Nữ nhà báo xinh đẹp bén duyên với những trang thơ cháy bỏng

(Dân trí) - Không chỉ được biết đến là một nhà báo xinh đẹp, sắc sảo, chị Nguyễn Thị Hạnh Loan, SN 1976, Phó trưởng phòng Thời sự, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh còn là một ca sỹ bán chuyên nghiệp, là nhà thơ.

Nguyễn Thị Hạnh Loan sinh ngày 21/7/1976 tại Thành phố Hà Tĩnh, là cử nhân Luật, Thạc sĩ Báo chí. Hiện là Phó Trưởng phòng Thời sự, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh. Chị làm thơ từ thuở thiếu thời và thời học sinh đã có nhiều thơ in trên báo Trung ương và địa phương.

Nhà báo, nhà thơ Hạnh Loan (Ảnh: NVCC)
Nhà báo, nhà thơ Hạnh Loan (Ảnh: NVCC)

Năm 2017, sau bao năm vắng bóng, chị Hạnh Loan cho ra mắt 2 tập thơ Hãy nói yêu khi hoa hồng nở (Thơ tình) và Khoảng trời sau cửa sổ (Thơ học trò) gây ấn tượng với bạn đọc. Tháng 10 năm nay, với một sức viết mãnh liệt, chị đã xuất bản tiếp tập thơ thứ 3 “Sải cánh giữa chiêm bao” (Thơ tình) với 1500 bản sách và tái bản tập thơ Hãy nói yêu khi hoa hồng nở với 500 bản sách.

Tập thơ thứ 3 đánh dấu sự tiếp nối và khẳng định một nét riêng của phong cách thơ tình Hạnh Loan, với lối ứng xử đẹp, nhân văn và cao thượng trong tình yêu, mà vẫn không kém phần kiêu hãnh, nồng nàn. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã gọi tập thơ của chị là "Một lối đi của hoa hồng".

Tập thơ sẽ ra mắt bạn đọc vào ngày 28/10 tại Nhà hát Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, số 7 Hai Bà Trưng, Hà Nội.

“ Nếu anh biết một mai em là đất

Điềm nhiên nâu dưới trảng cỏ xanh rì

Nếu anh khóc mà em không nghe thấy

… Thì bây giờ anh bóp vụn em đi …

( Dự cảm - Trích Hãy nói yêu khi hoa hồng nở).

Ai đã đọc những câu thơ như vậy, trong tập thơ Hãy nói yêu khi hoa hồng nở của nữ nhà báo, nhà thơ Hạnh Loan xuất bản năm 2017, cũng sẽ nhớ mãi những câu thơ dữ dội, phơi bày những cảm xúc mãnh liệt đàn bà trước những lo sợ thời gian phôi pha và cái chết, nữ thi sĩ nhắc nhở người yêu của mình hãy trân trọng những giờ phút yêu và được yêu, những giây phút hạnh phúc được yêu, được sống ở trên đời. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã gọi tập thơ của chị phải chăng là trái tim hoa hồng, mang hương sắc tình yêu vĩnh cữu dâng tặng cuộc đời .

Nữ nhà báo xinh đẹp bén duyên với những trang thơ cháy bỏng - 2

Thời gian sau một năm, nữ thi sĩ lại tái xuất với tập thơ tình: Sải cánh giữa chiêm bao. Có thể nói, một tập thơ tình đa sắc thái đã tiếp nối mạch cảm xúc của Hãy nói yêu khi hoa hồng nở, với nhiều cung bậc cảm xúc tình yêu , mà qua đó, những suy tưởng triết lý của Hạnh Loan về tình yêu đã được chuyển tải, khiến thật sự, tập thơ chính là thông điệp của tình yêu, mà nữ thi sĩ gửi gắm, đó là hãy vắt kiệt mình cho tình yêu, dẫu có thể là hạnh phúc hay đau khổ, tuyệt vọng.

Vắt kiệt yêu

Để sông đầy

Cho trôi ra biển tháng ngày phiêu du

Vắt kiệt rừng để cây khô

Cho vàng kỷ niệm những mùa còn xanh

Vắt kiệt thơ

Để cho anh

( Vắt kiệt – Trích Sải cánh giữa chiêm bao – NXB Văn học 10/2018)

Bìa ngoài của tập thơ: Sải cánh giữa chiêm bao.
Bìa ngoài của tập thơ: Sải cánh giữa chiêm bao.

Nguyễn Thị Hạnh Loan là một cái tên không lạ trong giới văn chương nghệ thuật những năm gần đây. Chị có sức viết mãnh liệt, khi trong vòng 2 năm đã có 3 tập thơ, trong đó 2 tập thơ tình và 1 tập thơ học trò. Những bài thơ của chị đang trên trang cá nhân luôn nhận được sự yêu mến của độc giả, bởi nhiều người đã bộc bạch tìm thấy mình trong những bài thơ của Hạnh Loan.

“Sải cánh giữa chiêm bao, trước hết, đó là một giấc mơ đẹp về tình yêu, trong sự tự do phóng khoáng của ngôn từ và tiềm thức. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã gọi tập thơ của chị là “Một lối đi của hoa hồng”. Còn nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thì cho rằng, Hạnh Loan chính là một hiện tượng thơ trong 2 năm qua, khi các tập thơ chị ra mắt đã tạo nên cơn sốt sách trên mạng và được độc giả yêu mến .

Sải cánh giữa chiêm bao có 72 bài thơ, 13 bài hát của các nhạc sĩ, Nghệ sĩ phổ thơ của Hạnh Loan và một số bài do chính chị tự phổ nhạc. Nhiều người biết, trước đó, vào năm 2001, Hạnh Loan từng là một ca sỹ bán chuyên nghiệp, từng đạt giải Nhì của tiếng hát Sao Mai Truyền hình khu vực Bắc Miền Trung và Tây Nguyên. Chính tình yêu với thơ ca, âm nhạc, đã chắp cánh cho tâm hồn của Hạnh Loan, để chị có thể có những trang thơ, tiếng hát, lời ca say đắm lòng người.

Nhà báo Hạnh Loan còn được biết đến là một ca sĩ bán chuyên, từng đạt giải Nhì cuộc thi Tiếng hát Sao Mai khu vực Miền Trung- Tây nguyên.
Nhà báo Hạnh Loan còn được biết đến là một ca sĩ bán chuyên, từng đạt giải Nhì cuộc thi Tiếng hát Sao Mai khu vực Miền Trung- Tây nguyên.

Trước hết, “Sải cánh giữa chiêm bao” không chỉ là một tập thơ nhiều cung bậc cảm xúc tình yêu. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận xét: Tôi luôn luôn nghĩ, thể thơ lục bát là thể thơ khó nhất đối với các nhà thơ viết tiếng Việt và đề tài khó nhất trong thơ ca là đề tài về tình yêu. Cái đầm lầy mà không ít các nhà thơ ở Việt Nam viết thơ tình thường bị sa vào, đó là thiếu sự suy tưởng về tình yêu mà thừa cảm xúc thông thường. Cái “đầm lầy” mà không ít các nhà thơ ở Việt Nam viết thơ tình thường bị sa vào đó là thiếu sự suy tưởng về tình yêu mà thừa cảm xúc thông thường.

Chính vì lẽ đó mà khi lướt qua tập bản thảo “Sải cánh giữa chiêm bao” của tác giả Nguyễn Thị Hạnh Loan tôi thực sự lo lắng. Với một tập thơ khá dày mà hầu hết là thơ tình thì quả là một thách thức với nhà thơ. Nếu lại nước mắt tràn trề, lại trái tim tan vỡ, lại bờ môi rách nát, lại thề nguyền sống chết vì tình yêu...thì quả là một nguy cơ dẫn đến sự thất bại.

