Sản xuất phim tại thời điểm này là một nỗ lực rất lớn
(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 đang hoành hành nhưng theo nhiều chuyên gia, thách thức cũng là cơ hội để những người làm điện ảnh, sản xuất phim nhận diện khó khăn bất cập và phải điều chỉnh để tiếp tục sáng tạo và phát triển.
Mùa dịch, câu chuyện không của riêng ai!
Ông Vũ Ngọc Hà, Tổng Giám đốc Công ty Truyền thông Hòa Bình - NSX bộ phim "Những đứa con Biệt động Sài Gòn - phần 2"- thẳng thắn thừa nhận, làm phim chưa bao giờ là một công việc dễ dàng, nhất là ở thời điểm hiện tại. Đại dịch Covid-19 đã làm "đóng băng" nền điện ảnh nước nhà và gây áp lực cho các nhà làm phim, họ phải bảo đảm an toàn, mọi hoạt động phải thận trọng, dù vất vả hơn.
Thời điểm này, đơn vị sản xuất phim khó có thể có bối cảnh phù hợp bởi ai cũng lo sợ tụ tập đông người, sẽ làm tăng khả năng phát tán bệnh. Điều này buộc các nhà làm phim phải chọn lựa những nơi vắng, ít dân cư để thực hiện trước rồi chờ đợi khi dịch được khống chế sẽ quay tiếp các cảnh ở thành thị, nội cảnh nhà thật. Vượt khó bằng nhiều cách để đảm bảo tiến độ sản xuất và hậu kỳ phim - nhất là phim truyền hình, đang khiến cho không ít đơn vị phải đau đầu.
Nỗ lực - đáp án chính để giải quyết câu chuyện sản xuất phim
Trên thực tế, về mặt chuyên môn, để thực hiện một bộ phim, tiêu chí được đặt ra rất nhiều. Làm thế nào để không tăng kinh phí thì nhà sản xuất phim đã phải rất căng thẳng để giải quyết, vì tình hình dịch bệnh, các cơ quan quản lý đã phải yêu cầu tạm đóng cửa một số địa điểm theo các chỉ thị, nên các nhà làm phim phải tìm các bối cảnh và xoay sở rất nhiều chi phí phát sinh của cả đoàn - một NSX phim cho biết.
Gần đây, thị trường phim Việt ghi nhận nhiều phim đạt kết quả tốt: Tiệc Trăng Máu, Bố Già, Lật mặt: 48H… Tuy nhiên, trước khi trở thành hiện tượng phòng vé, những bộ phim trên cũng "trầy trật" vì rạp phim Việt "đóng băng" do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Điều này cũng đồng nghĩa NSX đau đầu vì chi phí đội lên quá lớn từ việc quảng cáo, truyền thông, đổi lịch chiếu. Thậm chí, Lý Hải cho biết "Tôi rất sốc và bàng hoàng…", anh đã mất 10 tỉ đồng tiền truyền thông vì "Lật mặt: 48H" dời lịch chiếu liên tục; còn Ngô Thanh Vân cũng cay đắng: "Trạng Tí đã phải đi qua 2 mùa dịch".
Khó khăn là vậy, nhưng theo ông Vũ Ngọc Hà, đây là thời điểm để các đoàn làm phim có thời gian trau chuốt kịch bản, hậu kỳ, nâng cao chất lượng tác phẩm nhằm tiếp cận tốt hơn nhu cầu khán giả.
Thành công từ các tác phẩm điện ảnh như "Tháng năm rực rỡ," "Hai Phượng", "Mắt biếc"... cho thấy các nhà sản xuất và đạo diễn, họ đã thật sự tâm huyết và đầu tư cho đứa con tinh thần của mình một cách đúng nghĩa. Khán giả hiện nay, họ rất thông minh khi lựa chọn một sản phẩm để theo dõi, nếu là một sản phẩm có đầu tư thì họ sẽ không bao giờ quay lưng.