Sách của hot TikToker Tun Phạm bị kêu gọi tẩy chay vì hạ thấp phụ nữ
(Dân trí) - Trong một trang sách, Tun Phạm cho rằng "phụ nữ là món quà vô cùng tuyệt vời mà tạo hóa đã ban tặng cho đàn ông". Quan điểm này của anh bị kêu gọi tẩy chay do mang tính định kiến giới, hạ thấp phụ nữ.
"Phụ nữ là món quà mà tạo hóa đã ban tặng cho đàn ông"?
Những ngày qua, nhiều diễn đàn, trang mạng xã hội kêu gọi tẩy chay cuốn sách Vì cậu là bạn nhỏ của tớ của hot TikToker Tun Phạm (tên thật Phạm Đức Huy).
Theo tài khoản P.T., người đăng bài kêu gọi tẩy chay sách của Tun Phạm, một trang sách mang tên Phụ nữ thành công - họ làm gì? đã có nhiều câu văn hàm ý hạ thấp phụ nữ.
Trong sách, Tun Phạm đưa ra lời dẫn dắt: "Có thể nói, phụ nữ là món quà vô cùng tuyệt vời mà tạo hóa đã ban tặng cho đàn ông. Sự đa cảm, dịu dàng, nữ tính của phụ nữ dung hòa và kết hợp với sự lý trí, rắn rỏi của đàn ông tạo nên một bức tranh vô cùng đẹp đẽ về tình yêu, cuộc sống và là nguồn cảm hứng dồi dào cho mọi nhà sáng tạo nghệ thuật.
Tuy nhiên, cũng có khi những điểm rất đẹp đó của người phụ nữ đi quá giới hạn, trở thành gánh nặng và rào cản của những người xung quanh. Để có thể trở thành một người phụ nữ thành công và hạnh phúc trong thời đại này, tớ xin chia sẻ đến mọi người một vài lời khuyên…".
Nhiều độc giả cho rằng những câu văn nói trên thể hiện góc nhìn xúc phạm, hạ thấp phụ nữ.
"Phụ nữ sẽ không bao giờ là món quà của đàn ông. Phụ nữ là bản thân họ. Phụ nữ độc lập, tự do, không bao giờ và sẽ không bao giờ là một thứ để đàn ông tiêu khiển hay vật hóa", tài khoản T.P. viết.
Phóng viên Dân trí đã liên hệ với Tun Phạm nhưng được phản hồi "bây giờ không nhận trả lời phỏng vấn, khi nào sẵn sàng sẽ trả lời".
Tiến sĩ tâm lý học Khuất Thu Hồng, chuyên gia nghiên cứu về giới tính, tình dục, sức khỏe tình dục và HIV/AIDS, cho biết một trang sách không nói lên nội dung của cả một cuốn sách, nhưng một câu văn có thể làm mất giá trị của cuốn sách nếu đó là quan điểm xuyên suốt của tác giả.
Theo bà, phụ nữ hiện nay độc lập, tự chủ và chủ động. Rất nhiều phụ nữ tài giỏi, sánh ngang với đàn ông trong việc đóng góp vào phát triển kinh tế của gia đình và quốc gia. Phụ nữ càng chưa bao giờ "trở thành gánh nặng và rào cản của những người xung quanh".
"Vậy tại sao tác giả lại nói "phụ nữ là món quà vô cùng tuyệt vời mà tạo hóa đã ban tặng cho đàn ông", tại sao lại xem phụ nữ như một thứ đồ vật mà giá trị phải được đàn ông thừa nhận thì mới có?", Tiến sĩ Khuất Thu Hồng đặt câu hỏi.
Chuyên gia cho hay nếu đây chỉ là cách nói theo thói quen vô thức mà tác giả đã nhập tâm, thì Tun Phạm nên thay đổi.
"Tôi nghĩ bạn ấy còn trẻ nên suy nghĩ chưa thấu đáo hoặc nói theo thói quen. Nếu viết thành sách phổ biến cho công chúng, tác giả lại là người có sức ảnh hưởng trong giới trẻ thì từng câu chữ phải thận trọng, để không biến một cuốn sách với ý định tốt trở thành một thứ xúc phạm, hạ thấp phụ nữ", bà Hồng nói.
"Phụ nữ bình đẳng với đàn ông trên mọi phương diện"
Chuyên gia Bùi Minh Đức hiện học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark (Mỹ), dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản, cũng nêu quan điểm về câu nói "Phụ nữ là món quà vô cùng tuyệt vời mà tạo hóa đã ban tặng cho đàn ông".
Theo anh, phụ nữ thành công họ làm những thứ như tất cả mọi người thành công khác. Phụ nữ càng không phải "món quà tuyệt vời tạo hóa ban cho đàn ông". Phụ nữ hay đàn ông đều có thể đa cảm, dịu dàng, nữ tính, lý trí, rắn rỏi, không có đặc điểm nào là của riêng ai cả.
"Phụ nữ không đi quá giới hạn hay thành gánh nặng cho những người xung quanh. Thế giới có khoảng gần 4 tỷ phụ nữ, tác giả muốn nói tới ai? Điều quan trọng cuối cùng, để có thể trở thành một người phụ nữ thành công, không nghe lời một nam giới nào", anh nói.
