Tác giả "Búpbê Bắc Kinh" chuyện trò
Xuân Thụ đã được tờ Time chọn đưa là gương mặt trang bìa đầu năm 2004, hiện được phương Tây đánh giá là nhà văn tiêu biểu cho thế hệ văn sĩ "hậu-1980" của đại lục. Cô vừa có cuộc trả lời phỏng vấn về cuốn sách “Búpbê Bắc Kinh” - tác phẩm được coi là lớn nhất của mình.
Chị có thể tóm tắt Búpbê Bắc Kinh?
Đây là cuốn sách phản ánh cuộc sống hiện nay của các thiếu nữ từ 14 đến 18 tuổi.
Một số nhà phê bình đã đưa ra một "thương hiệu" cho tiểu thuyết của chị, nói nó kể về một "tuổi trẻ tàn khốc". Chị định nghĩa thế nào về "tuổi trẻ tàn khốc"?
Cái gọi là "tuổi trẻ tàn khốc" trong tiểu thuyết của tôi khá khác biệt so với tuổi trẻ u sầu vẫn được thể hiện trong điện ảnh và tiểu thuyết của người lớn, cũng không giống như tuổi trẻ được mô tả trong lời ca khúc của một vài ca sĩ giả vờ quậy phá. "Tuổi trẻ tàn khốc" của tôi không phải là một khái niệm văn học yếu kém. Nó chính là hiện thực, là những gì đã diễn ra thật trong đời tôi. Tuổi trẻ tàn khốc của tôi chính là quá trình lớn lên mà tôi đã sống và trải nghiệm.
Nữ nhân vật của chị trong Búpbê Bắc Kinh là thế nào?
Cô ấy luôn ở trong tình trạng mù quáng về đầu óc, và cũng mù quáng, nôn nóng theo đuổi tất cả những gì cô ấy cho là tốt - tình yêu, tự do, phù hoa vật chất, danh tiếng và tinh thần punk. Vì những thứ ấy, cô luôn hết lòng và sẵn sàng làm mọi chuyện không chút ngần ngại. Cô bỏ học và ngủ lang bên ngoài. Cô bị bỏ rơi, bởi thế giới người lớn đối với cô không chút nồng hậu, quan tâm, cha mẹ cô đã hoàn toàn phó mặc; tâm tình của cô thì thầy cô giáo không thể hiểu nổi.
Trong tiểu thuyết, anh có thể thấy cả những niềm vui tế nhị, nhỏ bé của nhân vật cho đến những cơn nghi ngờ và buồn đau dữ dội. Anh có thể thấy cô ấy cứng đầu, tự cao, nhưng rồi cũng yếu đuối, hạ cấp. Cô lạc lối và bốc đồng, nhưng sự say mê các lý tưởng và tự do thì vĩnh viễn không bao giờ thay đổi.
![]() |
Tôi ít khi sử dụng tính từ trong tiểu thuyết của mình. Tôi hy vọng mọi thứ diễn đạt đều giản dị, giản dị nhất có thể được. Tôi nghĩ mọi người ai cũng có thể viết, nhưng ít người có thể trở thành nhà văn được. Tôi không nghĩ tôi là một nhà văn. Điều trọng yếu nhất của viết lách chính là khách quan và trung thực.
Búpbê Bắc Kinh thường gợi nhớ tới Bảo bối Thượng Hải của Vệ Tuệ. Sao chị dùng cái tựa đó?
Rất nhiều người hỏi tôi tại sao lại đặt tên tiểu thuyết như vậy, có người còn cho đó là cách câu sự thu hút của báo chí. Nhưng tôi thú thật là cái tựa đó là nhà xuất bản đã đổi vào phút cuối. Tựa đầu của tôi là Thế giới Băng giá. Tôi không có cách nào khác. Đôi khi chúng ta chẳng khác gì những sản phẩm của một dây chuyền sản xuất.
Chị cảm thấy thế nào khi được coi là đại diện cho những thế hệ sinh sau 1980 ở đại lục?
Tôi nghĩ từ "đại diện" luôn luôn có một hàm ý gắn với trách nhiệm. Tôi thì chỉ đại diện được cho mình.
Beijing Doll, phiên bản tiếng Anh của Búpbê Bắc Kinh, cuốn tiểu thuyết best-seller của Xuân Thụ (Chun Shu), 21 tuổi, gương mặt hàng đầu của văn học trẻ TQ, đã được xuất bản tại Mỹ với bản dịch của Howard Goldblatt (một trong những nhà Hán học lớn nhất thế giới, chuyên dịch Mạc Ngôn và Lý Nhuệ). Xuân Thụ, không kém gì minh tinh điện ảnh, đã được tờ Time chọn ra làm gương mặt trang bìa và đã được mời làm giám khảo cho một cuộc thi viết văn quốc tế. |
Theo Lao Động/Chinadaily