Thời của ebook lậu
(Dân trí) - “Thử nghĩ mà xem cả thế giới sách ở trong cái điện thoại này, bỏ gọn lỏn trong túi quần” là cách người ta nói về ebook. Vấn đề là giờ mọi người chỉ dùng ebook lậu.
“Nhanh - rẻ - tiện” là tiêu chí hàng đầu để không ít người lựa chọn ebook (sách điện tử) khi cần tìm tài liệu đọc hay tham khảo. Có lẽ chưa bao giờ phong trào nhà nhà đọc ebook người người đọc ebook lại nở rộ như hiện nay.
Thế nào là “nhanh - rẻ - tiện”? Dung lượng một quyển sách ebook thường rất nhỏ, thuận tiện cho việc truyền phát và lưu trữ, nhanh vì thế. Rẻ là ở chỗ người ta hầu như không mất tiền mua ebook, hoặc có chăng chỉ là một số tiền nhỏ hơn rất nhiều lần so với việc mua một cuốn sách in. Và tiện, chỉ cần một chiếc điện thoại di động có thể cài đặt được phần mềm đọc ebook là bạn có thể chứa hàng trăm cuốn sách trong đó để mở ra đọc bất cứ khi nào bạn muốn chứ không cồng kềnh như việc đem theo một cuốn sách in.
Kẻ cười
Xét trên quan điểm lợi ích cá nhân trước mắt, ebook đem lại cho người sử dụng sự chủ động. Bất cứ thời gian nào trong ngày rảnh rỗi bạn có thể đọc. Và lợi ích kinh tế, hẳn thế. Nhất là đối với những bạn sinh viên không có nhiều điều kiện để mua sách thì ebook quả là “món hời”, vừa thỏa mãn được đam mê đọc sách, vừa không lo tới bệnh “viêm màng túi” kinh niên của mình.
“Em rất thích đọc sách, những khi không có điều kiện mua hay mượn sách của bạn bè, em thường tải trên mạng về đọc, tiết kiệm được nhiều tiền lắm”, Thu Hà chia sẻ, bạn cũng cho biết, “hầu hết các bạn ở trong ký túc xá một phần do không gian chật hẹp, một phần do vấn đề tài chính nên thường chọn ebook”.
Hay như trường hợp của Hoàng Trường, anh nói “tôi thích đọc ebook chẳng phải vì tôi không có hay tiếc tiền nhưng tôi thích sự gọn nhẹ, thử nghĩ mà xem cả thế giới sách ở trong cái điện thoại này, bỏ gọn lỏn trong túi quần”.
Người khóc
Thực tế thì ebook, hầu như là ebook lậu được phát tán rộng rãi trên những trang web chia sẻ hay trên những trang mạng công cộng là kẻ thù to lớn của ngành sách và là bài toán đau đầu của giới phát hành sách cùng người viết sách. Thay vì mất một khoản tiền vài chục nghìn để mua một cuốn sách, bằng một cú click, bạn có chính cuốn sách đó, không tốn, hoặc có chăng chỉ là vài nghìn đồng.
Thế nhưng, không phải ai cũng ý thức được rằng việc tải những ebook trên mạng gây nhiều ảnh hưởng xấu như vậy. Một bộ phận không nhỏ những người thường xuyên tải ebook trên mạng cũng không biết rằng những ebook đó chính là sách lậu. Hoặc đơn giản, họ không quan tâm đến tác hại của việc “tải lậu” này.
Độc giả Hồng Anh cho biết: “Các trang web đâu có nói sách được đăng lên là sách bản quyền hay không bản quyền? Chúng tôi chỉ quan tâm đến tài liệu mà chúng tôi cần có thôi chứ không quan tâm đến việc đó là sách có hay không có bản quyền”.
Mọi việc không đơn giản chỉ là một câu thông báo, bởi các công ty phát hành sách luôn “toát mồ hôi hột” vì sách in vừa mới ra tuần trước, tuần sau sách ebook đã có thể có mặt trôi nổi trên các trang web ảnh hưởng rất lớn đến số lượng phát hành của họ. Đó là chưa kể đến số tiền đâu tư để phát hành một cuốn sách ra thị trường rất lớn (từ 70 - 100 triệu đồng, bao gồm tiền mua bản quyền, xin giấy phép, dịch, biên tập, in ấn, PR truyền thông…) và khoảng nửa năm chuẩn bị gần như đổ xuống sông xuống biển.
Riêng đối với những tác phẩm văn học dịch các công ty phát hành sách hay các nhà xuất bản đều phải mua bản quyền, khi bên giữ bản quyền phát hiện ra tình trạng ebook và sách lậu ở Việt Nam, sách sẽ bị yêu cầu dừng phát hành, gây thiệt hại không nhỏ cho các công ty phát hành sách. Trường hợp phần 5 của bộ sách Percy Jackson của Chibooks là một ví dụ.
Văn hóa đọc sách truyền thống
Ebook tiện thì có tiện nhưng làm cho người đọc rất mỏi mắt, điều này được nhắc đến đầu tiên khi nói về ebook. Đa số độc giả đều yêu thích việc cầm một cuốn sách giấy trên tay để có cảm giác chạm vào từng trang sách. Hoài Trang, 21 tuổi chia sẻ: “Tôi rất thích đọc sách in bởi mùi thơm của giấy, đặc biệt là những ngày đông Hà Nội lạnh như thế này, chui trong chăn ấm, tách trà nóng, và quyển sách trên tay, không gì thú vị bằng”.
Cũng cùng quan điểm trên, độc giả Đỗ Minh nói: “Cầm sách, cảm nhận sức nặng trên tay làm tôi tập trung vào cuốn sách hơn, khó bị xao nhãng bởi những thứ xung quanh. Tôi hay ghi chú lại những đoạn, câu tâm đắc. Tôi vẫn trung thành với sách in”.
Những độc giả trung thành vẫn muốn lật giở từng trang sách để hít hà mùi giấy, để gạch chân hay bôi màu những đoạn đọc tâm đắc hay chỉ là để nắn nót từng nét bút lên đó. Rất khó để phủ nhận sức hút mãnh liệt mà những cuốn sách in mang lại. Công nghệ tân tiến, những chiếc máy đọc sách như Kindle ra đời, tích hợp những tiếng xột xoạt giở sách, nhưng rõ ràng việc đọc một cuốn sách giấy khác hẳn với việc đọc ebook, dù chưa xét về vấn đề bản quyền.
Theo TS Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): “Kinh doanh các tài sản trí tuệ như vậy là thiếu tôn trọng và bất chấp pháp luật, đạo đức kinh doanh. Điều quan trọng hơn là nhận thức nói chung của cộng đồng đang ở giai đoạn phổ cập nên ý thức tôn trọng bản quyền tác giả vẫn ở chừng mực nhất định. Đặc biệt, những cá nhân, tổ chức dù đã hiểu biết nhưng vẫn cố tình vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền tác giả là rào cản cho việc thực thi có hiệu quả quyền tác giả trong thực tế”.
Luật Sở hữu trí tuệ về Bản quyền tác giả tác phẩm quy định như sau: “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.” Ngoài ra, việc sử dụng sách ebook lậu và sách giả còn gây ảnh hưởng đến quyền nhân thân (do không được phép của những người có liên quan đến tác giả khi xuất bản) và quyền tài sản của tác giả. |
Bình Yên