Ra mắt bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam"

(Dân trí) - Bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam" là những trang sách được viết bằng máu của những người lính. Ngoài giá trị văn chương truyền thống thì đây là tư liệu chân thật về chiến tranh Việt Nam.

Ngày 5/7, Nhân kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt Sỹ 27/7, tại Đường sách TPHCM, diễn ra buổi gặp mặt tác giả và các nhân chứng lịch sử bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam" 

Ra mắt bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam  - 1

Nhà văn, Đại tá Đặng Vương Hưng và gia đình các nhân chứng lịch sử bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam trong buổi giao lưu 

Bộ sách gồm 4 tập, mỗi tập hơn 1.000 trang do nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng chủ biên với 30 tác phẩm từ 30 tác giả. Trong đó 2/3 tác giả không còn nữa, có người hy sinh từ trong cuộc chiến hay mất sau khi trở về vì di tích chiến tranh. 

Với văn học ngại đọc, ngại đọc dài ngày nay, khi nhìn vào bộ sách dày cộm, nặng trịch này nhiều người sẽ "hoa mắt nặng đầu". Nhưng lật ra, người ta rất dễ chùng lại, cuốn theo với những trang sách thấm đẫm một thời bom lửa với những đau đớn, yêu thương, khát vọng được viết trong bom đạn, trong nước mắt và cả trong máu... của những người lính. 

Nhà văn Đặng Vương Hưng, Chủ biên bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam cho hay, bộ sách in bằng giấy xốp nặng hơn 5kg, còn nếu in giấy thường sẽ nặng hơn 10kg. Bộ sách được thực hiện trong 16 năm, bắt đầu từ năm 2004 từ cuộc vận động Sưu tầm và Xuất bản bộ sách Những lá thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam. 

Ra mắt bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam  - 2

Một trong 4 cuốn sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam"

Các tác phẩm Mãi mãi tuổi 20, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Sống để yêu thương và dâng hiến... là kết quả của cuộc vận động này. Nhưng với lịch sử Việt Nam, với hàng triệu người đã ngã xuống, cần một công trình hơn vậy. 

Nhà văn Đặng Vương Hưng bày tỏ, đây là bộ sách được viết bằng máu của những người lính. Ngoài giá trị văn chương truyền thống thì đây là tư liệu chân thật về chiến tranh qua những trang trang nhật ký được viết bởi chính những người trong cuộc. Nó tưởng chừng như rất đỗi riêng tư nhưng lại mang đến cho chúng ta những thông tin và tư liệu cựu kỳ quý báu. 

PGS.TS Hà Minh Hồng, bộ môn Lịch sử Việt Nam, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM hy vọng bộ sách này mới chỉ là khởi đầu, có thể là 10, 20, 40 hay cả 100 năm sau, chúng ta có bộ sách không phải 4 tập hay 40 tập. 

"Chúng ta có hơn 4 triệu liệt sĩ trong 2 cuộc kháng chiến, nếu tính bình quân mỗi người chỉ một trang thôi, chúng ta đã có 4 triệu trang". Có những người ra đi không kịp viết lại một chữ, một dòng nào. Có người ra khỏi cuộc chiến, không còn dấu tích gì nữa hết, kể cả chữ viết của mình", TS Hà Minh Hồng nói. 

Ra mắt bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam  - 3

Một trang di bút trong "Nhật ký đi B" của cố nhà văn Triệu Bôn (Ảnh chụp từ tư liệu trong sách)

Ông cho hay, những người ở đây, những người làm sách, mỗi người chúng ta sẽ nối dài "mãi mãi tuổi 20" của những thế hệ trước. 

Nhận xét về bộ sách, nhà văn Nguyễn Quang Thiều bày tỏ, đây là những trang sách được viết trong bom đạn, trong chết chóc. Viết ngay tại chiến trường, viết những gì mà họ muốn nói nhất, khi biết rằng sau đó họ có thể mãi mãi không trở về với gia đình, quê hương. Chỉ khi cái chết cận kề thì tiếng nói con người mới vang lên trung thực nhất. 

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đánh giá, những trang nhật ký của những người lính giải phóng Việt Nam trở thành một giá trị vô cùng to lớn, làm nên bộ hồ sơ đặc biệt về cuộc chiến tranh giải phóng đất nước.

Hoài Nam 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm