“Sách Nguyễn Vĩnh Nguyên không dâm ô, đồi trụy”

(Dân trí) -Giới chuyên môn chính thức kết luận cuốn sách “Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông” của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên không có nội dung “ dâm ô, đồi trụy” như quy kết của Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM. Nhiều ý kiến không đồng tình khi cuốn sách bị thu hồi…

Chiều ngày  8/11, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Hội nhà văn đã tổ chức tọa đàm nội bộ về nội dung  tập truyện ngắn Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên.

Buổi tọa đàm kín dưới sự chủ trì của nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giám đốc Nhà xuất bản Hội nhà văn với sự tham dự của cục phó Cục Xuất bản Lý Bá Toàn, chủ tịch hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh cùng nhiều nhà phê bình văn học uy tín và toàn bộ thành viên ban biên tập tập truyện ngắn nói trên.

Nội dung chính của buổi tọa đàm tập trung vào việc cuốn sách Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông có nội dung “truyền bá lối sống dâm ô, đồi trụy” như Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM đã quy kết trong bản quyết định xử phạt hành chính và tịch thu toàn bộ tác phẩm gây tranh cãi này không.

Trước đó, ngày 2/11, cuốn sách xuất bản tháng 4/2011 bị Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM yêu cầu tịch thu toàn bộ vì cho rằng sách “truyền bá lối sống dâm ô đồi trụy, vi phạm điều 2, khoản 10 Luật xuất bản, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xuất bản”.

Về phía công ty sách Phương Nam, đơn vị liên kết với Nhà xuất bản Hội nhà văn thực hiện tập truyện ngắn Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông cũng bị xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng.

Sau quyết định của Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM , tác giả  cuốn sách Nguyễn Vĩnh Nguyên, biên tập viên Tạ Duy Anh và một số nhà văn, nhà phê bình đã lên tiếng bênh vực, yêu cầu có đánh giá của hội đồng chuyên môn về cuốn sách trước khi quyết định xử lý.
 
“Sách Nguyễn Vĩnh Nguyên không dâm ô, đồi trụy” - 1

Bìa cuốn sách "Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông" của Nguyễn Vĩnh Nguyên

Trở lại buổi tọa đàm chiều ngày 8/11, trong vòng gần 3 tiếng đồng hồ, các nhà chuyên môn đã đưa ra nhiều đánh giá đa dạng, thậm chí trái chiều về nội dung, bút pháp, giá trị… của cuốn Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông.

Một số ý kiến cho rằng, cuốn sách là một tác phẩm văn học hấp dẫn, thể hiện khả năng sáng tạo và ý thức tìm tòi cái mới của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên. Cũng có ý kiến chê độ “nặng”, khó đọc của cuốn sách. Thậm chí, có nhận xét cho rằng cuốn sách miêu tả chưa tới nên chưa thật sự hiệu quả về ý đồ truyền tải.

Tuy nhiên, như phản ánh của nhà văn Trung Đỉnh, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn: “các đại biểu tham dự tọa đàm đã nhất trí đi đến kết luận chính thức: Tập truyện ngắn Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên là một tác phẩm văn học lành mạnh, không hề có nội dung “dâm ô, đồi trụy””.

Bên cạnh đó, không ít người bày tỏ thắc mắc về tính hợp lý và hợp pháp của bản quyết định xử phạt hành chính và tịch thu tác phẩm đối với cuốn sách này. Dù theo phân tích của đại diện Cục Xuất bản, ông Lý Bá Toàn, Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM có quyền ra quyết định xử phạt hành chính đối với một ấn phẩm văn hóa; nhưng một số đại biểu cho rằng, nếu lý do xử phạt liên quan đến nội dung của tác phẩm - đã được Cục Xuất bản thẩm định như trường hợp Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông thì phải chăng quyết định của Sở là trái nguyên tắc và không hợp pháp?

Đồng tình với lập luận này, đã có những ý kiến mạnh bạo đề nghị Cục Xuất bản “thu hồi” lại quyết định đã đưa ra của Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM!

Nhưng, rút cục kết thúc buổi tọa đàm, đại diện Cục Xuất bản chưa đưa ra bất cứ kết luận chính thức nào về số phận của cuốn sách Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông. Rất có thể, ít ngày tới sẽ có thêm các buổi tọa đàm và trao đổi khác về những vấn đề liên quan đến cuốn sách gây nhiều tranh cãi này.

Vẫn vấn đề cuốn sách bị tịch thu, đại diện của một Sở Thông tin - truyền thông địa phương khẳng định với phóng viên rằng, quyết định của Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM không liên quan đến Sở Thông tin - truyền thông của các địa phương khác. Cuốn sách này theo ông không có vấn đề gì về nội dung và cũng không có ý định tịch thu tập truyện ngắn trên địa bàn.

Nguyễn Hằng