NTK Lan Anh năng động, trẻ trung trong chương trình Miss Auto
(Dân trí) - Lần đầu tham gia một chương trình truyền hình thực tế, với NTK Lan Anh không chỉ là để trải nghiệm về vùng đất mới mà còn là để khám phá khả năng của chính bản thân mình.
Để được lựa chọn là gương mặt đại diện tham gia trải nghiệm cuộc thi Miss Auto, các thí sinh phải là những nữ doanh nhân năng động, có sự đam mê khám phá văn hóa, du lịch và có những hiểu biết nhất định để góp phần quảng bá những địa danh mà họ đi qua.
Chương trình trải nghiệm Hành trình khám phá văn hóa Miss Auto Việt Nam do Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam phối hợp tổ chức, được sản xuất theo định dạng truyền hình thực tế, tìm kiếm, rèn luyện, đào tạo và xây dựng nên những gương mặt đại diện về du lịch, văn hóa.
Trong suốt hành trình tham gia, nhiều tình huống, thử thách sẽ được đặt ra để thử thách sức bền và sự khéo léo, sáng tạo của thí sinh trong việc giải quyết tình huống. Ngoài ra, ở mỗi vùng đi qua, được tìm hiểu, khám phá thiên nhiên, đất nước, con người cũng góp phần vào việc nâng cao ý thức bảo tồn các giá trị về Di sản thiên nhiên và bản sắc văn hóa các địa phương cho khán giả.
Chuyến hành trình Miss Auto 2018 đã chọn Thanh Hóa là điểm đến đầu tiên, nơi hội đủ các giá trị thiên nhiên và văn hoá của khu vực Bắc Trung Bộ. Đây là một trong những nơi thể hiện rõ một bức tranh tổng thể về sự hình thành và phát triển của dân tộc Việt, từ khởi nguồn của nghề trồng trọt thời Vua Hùng với câu chuyên về quả dưa hấu Mai Văn Tiêm, đến làng nghề truyền thống cói Nga Sơn đã tạo ra chiếu cói nổi tiếng bao đời nay.
Trải nghiệm tại làng nghề chiếu cói Nga Sơn, các nhân vật đã có những thời khắc thú vị bên những nghệ nhân và người dân.
Với NTK Lan Anh, tham gia chương trình không chỉ để trải nghiệm sự đặc sắc của vùng miền mà còn là cơ hội để chị khám phá chính bản thân mình. Lâu nay, do bận rộn với việc kinh doanh, thiết kế thời trang nên chị không có nhiều điều kiện để thử sức mình ở những lĩnh vực khác. Tham gia cuộc thi, chị nhận thấy mình học hỏi được nhiều điều vì nó cũng khá gần với công việc thiết kế thời trang của chị. Đó là đi, tìm hiểu những đặc sắc văn hóa của vùng miền để ứng dụng vào các mẫu thiết kế, bộ sưu tập thời trang mới.
Trong thời gian trải nghiệm với hành trình, NTK Lan Anh nhận thấy, Nga Sơn có lợi thế về nguyên liệu nhưng mẫu mã sản phẩm từ cói lại chưa thực sự phong phú, chưa có những mặt hàng cao cấp từ cói. Trong khi đó, trên thị trường hiện nay đang có khá nhiều mặt hàng làm từ cói nhưng sử dụng đúng nguyên liệu từ Nga Sơn thì rất ít.
“Cói Nga Sơn thực sự rất đẹp. Sợi cói nhỏ, dài và mềm mại, óng mượt, nếu được đầu tư về mẫu mã nhiều hơn thì cơ hội phát triển làng nghề sẽ còn lớn hơn nữa. Ngay trong lúc tham gia chương trình, tôi có ý tưởng đưa cói vào các bộ sưu tập thời trang, bắt đầu bằng những phụ kiện như túi sách, mũ nón, thậm chí là cả giày dép... Thậm chí các sản phẩm này sẽ do chính nghệ nhân tài năng của Nga Sơn thực hiện”- NTK Lan Anh nói.
Ngay sau khi cuộc thi hoàn thiện việc ghi hình, chị đã bắt tay vào việc thiết kế và tìm kiếm đối tác để ý tưởng này sớm được xuất hiện trên thị trường thời trang Hà Nội.
PV