ não con người (một cấu trúc phức tạp khủng khiếp), AGI là gì?, chúng ta có nên tạo ra AGI không?.

Như vấn đề máy tính có thể trở nên có ý thức không, máy tính có thể được cấy vào não người không, nếu vậy ta phải tái định nghĩa nhân loại ra sao?

Và tác giả dẫn dắt chúng ta bàn về "Con đường tương lai", với những nội dung cuộc sống trong thời đại thứ tư như thế nào, con người sẽ giải quyết tất cả vấn đề kỹ thuật ra sao, cái chết và sự bất tử có khác gì, điều tồi tệ gì có thể xảy ra…và hé mở cho chúng ta nhìn về thời đại thứ năm.

Sẽ rất thú vị khi bạn vừa tiếp cận những vấn đề tác giả đặt ra, vừa tự trả lời các câu hỏi cơ bản ở phần trước để hiểu sâu vấn đề, và tự đưa ra đáp án cho các câu hỏi trắc nghiệm trong các bài tập giả định của tác giả.

Và cuối cùng, điều mà bạn có thể tâm đắc ở cuốn sách này là việc tác giả bày tỏ: "Những câu hỏi chúng ta tìm hiểu trong cuốn sách này không xoay quanh những thuật ngữ về bán dẫn, tế bào thần kinh hay thuật toán… mà chính là về bản chất của hiện thực, nhân loại và tâm trí". Đây là góc nhìn nhân văn, lạc quan, rất con người của Byron Reese khi bàn về vấn đề "hóc búa" của Thời đại thứ tư này.

Theo First News

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm