1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Showbiz Việt và kỹ nghệ “lót”, “lát”

Để “bọc lót” sân khấu, lấp đầy tiết mục cho một đêm ca nhạc tạp kỹ dài 2, 3 giờ đồng hồ, các bầu sô thường “nuôi” riêng một dàn ca sĩ “cỏ”.

Và nếu muốn trường quay gameshow, talkshow truyền hình luôn chật kín khán giả, các đạo diễn phải “găm” sẵn một đội ngũ chuyên vỗ tay thuê. Trong làng giải trí Việt những năm gần đây đã hình thành “kỹ nghệ” “lát nền”, “lót sân” rất bài bản.

 

“Mánh” của bầu sô

 

Hầu hết các đoàn ca nhạc tạp kỹ chuyên diễn tỉnh lẻ đều “nuôi” 6-10 ca sĩ “cỏ”. Tiêu chí để chọn “cỏ” lót sân khấu của các ông bầu thường là khỏe - để có thể hát liền một lúc 5-7 bài mà không biết mệt; đẹp (có thân hình bốc lửa càng tốt) để lấy lợi thế phần nhìn bù khiếm khuyết phần nghe; và đa-di-năng để khán giả “thích kiểu gì cũng chiều”. Lý tưởng nhất là “găm” được một “cỏ” hát được cả tân nhạc lẫn cổ nhạc; vừa có thể làm MC vừa biết diễn hài, thậm chí biết cả trò xiếc, ảo thuật… Khi cần thiết, họ sẽ được trưng dụng để làm hoạt náo viên cho sân khấu đỡ tẻ nhạt hoặc đơn giản là để “câu giờ” chờ ca sĩ “đinh” chạy sô kịp đến.

 

Nhiều chương trình sử dụng ca sĩ hát lót (Ảnh minh họa)

Nhiều chương trình sử dụng ca sĩ hát lót (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

 

Để chắc chắn cho một sô diễn tỉnh lẻ thì phải đảm bảo “tỷ lệ vàng” 8-2. Nghĩa là nếu chương trình cần 10 ca sĩ thì chỉ mời 2 ca sĩ ngôi sao còn lại dùng 8 ca sĩ hát lót; nếu dựng 10 tiết mục thì chỉ 2 tiết mục do ca sĩ nữ biểu diễn còn lại phải là ca sĩ nam. Bầu này giải thích rằng: sân khấu ca nhạc bây giờ là sân khấu “sính sao” và “mê trai”. Tỷ lệ này đảm bảo đủ để vừa “câu” được khán giả vừa bảo toàn hạn mức chi trả cát-sê cho ca sĩ. Cát-sê của ca sĩ ngôi sao thường rất cao nên ngay cả trong những chương trình đại nhạc hội hoành tráng, các bầu cũng chỉ dám mời vài ba ngôi sao là cùng, còn đâu thì huy động đội quân “hát lót chuyên nghiệp”, thù lao vừa “bèo” lại vừa “dễ bảo”!

 

Một mánh khóe “thường ngày ở huyện” nhất của giới bầu sô là trò “lập lờ đánh lận con đen” bằng tờ rơi, băng-rôn quảng cáo. Nếu công chúng tỉnh A hâm mộ ngôi sao Đàm Vĩnh Hưng thì trên băng-rôn của ông bầu có ngay Đàm Vĩnh Hùng, ca sĩ trẻ Cao Thái Sơn thành Cao Thái San, hoặc Đoàn xiếc Trung ương là Đoàn xiếc Trưng Vương đóng thế…

 

Không chỉ có thế, các ông bầu còn bắt ca sĩ hát lót của mình bắt chước phong cách biểu diễn của sao, ăn mặc đầu tóc giống sao và “lận lưng” một vài bài “hit” mà sao hay hát để trong trường hợp không mời được ngôi sao thật thì sẽ có “sao giả”, “sao nửa mùa” thay thế. Một sinh viên Nhạc viện Hà Nội đang sống bằng nghề hát lót cho biết, anh thường xuyên phải học cách nhả chữ, luyến láy của các ca sĩ tên tuổi sao cho càng giống họ càng tốt.

 

Không chỉ dùng ca sĩ cỏ, nhiều ông bầu còn dùng các diễn viên, người mẫu và cả nhạc công để để “bọc lót” sân khấu. Bầu N.A.K thường xuyên tổ chức show ở tỉnh tâm sự, có sô diễn không mời được ca sĩ ngôi sao đành phải mời tạm một diễn viên hay cô hoa hậu nào đó đi giao lưu. Rất nhiều người mua vé không phải để xem hát mà chỉ để được tận mắt ngắm ngôi sao. Mánh khóe “lát sân khấu” này khá hiệu quả vì đánh trúng tâm lý tò mò của khán giả tỉnh xa đối với những người nổi tiếng.

