Phú Yên dẫn đầu cả nước về chỉ số thu hút đoàn làm phim
(Dân trí) - Phú Yên - địa phương nổi tiếng với bối cảnh phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" - dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số thu hút đoàn làm phim (PAI) tại Việt Nam.
Tiếp sau đó, lần lượt là các tỉnh, thành gồm: Quảng Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng, TPHCM, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Ninh Bình.
Danh sách trên được TS. Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA) - thông tin tại diễn đàn Chỉ số thu hút đoàn làm phim và Môi trường sản xuất phim tại Việt Nam, do VFDA phối hợp cùng UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức, ngày 11/12 tại Ninh Bình.
Sự kiện cũng đánh dấu một năm triển khai Bộ chỉ số PAI (Production Attraction Index) và công bố bảng xếp hạng các địa phương có chỉ số PAI cao nhất.
TS. Ngô Phương Lan nhấn mạnh, PAI - chỉ số thu hút đoàn làm phim - là chỉ số duy nhất ở Việt Nam và trên thế giới do Hiệp hội đưa ra và chủ trì thực hiện. PAI ra mắt vào tháng 11/2023 tại Phú Yên, là sáng tạo của bà Phan Cẩm Tú và Phùng Thị Thanh Xuân.
"PAI không chỉ đơn thuần là danh sách các điểm đến mà là một công cụ toàn diện với cách tiếp cận có cấu trúc, nhằm đánh giá mức độ hỗ trợ của các địa phương đối với ngành điện ảnh và du lịch.
Dựa trên năm thành phần chính gồm tài chính, thông tin, thực địa, pháp lý và hạ tầng, chỉ số này cung cấp một khung phân tích rõ ràng, từ việc đánh giá các khoản trợ cấp và ưu đãi tài chính, nỗ lực quảng bá điểm đến, kết nối đoàn làm phim với các bên liên quan, đến tính minh bạch trong thủ tục pháp lý và chất lượng cơ sở hạ tầng.
PAI đóng vai trò như một "ngôi sao năm cánh" dẫn lối các nhà làm phim đến những địa điểm tiềm năng còn chưa được khám phá", TS. Ngô Phương Lan phát biểu.
Bà Phùng Thị Thanh Xuân - Phó giám đốc Công ty tư vấn quản lý MCG - cho biết qua một năm, số lượng địa phương tham gia áp dụng chỉ số PAI đã tăng từ 10 lên 36 (gấp gần 4 lần).
Bà Thanh Xuân cho biết, 10 địa phương dẫn đầu này có điểm chung là hỗ trợ thông tin rất tốt, không chỉ đối với đoàn làm phim mà còn với những người yêu mến điện ảnh. Trong đó hỗ trợ tốt về tài chính có Phú Yên và Thanh Hóa. "Năm 2025, chúng tôi kỳ vọng có sự tham gia của 63 tỉnh, thành", bà nói thêm.
Phú Yên dẫn đầu bảng xếp hạng nhờ những cải tiến vượt bậc trong chính sách hỗ trợ và cơ sở hạ tầng phục vụ các đoàn làm phim. Ngày xưa có một chuyện tình chuyển thể từ truyện Nguyễn Nhật Ánh vừa ra mắt cũng có bối cảnh chính tại Phú Yên.
Trong khuôn khổ diễn đàn, các phiên thảo luận chuyên đề cũng thu hút sự quan tâm lớn từ các chuyên gia điện ảnh trong nước và quốc tế, cùng đại diện các địa phương có nhiều tiềm năng phát triển.
Những ý kiến trong phiên thảo luận không chỉ mang tính chiến lược mà còn thực tiễn, mở ra các giải pháp sáng tạo. Đây là cơ hội để các địa phương hiểu rõ hơn về nhu cầu của ngành điện ảnh, từ đó tiếp tục cải thiện và xây dựng một môi trường làm phim chuyên nghiệp, thu hút ngày càng nhiều nhà làm phim quốc tế đến với Việt Nam.
Ông Jared Doughety - Phó Chủ tịch, Giám đốc phụ trách chính sách công và đối ngoại hãng phim Sony Picture - đánh giá, bộ chỉ số giúp các nhà làm phim thế giới biết đến sự sẵn sàng của các địa phương ở Việt Nam.
Có dịp tìm hiểu thêm về Ninh Bình, ông Jared Doughety chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng tiền vẫn là yếu tố quan trọng nhất để nhà sản xuất quyết định quay một bộ phim.
Tôi hy vọng các địa phương cân nhắc lợi ích trực tiếp và gián tiếp (nhà hàng, khách sạn, thu hút du lịch...) để thu hút và hỗ trợ nhà làm phim quốc tế. Có lẽ Việt Nam nên tiếp cận theo hướng hỗ trợ nhà sản xuất như một dạng đầu tư".
Ông Đào Mỹ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - nhắc lại câu chuyện đoàn phim Ngày xưa có một chuyện tình quay tại Phú Yên. Khi phim công chiếu, người dân hào hứng tới kín rạp. Từ diễn viên quần chúng tới lãnh đạo các địa phương có bối cảnh làm phim đều phấn khích.
"Phú Yên sẽ hoàn thiện hơn về năng lực để bộ chỉ số PAI đầy đủ nhất, phù hợp với yêu cầu của nhà làm phim. Khi đoàn làm phim tới địa phương, lãnh đạo tỉnh xác định đây là chuyện của địa phương, cho nên chỉ đạo xuyên suốt từ tỉnh tới cấp xã phải phối hợp, tạo điều kiện cho đoàn làm phim quay phim suôn sẻ", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên chia sẻ.
Từng khảo sát nhiều địa phương, cuối cùng Phú Yên chinh phục nhà sản xuất Trinh Hoan. Giám đốc Công ty HK cho rằng bối cảnh phù hợp với bộ phim rất quan trọng. Sau khi công chiếu Ngày xưa có một chuyện tình, ông nhiệt tình giới thiệu cho đoàn làm phim Kính vạn hoa.
Dịp này, Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam ra mắt nền tảng trực tuyến Vietnamfilmproduction.vn.
Nền tảng này được phát triển như một công cụ hỗ trợ toàn diện cho các đoàn làm phim, cung cấp thông tin chi tiết về bối cảnh quay phim, chính sách hỗ trợ và các quy trình pháp lý tại các địa phương.
Thông qua Vietnamfilmproduction.vn, các nhà làm phim trong nước và quốc tế có thể dễ dàng tiếp cận nguồn tài nguyên phong phú, tìm hiểu các địa điểm quay phim tiềm năng và nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng từ chính quyền địa phương.