Phim VN: Quảng cáo một đằng, phim ra một nẻo

Phim Việt Nam hiện nay đã bớt lơ mơ trong khâu quảng cáo, nhưng khi đã "ranh" hơn, chuyện lại trở nên quá đà.

Trước khi "chọc" vào chuyện làm quảng cáo của phim ta, xin nhắc đến sự thất vọng của những người kỳ vọng vào bộ phim Tuyết tháng tư của Hàn Quốc hiện đang được quảng cáo là gây sốt vé ở châu Á (đặc biệt ở Nhật) cả tháng trước khi phim chiếu.

 

Tuyết tháng tư (chiếu đồng loạt tại Việt Nam và nhiều nước châu Á khác từ 16/9) không khác mấy kiểu phim tình cảm Hàn lâu nay; đã và sẽ dự một vài LHP nhưng phim có một số lỗi "rắc co" (lỗi kỹ thuật ghép hình) khó chịu; ngôi sao của quý bà quý cô châu Á, Bae Yong Jun diễn xuất không có gì mới so với một vài phim trước... Phim Hàn, món quen thuộc và đáng tin của khán giả Việt Nam còn bị công nghệ quảng cáo đánh cú "hồi mã thương", phim ta khó tránh khỏi điều tương tự trong ngày đầu chập chững tiếp thị mình.

Tổ chức hàng loạt cuộc giao lưu rầm rộ với diễn viên, kèm hát hò, bắt lỗi phim, phát không đĩa trailer... ở TPHCM và vài địa phương lân cận, phim Công nghệ lăng xê ra mắt năm ngoái tưởng hóa thành siêu phẩm đến nơi. Toàn siêu mẫu chân dài góp mặt, 16 tập hô biến ra 90 phút, phù phép kỹ thuật số thành nhựa..., cứ ngỡ phim 39 độ yêu làm một cuộc cách mạng... Ra mắt cách nhau tròn năm vào cùng thời điểm hè 2004 và 2005, cả hai đều gây thất vọng lớn.

 

Từ chỗ chỉ dùng vài ba triệu đồng in áp phích, panô trước kia, giờ đây các hãng phim đã bỏ từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để tiến hành các chiến dịch quảng cáo. Gái nhảy (Hãng phim Giải phóng) chi phí hơn 50 triệu đồng cho quảng cáo, Lấy vợ Sài Gòn con số này được đẩy lên 100 triệu đồng, Lọ lem hè phố còn kinh hơn: chừng 200 triệu đồng, Khi đàn ông có bầu (Hãng phim Phước Sang) vượt cấp hơn 700 triệu đồng... Có hãng tự làm luôn công việc quảng cáo, có hãng thuê cả công ty chuyên về quảng cáo (PR) để đẩy sự kiện lên. Các con số trên chưa phải cao trong tổng chi phí làm phim và mức độ thành công của các đợt quảng cáo còn hạn chế, nhưng khán giả nhà cũng đã bắt đầu tò mò đi xem phim theo "tiếng gọi" của quảng cáo, điều mà trước đây ít xảy ra.

 

"Rõ ràng là một hai năm nay, thị trường làm phim và quảng cáo phim đang khởi sắc. Tuy có rất nhiều chuyện khôi hài, kỳ quặc và vô lý, nhưng thị trường là thế. Giới làm phim nói chung đang cảm thấy lâng lâng"...

 

Lúc chưa quay, phim đã được hâm nóng dần lên bằng thông báo tuyển diễn viên (thường là cao, trẻ, đẹp...) dù có khi đã chấm xong từ đời nào rồi. Khi bắt đầu quay, thông tin về cô diễn viên này, anh tài tử nọ rỉ rả xì ra vô tình một cách... cố ý để hâm nóng phim. Trước khi công chiếu, phim được đun sôi hẳn lên bằng những màn ra mắt gây ngợp, những lời có cánh được tuyên bố.

 

Các hãng tư nhân là những kẻ mạnh tay nhất trong khâu quảng bá phim của mình, thế nên cũng là những kẻ có những bước đi hơi quá tầm. Gây sốc như Xem Nữ tướng cướp, Cướp giải đi Hollywood hay kẻ cả như Phim của mọi người của Khi đàn ông có bầu thì quả là chưa có phim Việt Nam nào từ trước tới nay làm được! Chưa kể việc một bộ phim năm ngoái xuất hiện thường kỳ trên một tạp chí điện ảnh theo kiểu quảng cáo trá hình mà cứ như rằng nó có nhiều thông tin hay để khai thác lắm lắm.

 

Bị quảng cáo hấp dẫn đẩy đưa đôi chân mua vé vào rạp (hoặc mua đĩa về nhà) nhưng thực tế trên màn ảnh không như quảng cáo, cảm giác của đa số khán giả Việt Nam khi rời rạp là hậm hực vì bị lừa lấy mất tiền bạc lẫn thời gian. Không ít phim Việt Nam thời gian qua đã làm khán giả liên tục nóng mặt như thế....

 

Dĩ nhiên chẳng có vị khán giả nào ngây thơ tin tưởng hết mực vào mấy chiêu thức quảng cáo ấy. Nhưng trong xu hướng chung khán giả đang quay về và có cái nhìn thiện cảm, ủng hộ phim nội hơn trước, người ta cũng đã cho phép mình tin ít nhiều vào những việc đang làm của các hãng phim (!). 

 

Thế nhưng, cứ mặc nhiên gia tăng mức độ quảng cáo qua từng bộ phim bất kể chất lượng sản phẩm của mình trồi sụt ra sao, các hãng phim rất dễ bị đánh mất niềm tin được gây dựng nơi khán giả thời gian qua. Bởi cái niềm tin trở nên e dè sau thời kỳ phim "mì ăn liền" ấy, rất mong manh.

 

Theo Võ Tiến

Vietnamnet