Anh Đức cho rằng cần xem xét hoạt động của các nhà xuất bản. Theo anh, việc xuất bản sách ở Việt Nam hiện khá dễ dàng, kiểm duyệt lỏng lẻo, nhất là với những cá nhân muốn làm sách bằng cách tự bỏ chi phí.
Tiến sĩ Hồ Lâm Giang - chuyên gia Tâm lý - Giáo dục, người có nhiều nghiên cứu về bình đẳng giới - cho rằng, vì Tun Phạm là người sáng tạo nội dung số trẻ tuổi, có lượng người theo dõi đông đảo hiện nay nên những phát ngôn rất cần thận trọng.
Khi những tư tưởng chưa đúng được thể hiện qua nội dung các sản phẩm của Tun Phạm dễ khiến cho giới trẻ bị lệch lạc về nhận thức và ý kiến cá nhân.
"Tôi nghĩ câu nói: "Phụ nữ là món quà vô cùng tuyệt vời mà tạo hóa đã ban tặng cho đàn ông" nếu đặt một cách độc lập quả thực đang thể hiện nhiều tư tưởng hạ thấp giá trị người phụ nữ. Bình đẳng giới là mục tiêu mà chúng ta nỗ lực trong rất nhiều năm và hiện đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là với nhận thức của người dân", Tiến sĩ Giang nói.
Theo bà Giang, những người phụ nữ đã nắm giữ những vai trò trọng yếu về chính trị, những người phụ nữ không chồng mà có con, ly hôn chồng... cũng không còn là đối tượng bị đả kích, mà được công nhận là những người mẹ đơn thân, hoàn toàn có khả năng và tư cách nuôi dạy con, sống cuộc sống được tôn trọng.
Do vậy, phụ nữ bình đẳng với đàn ông trên mọi phương diện. Không có chuyện họ là món quà mà người đàn ông được nhận, như thế có phần làm "vật hóa" người phụ nữ, như một món quà tặng.
"Tôi nghĩ, vì câu nói này trở thành tâm điểm để dư luận phân tích, tranh cãi, cũng như có sự ảnh hưởng rất lớn trên truyền thông, tác giả nên có sự giải thích hoặc điều chỉnh cho rõ nghĩa. Cậu ấy cũng nên cân nhắc khi sử dụng những từ ngữ (kể cả trêu đùa hay trích dẫn lại từ người khác) những câu nói có ý nghĩa đánh giá thấp người phụ nữ như vậy", Tiến sĩ Hồ Lâm Giang nói thêm.
Theo bà, vấn đề định kiến giới, khuôn mẫu giới luôn là thách thức lớn đối với bình đẳng giới.
Trong rất nhiều năm, chúng ta đã có nhiều hành động và chính sách cụ thể vì sự bình đẳng giới, tuy nhiên sự bất bình đẳng ẩn sau "định kiến" và khuôn mẫu giới thực sự khó nhận biết.
Đó cũng là vấn đề mà tưởng chừng những câu nói nhiều người vẫn nói, khi được thể hiện trong sách, và nhiều người biết đến lại trở thành vấn đề.
"Tôi nghĩ, dư luận, đặc biệt là phụ nữ và công chúng trẻ, phản ứng với câu nói này, không chỉ là sự phản ứng với tác giả Tun Phạm, mà là phản ứng với cách nhìn nhận về phụ nữ trong xã hội.
Cuối cùng, người trẻ là thế hệ tương lai của đất nước, tôi có nhiều sự trân trọng và cảm phục dành cho họ, tôi tin họ sẽ có thể học được những bài học qua những sai lầm hoặc sự cố.
Trường hợp Tun Phạm và câu nói trong cuốn sách cũng vậy. Tôi cũng mong các tác giả, khi đưa sản phẩm ra công chúng, nên có sự chau chuốt và dành nhiều sự đầu tư, cả về tâm huyết, ý thức cộng đồng và trí tuệ", bà Hồ Lâm Giang bày tỏ.
Tun Phạm tên thật là Phạm Đức Huy, 27 tuổi, là cái tên quen thuộc với giới trẻ.
Các trang mạng xã hội của Tun Phạm có từ 500.000 đến 3,4 triệu người theo dõi, gây chú ý với bởi loạt video tình huống hài hước.
Tháng 12/2023, Tun Phạm ra mắt "Vì cậu là bạn nhỏ của tớ" - được giới thiệu là "cuốn sách đầu tay đánh dấu chặng hành trình phát triển, nỗ lực không ngừng nghỉ của "tác giả, MC, content creator (người sáng tạo nội dung) Tun Phạm".
Nhà phát hành cho hay nhờ vào góc nhìn và tâm tư sâu sắc, cuốn sách như cẩm nang đồng hành cùng thế hệ trẻ vượt qua cơn bão "overthinking" (suy nghĩ thái quá) với những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực trong các vấn đề khó khăn thường gặp.
Tác giả sẽ cùng bạn bước thật vững trong chặng đường thấu hiểu thế giới nội tâm, đưa ra các giải pháp cho các vấn đề thường nhật, dìu dắt bạn vượt qua những khoảng tối của hành trình trưởng thành, giúp bạn không còn lạc lối và dần tìm thấy hướng đi mà bạn vốn có.