Và thật may mắn, trong tập thơ Sải cánh giữa chiêm bao tác giả đã không sa vào cái “đầm lầy” ấy và vì thế tôi cũng không bị sa vào nó. Chị viết về tình yêu với nhiều cung bậc của cảm xúc, nhiều suy nghĩ về hạnh phúc lứa đôi, nhưng điều quan trọng nhất là mỗi bài thơ của chị đã gọi ra một điều gì đó của tình yêu bằng chính hình ảnh, hình tượng mà ngôn ngữ thi ca mang lại.”

Em nghĩ về anh trước kinh thành Huế

Tình yêu ta cũng tựa một vương triều

Lúc hưng thịnh thì lầu son gác tía

Khi suy vong thì tan nát, tiêu điều

( Nghĩ trước cổng kinh thành – Trích Sải cánh giữa chiêm bao)

Hoặc : Ta hiểu một điều . Đâu phải yêu là đi cùng trời cuối đất

Mà đơn giản chỉ là ta sống ở trong nhau

( Như là cổ tích – Trích Sải cánh giữa chiêm bao )

Nếu như trong Hãy nói yêu khi hoa hồng nở, Hạnh Loan có nói đến nhiều loài hoa hồng, thì trong tập thơ Sải cánh giữa chiêm bao, Hạnh Loan cũng làm thơ nhiều về các loài hoa lạ như Hoa xuyến chi, Hoa Xuyên tuyết, Hoa Tường vy. Hồn thơ đắm đuối, khát khao và si mê mãnh liệt của một nữ thi sĩ hoa hồng, nữ thi sĩ của tình yêu, khiến những câu thơ vừa hư ảo, vừa chân thành tha thiết và ám ảnh người đọc .

“Nếu trên trái đất không có tình yêu

Thì em tin Hoa Tường vy cũng không bao giờ nở…

Dẫu hoa biết một mai sẽ lụi tàn trước mộ

Cánh mỏng hoa rơi như một kiếp con người ..”

( Hoa tường vy – Trích Sải cánh giữa chiêm bao)

Hoa tường vy, một loại hoa họ của hoa hồng. Và hoa chính là cái cớ , rất duyên dáng để nữ thi sỹ khẳng định tình yêu là bất diệt, là nguyên nhân của sự sống và cái đẹp trên trái đất này : Anh đã đi xa như con gió cô đơn/Tường Vy nhớ anh nên âm thầm vương mãi/ Em biết dù anh có hóa thành cỏ dại/Vẫn muốn mãi được yêu nếu phải chết đi rồi… Hạnh Loan đã gọi tên được bằng thơ bằng những triết luận tình yêu sau những cảm xúc yêu đương muôn thuở và quen thuộc của con người.

Sải cánh giữa chiêm bao là một sự tiếp nối quan niệm của chị về tình yêu trong tập thơ Hãy nói yêu khi hoa hồng nở trước đó. Và đó không chỉ là thái độ vắt kiệt cho tình yêu, khao khát yêu thương mà còn là thái độ ứng xử đầy nhân văn, cao thượng và phóng khoáng trước tình yêu.

Thôi hãy ướp hương nồng xưa vào tóc

Nhẹ bước đi cho gió thổi hoang đàng

Đừng quay lại để rồi nhiều luyến tiếc

Ta với người vẫn mãi mãi cố nhân

( Cố nhân – Trích Sải cánh giữa chiêm bao )

