1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng:

"Phim của tôi có nhiều cảnh nóng..."

(Dân trí) - "Những cảnh nóng cũng như những pha trình diễn võ thuật trong phim tôi làm chỉ là những tiểu tiết để diễn tả nội dung của bộ phim, chứ không phải là những chi tiết nhằm câu khách", đạo diễn của "Vũ điệu tử thần" Bùi Tuấn Dũng khẳng định.

Trong những bộ phim mà anh đã làm, hình như anh rất chú trọng khai thác các khía cạnh để tạo nên những hiệu quả đặc biệt trong hình ảnh?

 

Phim hiện đại mà không sử dụng các yếu tố để tạo ra hiệu quả hình ảnh đặc biệt thì chẳng ai xem cả. Bộ phim của tôi không sử dụng kĩ xảo hiện đại mà chỉ tạo special effect trên những thiết bị của hãng hiện có. Phim không có công đoạn làm hậu kỳ ở nước ngoài, do vậy tôi phải tìm mọi cách khai thác khả năng mà chiếc máy quay có thể tạo ra ngay trên hiện trường. Tôi muốn thỏa mãn thị giác của người xem. Đơn giản chỉ là như vậy!

 

Có vẻ như mục đích cao nhất mà các bộ phim của anh hướng tới là đáp ứng nhu cầu của khán giả?

 

Đúng thế. Tôi làm phim là để đáp ứng những cái khán giả cần, khán giả muốn và khán giả thích. Họ trả tiền để đến rạp, thì những người làm phim phải có trách nhiệm thỏa mãn một cách tốt nhất sở thích của họ.

 

Nói như thế thì yếu tố định hướng của điện ảnh nằm ở đâu?

 

Điện ảnh muốn nói cái gì, muốn chuyển tải thông điệp gì thì phải cho người ta nghe, người ta thấy đã. Khán giả ngày nay họ thông minh lắm, họ không cần những điều giáo huấn, chỉ bảo.

 

Tôi quan niệm phim là một giấc mơ. Khán giả tìm đến các bộ phim là để thỏa mãn những khát khao, những điều mà họ không làm được trong cuộc sống. Tôi làm phim là đem giấc mơ đến cho công chúng. Giấc mơ ấy có thể ngọt ngào, lãng mạn, có thể hãi hùng, khủng khiếp nhưng mọi chuyện rồi cũng ổn. Yếu tố định hướng của điện ảnh nằm sau ý nghĩa của những giấc mơ đó.

 

"Phim của tôi có nhiều cảnh nóng..." - 1

 Thanh Thuý và Tuấn Tú trong

một cảnh phim "Vũ điệu tử thần".

 

Có khi nào anh sợ rằng những giấc mơ mà anh đem vào phim vì quá xa vời so với thực tế mà công chúng xem, họ so sánh và họ kết luận: “Ồ, đó không phải là phim Việt nam” không?

 

Chúng tôi, những người thực hiện bộ phim đều là người Việt và chúng tôi quay tại đất nước mình chứ có ở đâu xa xôi. Việt Nam bây giờ cũng hiện đại lắm chứ. Tại sao trong khi đạo diễn, quay phim đi đôi giầy trị giá hàng triệu đồng thì lại cứ phải bắt diễn viên ăn mặc những bộ quần áo tuềnh toàng? Tại sao cứ phải xấu xí mới là Việt Nam?

 

Hơn nữa, phim thì phải lạ, phải khác thường. Đừng quá câu nệ vào hiện thực. Nếu muốn phản ánh hiện thực, hãy cứ để cho các nhà làm phim tài liệu họ làm, còn tôi, tôi đem lại cho công chúng những điều mà họ khao khát, những điều mà họ không có cơ hội thực hiện trong cuộc sống đời thường. Và đó là ước mơ!

 

Thiên hạ đang rất xôn xao về những cảnh “nóng” trong bộ phim “Vũ điệu tử thần” của anh?

 

Đúng là trong bộ phim của tôi có rất nhiều cảnh nóng, nhưng phim về vũ trường, về thuốc gây nghiện... thì đó là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên những cảnh nóng cũng như những pha trình diễn võ thuật chỉ là những tiểu tiết để diễn tả nội dung của bộ phim chứ không phải là những chi tiết nhằm câu khách. 

 

"Phim của tôi có nhiều cảnh nóng..." - 2
Một cảnh khá "nóng" trong "Vũ điệu tử thần".

 

Là một người trong nghề, anh nhận xét thế nào về nền điện ảnh Việt Nam hiện nay?

 

Nó đang phát triển, và điều ấy thì ai cũng thấy. Một số người than rằng điện ảnh của mình tệ lắm, đang xuống dốc một cách nghiêm trọng. Tôi thì cho rằng không thể căn cứ vào những ý kiến đó để đánh giá cả một nền điện ảnh đương đại.

 

Có thể hiện tại, điện ảnh Việt Nam đang gặp những khó khăn nhất định so với mặt bằng khu vực nhưng nó vượt xa rất nhiều so với ngày xưa. Có thể một cơ cấu sản xuất phim kiểu cũ đang lụi tàn, tuy nhiên trong bất cứ sự tàn lụi nào cũng có những mầm non đang chuẩn bị vươn mình lên. Chúng ta hoàn toàn có quyền hi vọng vào những mầm non ấy. Đó là những hãng phim có thể thích ứng và hoạt động trong cơ chế mới.

 

Anh nghĩ thế nào trước hiện tượng các phim nổi đình nổi đám trong năm vừa qua, phần lớn thuộc về các hãng phim tư nhân?

 

Đơn giản là họ có điều kiện hơn, họ có được đầu tư kinh phí lớn hơn, phim của họ phần lớn được làm hậu kỳ tại nước ngoài. Phim là một thứ siêu phẩm rất sang trọng, nó cần có những nhà đầu tư lớn. Các hãng phim nhà nước của ta hiện đáng gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề tài chính, còn các hãng phim tư nhân thì đang khá mạnh.

 

Trong tương lai, có lẽ chúng ta nên tìm cách kích hoạt hơn nữa sự hoạt động của các hãng phim tư nhân. Điện ảnh rất cần có những đối trọng để cạnh tranh, thúc đẩy nhau phát triển.

 

"Phim của tôi có nhiều cảnh nóng..." - 3

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng khẳng định: "Những cảnh nóng

không phải là mục đích chính của tôi, nó chỉ là một

cách để chuyển tải nội dung của bộ phim mà thôi".

 

Có khi nào Bùi Tuấn Dũng có ý định lập ra hãng phim tư nhân cho riêng mình không?

 

Hiện nay thì không, chỉ trừ khi tôi không muốn làm đạo diễn nữa. Vừa đứng ra điều hành một hãng phim, vừa tự tay thực hiện các bộ phim, với tôi là một sự điên rồ. Anh không thể là người lính, vừa cầm súng chiến đấu, vừa tìm cách bao quát cả cuộc chiến được.

 

Phim là một giấc mơ, còn Bùi Tuấn Dũng thì là người như thế nào?

 

Tôi sống rất thật, trong cả tình cảm lẫn trong công việc, không ảo tưởng. Trong công việc, tôi làm được cái gì thì tôi nói cái đó, chứ không phải tỏ ra khiêm tốn. Khiêm tốn, đôi khi cũng là một sự giả dối, xét ở một khía cạnh nào đó.

 

Vậy tại sao anh thường lẩn tránh khi trả lời các câu hỏi về cuộc sống riêng?

 

Tôi sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi liên quan tới nghề nghiệp, còn cuộc đời của tôi hãy cứ để nó yên. Tôi là một đạo diễn, những bộ phim của tôi sẽ nói lên tất cả. Còn ai mà chẳng có những phức tạp cá nhân không nên bộc bạch.

 

Khi nào đó tôi trở thành một ông lão 70, 80 tuổi và đã có ít nhiều cống hiến cho điện ảnh, khi ấy mọi người có thể nhìn vào những ngõ ngách trong cuộc đời tôi. Và lúc đó may ra mới có gì đó đáng để nói.

 

Cảm ơn anh về buổi trò chuyện!

 

Thu Giang