 

Câu lạc bộ vỗ tay… ăn tiền

 

Sự ra đời ồ ạt của các game show, talk show truyền hình gần đây đã kéo theo sự xuất hiện của không ít “câu lạc bộ” khán giả “bất đắc dĩ” và đội ngũ những người chuyên quản lý các nhóm “vỗ tay thuê”.

 

Với những game show cần quay cận cảnh hoặc có tổ chức thi - thưởng cho khán giả thì phải chọn những người ưa nhìn một tý, ăn mặc bảnh bao một tý. Phần lớn game show chỉ cần 40-50 người làm công việc vỗ tay, nhưng cũng có chương trình cần tới mấy trăm người, lại có chương trình đòi hỏi khán giả phải là trẻ em từ 10 tháng đến 10 tuổi.

 

Khán giả được thuê đến để lót nền trường quay các chương trình ca nhạc (Ảnh minh họa)

Khán giả được thuê đến để lót nền trường quay các chương trình ca nhạc (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

 

Để công việc lúc nào cũng chạy êm ả, người quản lý đội vỗ tay thuê phải nắm trong tay danh sách thật đông đảo và đa dạng các đối tượng sẵn sàng đi làm khán giả bất đắc dĩ, sẵn sàng vỗ tay thuê bất cứ lúc nào. Họ cũng phải tạo uy tín, có những “chế độ đãi ngộ” hợp lý với đội ngũ “lính đánh thuê” này như có xe đưa đón, phục vụ nước uống… để đảm bảo “nguồn cung” luôn ổn định và trung thành, “ới cái là có mặt ngay”. Nếu không, khi chương trình quay vào ngày thường hay đúng dịp thi cử thì việc huy động một lượng khán giả lớn là rất khó khăn.

 

Khoảng trống không thể “lót”, “lát”

 

Điều đáng nói là đã có không ít khán giả cảm thấy bị xúc phạm khi bỏ một số tiền không nhỏ ra mua vé tưởng sẽ được xem một chương toàn sao nhưng cuối cùng chỉ thấy sự góp mặt qua quýt, vội vàng của một vài ca sĩ tên tuổi, còn lại là những gương mặt vô danh tiểu tốt. Đó là vì ông bầu hám lợi, kinh doanh nghệ thuật theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”, lừa khán giả bằng đủ loại mánh khóe, dùng toàn những “sao nửa mùa”, “sao giả” để lót tiết mục, lót sân khấu. Thử hỏi, “khoảng trống” ngậm ngùi trong lòng khán giả sau những “quả lừa” như thế, ai sẽ lấp?

 

Lại có người muốn giải quyết khâu “oai”, cứ khi mình bước lên sân khấu là muốn có người ở dưới cổ vũ, ủng hộ. Nhiều ca sĩ đã bỏ không ít tiền để thuê khán giả làm người hâm mộ. Họ còn ngầm trang bị cho đội ngũ khán giả “đánh thuê” của mình đủ loại cờ hoa khẩu hiệu, để tiện cho việc tung hô tên tuổi. Thậm chí ca sĩ đó còn thuê luôn các khán giả này lên tặng hoa, quà cho mình trên sân khấu. Không ít khán giả “bất đắc dĩ” tâm sự, tuy biết là vỗ tay ăn tiền đấy nhưng họ vẫn cảm thấy có cái gì đó giả tạo, ngượng ngùng. Nhiều cô ca sĩ hát chẳng ra sao trên sân khấu nhưng khán giả cũng phải vỗ tay, tung hô. Có chương trình truyền hình rất nhạt nhẽo vẫn phải tỏ ra thích thú lắm. Nhiều khi còn có cảm giác là mình đang tham gia vào một trò lừa người xem truyền hình!

 

Tác giả bài viết này từng được nghe kể, trong một số đêm thơ, một số cuộc triển lãm tranh, cả một số trận đấu bóng đá, người ta cũng bỏ tiền ra thuê người đóng vai khán giả, khách thăm quan cho thêm phần đông đảo, cho có nếp có tẻ, có tiền hô hậu ủng. Người được thuê, chẳng cần biết tác phẩm hay dở thế nào, chỉ biết người bỏ tiền ra thuê cần có số đông tán dương để đổ đầy cái giỏ háo danh. Mới thấy, mọi sự “lát”, “lót” trong lĩnh vực nghệ thuật đều kéo theo một nỗi buồn khó diễn tả thành lời.

 

Một đạo diễn gameshow của Đài Truyền hình VTV cho biết: muốn làm chương trình thành công thì khâu “lát nền” trường quay đóng một phần quan trọng, không thể để trường quay vắng tanh vắng ngắt hay nhộn nhạo ồn ào, mạnh ai người nấy vỗ tay cổ vũ được. Người phụ trách khán giả sẽ phải “gài” các “chim mồi” vào hàng ghế khán giả có nhiệm vụ khuấy động, tạo không khí náo nhiệt, tưng bừng cho các khán giả khác làm theo, giống như một hoạt náo viên vậy.

 

Theo Linh Nhi

Petrotimes