Hạnh Loan tôn thờ tình yêu, tôn thờ sức mạnh kỳ diệu của tình yêu và với chị, yêu dù chỉ là một giây cũng bằng cả trăm năm, một giờ cũng sẽ là ngàn năm. Tình yêu là một tòa lâu đài hạnh phúc để cho trái tim yêu của người con gái được trú ngụ yên bình. Tình yêu với Hạnh Loan, cũng được nhìn dưới góc độ biện chứng, có tan hợp, có sum vầy có chia ly, nhưng dù thế nào, yêu và được yêu là hạnh phúc. Sầu đau hay oán hận sẽ là vô nghĩa bởi một điều đơn giản : Ta đã từng là tất cả của nhau. Bởi chị biết, cuộc đời là hữu hạn, vô thường. Bởi còn tình yêu là ta còn mãi trên đời, dù đến một ngày nào đó có tan rã thân xác, vẫn hóa thành ngọn gió tìm nhau:

Rồi tất cả sẽ tan vào mây khói

Trách chi tình lạc lối giữa nhân gian

Nếu lỡ hẹn ta đổ thành duyên phận

Mai tìm nhau trong đỉnh gió mây ngàn …

Nhiều người đọc thơ Hạnh Loan và cho rằng : Tình yêu trong thơ Hạnh Loan có bóng dáng của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu, đôi khi lại thiết tha đằm thắm như Xuân Quỳnh, nhưng vẫn mang nét riêng của Hạnh Loan, người phụ nữ hiện đại ngày nay. Thơ Nguyễn Thị Hạnh Loan là trái tim đàn bà giàu nữ tính, luôn sẵn sàng vắt kiệt cho tình yêu, dù đó là hạnh phúc, hay đau khổ, tuyệt vọng. Dẫu kết cục ra sao thì vẫn còn đôi mắt mở to bình thản trong giã từ, có sự ngạt thở của nhớ thương…Và cho dù bông hoa tình yêu đã hết mùa, rã cánh, tình yêu vẫn còn như câu thơ viết về hương thơm vẫn theo người con gái mãi mãi… Bởi tình yêu có quy luật kỳ diệu của trái tim : Hoa đã thuộc về mùa cũng như em mãi thuộc về anh.

Tình yêu với thơ ca, âm nhạc, đã chắp cánh cho tâm hồn của nữ nhà báo Hạnh Loan, để chị có thể có những trang thơ, tiếng hát, lời ca say đắm lòng người.
Tình yêu với thơ ca, âm nhạc, đã chắp cánh cho tâm hồn của nữ nhà báo Hạnh Loan, để chị có thể có những trang thơ, tiếng hát, lời ca say đắm lòng người.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có nhận xét tinh tế về thủ pháp nghệ thuật trong thơ Hạnh Loan :” Nguyễn Thị Hạnh Loan thường xuyên có những câu thơ cuối rất quan trọng của khổ thơ hay của bài thơ. Nói như nhiều nhà phê bình là những câu thơ trước những câu thơ đó là dây cháy còn câu cuối là thuốc nổ. Ông cho rằng, Hạnh Loan đã tìm được lối đi riêng, lối đi của hoa hồng, trong địa hạt thơ tình vốn rất khó khăn. Và ông khẳng định: Nếu không tìm ra một lối đi riêng thì thi ca sẽ chết vì mọi thứ có trong vũ trụ này đã quen thuộc tưởng như không còn gì nói thêm nữa.

Có lẽ vì vậy mà thơ Nguyễn Thị Hạnh Loan chinh phục được trái tim người đọc, có lẽ bởi vì, chị nói rất giản dị về những quy luật của trái tim, bằng chính tâm hồn của người đàn bà yêu, nồng nàn, đẹp và đầy kiêu hãnh. Cuốn sách Sải cánh giữa chiêm bao chưa ra mắt nhưng đã có lượng bạn đọc đặt mua lớn, điều đó nói lên, thơ Hạnh Loan thật sự có chỗ đứng trong lòng độc giả yêu thơ. Nữ thi sĩ cũng cho biết: Việc xuất bản sách online qua mạng giúp chị có thể tương tác với những độc giả yêu thơ mình,và với chị, độc giả chính là động lực của sự sáng tạo.

Văn Dũng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm