Thi nhan sắc quốc tế: Người đẹp đang “nhờn” luật
(Dân trí) - Thống kê sơ qua trong năm 2014, có ít nhất 5 trường hợp người đẹp Việt đi thi “chui” quốc tế bị phát hiện.
Vắng mặt 3/5 cuộc thi sắc đẹp lớn nhất thế giới năm 2014, những tưởng hoạt động của người đẹp Việt Nam ở đấu trường sắc đẹp thế giới trở nên ảm đạm. Người đẹp Nguyễn Thị Loan lọt top 25 tại cuộc thi Hoa hậu thế giới 2014, một trong những cuộc thi nhan sắc uy tín nhât thế giới, cũng đủ phần nào hài lòng nhiều người khi nhiều năm qua chúng ta không đạt được. Tuy nhiên “nóng” và nổi trội hơn cả là ở những cuộc thi có cấp độ và uy tín thấp hơn thì chúng ta lại có rất nhiều ứng viên dự thi, đặc biệt hầu hết trong đó là đi thi “chui”.
Mới đây nhất ngày 11/12 người đẹp Nguyễn Diệu Linh tiếp tục lên đường dự thi Hoa hậu du lịch quốc tế, và cũng đạt thành tích nho nhỏ nhưng vẫn là thi “chui” khi chưa được cấp phép.
Đi thi “chui” ở các đấu trường quốc tế của các người đẹp Việt Nam đã diễn ra nhiều năm nay, nhưng đến thời điểm có vẻ như đang là xu thế, ngày một tăng bất chấp những án phạt của Bộ văn hóa và Cục nghệ thuật biểu diễn, và họ, những người đẹp đang “nhờn” với luật.
Cũng chỉ vì luật
Thống kê sơ qua trong năm 2014, có ít nhất 5 trường hợp thi chui bị phát hiện: Người đẹp Cao Thùy Linh thi Miss Grand international (Hoa hậu hòa bình quốc tế ), Tường Vy thi Hoa hậu người Việt thế giới, Vũ Trần Triều Thu thi Hoa hậu Đông Nam Á, Nguyễn Diệu Linh thi Hoa hậu du lịch quốc tế…. Cá biệt là trường hợp của người đẹp Huỳnh Thúy Anh sau khi bị Sở VHTTDL thành phố HCM phạt vì thi chui ở cuộc thi Hoa hậu cộng đồng tại Mỹ, đến cuối tháng 11 bất chấp lệnh phạt cô tiếp tục lên đường sang Thái Lan để tham gia cuộc thi Hoa hậu liên lục địa.
Bất chấp lệnh phạt, lệnh cấm, nhiều người đẹp ồ ạt lên đường theo nhiều cách khác nhau, có vẻ như luật đang bị xem thường bởi các người đẹp và tổ chức đưa người đẹp đi thi.
Việc không quy định những cuộc thi quốc tế ở mức độ và cấp độ thế nào thì phải là “Hoa hậu” mới có quyền dự thi, tương tự đối với “hoa khôi”, “người đẹp”. Mọi người vẫn luôn mặc định hiểu rằng là Hoa hậu quốc gia thì phải thi hoặc ưu tiên hàng đầu khi thi đấu tại các cuộc thi lớn như Hoa hậu thế giới, Hoa hậu hoàn vũ … nhưng không phải vậy.
Đơn vị giữ bản quyền mới là nơi nắm quyền cao nhất về việc đề cử người đẹp đi thi ở đấu trường quốc tế chứ không phải đơn vị tổ chức như nhiều năm qua, cơ hội thì chia đều cho tất cả miễn có danh hiệu và phù hợp với đơn vị giữ bản quyền. Nhiều năm nay vẫn xảy ra những tình trạng khá “hài hước”, một cô hoa hậu quốc gia không cạnh tranh nổi với cô á hậu, hoa khôi, á khôi …có danh hiệu thấp hơn, thậm chí vô danh ở những cuộc thi lập ra rồi mất hút.
Nên mới có chuyện, Hoa hậu Việt Nam Trần Thị Thùy Dung sau “scandal học vấn” thì dù có đủ điều kiện và rất có lợi thế về nhan sắc nhưng công ty tổ chức lại chọn Hoa khôi thể thao Lại Hương Thảo đi thi Hoa hậu thế giới. Thậm chí như người đẹp Phan Thị Mơ với vị trí top 5 của cả 2 cuộc thi Hoa hậu Việt Nam và Hoa hậu thế giới người Việt không đủ điều kiện, cô tham gia Hoa hậu trái đất 2011 với danh hiệu trước đó đó là “Hoa khôi miệt vườn”. Một cô người mẫu được cho rằng đã có chồng và 2 con vẫn đường hoàng lên ngôi á hậu của cuộc thi chỉ giành cho thiếu nữ.
Luật chỉ ưu tiên chứ không quy định rõ trách nhiệm của một hoa hậu là đi thi quốc tế nên cũng không có sự ràng buộc nào đối với hoa hậu sau khi đăng quang như điều kiện bắt buộc như ở nhiều quốc gia trên thế giới. Sự không thống nhất giữa đơn vị tổ chức và đơn vị nắm giữ bản quyền các cuộc thi nên những cái tên như Ngô Phương Lan, Ngọc Hân, Thùy Dung, Thu Thảo hoặc từ chối khéo, hoặc không “bắt tay” được với đơn vị nắm bản quyền với nhiều lý do khó nói.
Chỉ có thư mời, danh hiệu và được đơn vị giữ bản quyền đề cử, rất nhiều cô gái có cơ hội được tham gia những đấu trường lớn nhất thế giới. Nhưng rất nhiều trong số đó thất bại, mấy ai được may mắn như 2 người đẹp Hương Giang và Nguyễn Thị Loan.
Rồi đến “nhờn” luật
“Lách” vào những kẽ hở của luật nên nhiều người đẹp chỉ cần một tổ chức nào đó đưa đi thi bất kể là danh hiệu có uy tín hay không, không cần quan tâm hoặc biết nhưng cố tình lờ đi. Vì thế, một cô người mẫu với nhiều scandal ảnh khỏa thân đường hoàng thi Hoa hậu quốc tế, một cô với nhiều phát ngôn sốc và nhiều bộ ảnh nhạy cảm cũng sang tận Mỹ để thi hoa hậu “ao làng”, thậm chí có cô người mẫu vi phạm, bị phạt rồi lại tiếp tục vi phạm.
Dù rõ ràng đã có quy định: “Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với thí sinh ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế theo quy định phải có giấy phép mà lại không có phép” nhưng mức phạt này dường như chưa đủ nặng đối với các người đẹp bởi sau khi kiếm chút danh hiệu “mang tính quốc tế” và trở về, các cô sẽ có thu nhập cao hơn rất nhiều vì có thêm danh tiếng.
Từ biết trước luật để lách luật, nay mức độ công khai hơn các người đẹp và tổ chức sẵn sàng “nhờn” luật và coi thường các quy định nhằm kiếm một danh hiệu. Bên cạnh đó, việc tổ chức một cuộc thi người đẹp trong nước giờ không khó chỉ cần đủ “tiền” và khả năng tổ chức, từ đó nhiều "gà" được cài vào, nhiều cuộc thi được “đẻ” ra để lấy danh hiệu hợp pháp hóa.
Đã tới lúc cần có những quy định rõ ràng hơn để không còn tình trạng Hoa hậu quốc gia không thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm quảng bá hình ảnh và vẻ đẹp của phụ nữ Việt ở các đấu trường nhan sắc lớn trên thế giới. Thay vào đó là Người đẹp hay Hoa khôi, Á khôi ở những cuộc thi không tên tuổi được chọn lọc một cách dễ dàng làm đại diện. Hơn hết, những gương mặt đại diện phải được chọn ra ở một cuộc thi có uy tín, nhan sắc được công nhận và đáp ứng tốt những yêu cầu ở mọi đấu trường nhan sắc quốc tế.
Hữu Đông