1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Phim Việt Nam nổi bật trong thập niên 50

(Dân trí) - Kiếp hoa, Chung một dòng sông… là một trong những phim Việt Nam nổi bật của thập niên 50 - thời điểm phim Việt bắt đầu được thực hiện trong nước và nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả.

Kiếp Hoa (1954)

Kiếp hoa là một bộ phim tâm lý - tình cảm do soạn giả cải lương Trần Lang viết kịch bản và đạo diễn, công chiếu năm 1954.

Phim Việt Nam nổi bật trong thập niên 50 - 1

Thập niên 1950, trong bối cảnh hoàng kim của sân khấu cải lương, điện ảnh tương đối xa lạ với người Hà Nội. Chưa có đạo diễn, chưa có nhà quay phim, Kiếp hoa chỉ là dự án phim mang tính gia đình. Tuy nhiên, Kiếp hoa đã có sự thành công vượt bậc, bộ phim đầu tiên của Việt Nam có tiếng.

Phim Việt Nam nổi bật trong thập niên 50 - 2

Kiếp hoa được ra đời khi bầu Long (nghệ danh Trần Lang, tên thật là Trần Viết Long) trưởng đoàn hát Kim Chung viết kịch bản, vai nữ chính Ngọc Lan do cố nghệ sĩ Kim Chung (vợ bầu Long) đảm nhận. Kim Xuân (em dâu bầu Long) vào vai thứ chính Ngọc Thủy.

Phim Việt Nam nổi bật trong thập niên 50 - 3

Phim nhạc kịch nói về cuộc tình tréo ngoe giữa Thiện (Trần Quang Tứ) và Ngọc Lan (nghệ sĩ Kim Chung) trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc.

Ngọc Lan, Ngọc Thủy cùng mẹ già đi tản cư, may mắn được Thiện cho ở nhờ. Một người không quen biết, Thiện đã che chở cho gia đình Ngọc Lan và cả hai nảy sinh tình cảm. Khi Thiện phải về Hà Nội theo lời cha, cả hai trao ảnh cho nhau làm tin.

Không may mẹ Lan bệnh nặng qua đời, chiến sự xảy ra khiến hai chị em Ngọc Lan, Ngọc Thuỷ buộc rời khỏi nơi đang ở. Cả hai không tiền bạc, không nơi nương tựa, họ tìm đến gánh hát Kim Chung nhưng không được chào đón. May mắn họ gặp Tam - người quen cũ và làm phụ giúp tại quán mì của anh.

Nhạc - một người bạn của Thiện, được Thiện đưa hình nhờ anh tìm giúp Lan, nhưng chính Nhạc cũng say mê trước vẻ đẹp của Lan. Nhạc khiến Lan tin rằng Thiện đã chết trong lúc chiến tranh loạn lạc, rồi nhân cơ hội tỏ tình với Lan, tuy nhiên Lan đã từ chối.

Tam mượn cớ giải khuây cho Lan trong lúc đau buồn, Tam rủ hai chị em đi xem cải lương. Sau đó Tam chuốc rượu khiến Lan say khướt rồi làm cô thất thân. Tam lấy cớ đó để buộc Lan phải lấy mình làm chồng. Chẳng bao lâu sau Lan và Thủy cũng rời đi làm ăn xa để trốn khỏi gông kìm của Tam.

Bất ngờ, ở đây Lan gặp lại Thiện. Trải qua bao sóng gió, cuối cùng Lan cũng chấp nhận lời cầu hôn của Thiện. Nhưng trong đám cưới, Lan gặp lại người quen cũ của gã Tam. Sợ điều tiếng một đời chồng, sợ ảnh hưởng đến Thiện, sau đám cưới Lan bỏ đi.

Kết phim là cảnh Thiện an ủi Ngọc Thủy trong đêm mưa khi cô nghe thấy tiếng rao ngoài phố gợi nhắc đến chị. Không ai biết Thiện có gặp lại Lan hay không, hay tình chị duyên em, Thiện sẽ đến với Ngọc Thuỷ.

Phim để lại một cái kết bỏ ngỏ khiến người xem phải thổn thức và đây cũng được xem là sự thành công của phim.

Phim Việt Nam nổi bật trong thập niên 50 - 4

Bộ phim mang đến thành công cho bầu Long và vợ Kim Chung.

Tuy ở thời điểm này, nghệ thuật cải lương còn khá xa lạ với người Hà Nội nhưng khi vừa ra mắt công chiếu, Kiếp hoa đã thành công vượt sức mong đợi, khán giả ùn ùn kéo đến rạp. Riêng tại Sài Gòn bấy giờ còn có “phe vé" xảy ra, nhiều người cho rằng chí bộ phim đã khởi nguồn cho nghề bán vé chợ đen.

Phim Việt Nam nổi bật trong thập niên 50 - 5

Poster quảng cáo phim trong năm 1974

Thành công vượt bậc của phim không chỉ mang lại giá trị nghệ thuật mà còn mang lại danh tiếng cho các nghệ sĩ tham gia phim.

Phim Việt Nam nổi bật trong thập niên 50 - 6

Kiếp hoa không chỉ làm sáng đèn các rạp Hà Nội, mà còn Nam tiến vào Sài Gòn và khắp các rạp miền Tây Nam Bộ. Bộ phim gây cháy vé ở miền Nam đa phần nhờ vai Ngọc Thủy của nghệ sĩ Kim Xuân - một diễn viên cải lương ăn khách đương thời.

Nghệ sĩ Kim Chung từ khi vào Sài Gòn đã đưa bộ môn nghệ thuật cải lương bước vào giai đoạn hoàng kim. Hầu hết những nghệ sĩ cải lương tài danh đều bước ra từ đoàn, như: Minh Vương, Minh Phụng, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Minh Cảnh...

Chung một dòng sông (1959)

Chung một dòng sông là bộ phim của hai đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Hiếu Dân (Phạm Kỳ Nam) do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất. Đây là bộ phim truyện đầu tiên của miền Bắc Việt Nam sau năm 1954 và cũng là bộ phim truyện đầu tiên của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam.

Phim Việt Nam nổi bật trong thập niên 50 - 7

Có vẻ vì là thời kì chiến tranh nên những phim thuộc thể loại chiến tranh, tâm lý để lại dấu ấn trong lòng người xem hơn. Chung một dòng sông từng được trao tặng giải thưởng Bông Sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ II năm 1973. 

Phim Việt Nam nổi bật trong thập niên 50 - 8

Chung một dòng sông nói lên vấn nạn thời kì chia cắt đất nước đó, là một nỗi đau mà bất kì người Việt nào từng sống trong thời kỳ đó đều không mong muốn.

Năm 1954, sau hiệp định Geneve, đất nước phải tạm thời chia thành hai miền Nam – Bắc tại vĩ tuyến 17. Một cô gái tên Hoài (Phi Nga) ở miền Nam đã có giao ước trăm năm với anh Vận (Mạnh Linh) ở miền Bắc cũng vì thế mà gặp cản trở, khiến cả hai chia cách vì đám cưới không thành.

Một lần Hoài dũng cảm đánh lạc hướng cảnh sát biên giới, qua bờ Bắc gặp lại người yêu. Tuy nhiên Hoài không ở lại chung sống với người yêu, cô quyết định trở về bờ Nam quê hương để cùng người thân và dân làng tiếp tục cuộc đấu tranh chống xâm lược và chia cắt đất nước.

Phim Việt Nam nổi bật trong thập niên 50 - 9

Cố nghệ sĩ Phi Nga – người đóng vai Hoài trong phim – được coi là một trong những nữ diễn viên đầu tiên của điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Bà khiến khán giả nhớ lâu bởi gương mặt phúc hậu và lối diễn xuất dung dị. Lúc đóng phim, nghệ sĩ chỉ mới 22 tuổi.

Là một người mới trong ngành diễn xuất và không được đào tạo bài bản, ngay từ đầu bà đã không được đánh giá cao. Sau khi phim ra mắt, diễn xuất của một diễn viên không chuyên như bà được đánh giá ngược lại so với ban đầu.

Sau Chung một dòng sông, nghệ sĩ Phi Nga còn tham gia các phim lớn khác, như: Vật kỷ niệm, Trên vĩ tuyến 17, Rừng O Thắm, Vợ chồng anh Lực, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm… Vai chị Lành trong Vĩ tuyến 17 ngày và đêm cũng là lần cuối cùng nghệ sĩ Phi Nga xuất hiện trên màn ảnh rộng.

Phim Việt Nam nổi bật trong thập niên 50 - 10

Chung một dòng sông là phim đầu tay của cố NSND Trịnh Thịnh, đưa ông chính thức bước vào con đường hoạt động nghệ thuật.

Trước đó ông từng lồng tiếng cho một hãng xuất nhập khẩu phim ở Liên Xô. Ông từng tham gia hoạt động sân khấu với vai diễn đầu tiên là vai thầy Tú trong vở kịch Pháp nổi tiếng Topaze.

Tuy không được đào tạo trường lớp bài bản, nhưng với kinh nghiệm có được trong khoảng thời gian làm công việc lồng tiếng, NSND Trịnh Thịnh đã vào vai khá thành công. NSND Trịnh Thịnh sau đó đóng rất nhiều phim và những vai của ông đều được đánh giá là thành công như ông nội thằng Bờm trong phim Thằng Bờm, ông Củng trong Vợ chồng anh Lực...

Băng Châu - Phạm Quỳnh

(Tổng hợp)