NSƯT Y Moan: “Tôi yêu tha thiết cuộc đời này...”
(Dân trí) - Từ giọng ca Y Moan, người ta biết nhiều hơn đến Tây Nguyên hùng vĩ, đến những thảo nguyên xanh bao la, đến núi cao rừng thiêng, đến những “giấc mơ Cha-pi” huyền thoại. NSƯT Y Moan chia sẻ với Dân trí về những tháng ngày ông nằm trên giường bệnh.
Tuy đang nằm trên giường bệnh, đang phải chiến đấu từng ngày với căn bệnh ung thư thượng vị dạ dày, NSƯT Y Moan đã dành ít phút trò chuyện với phóng viên Dân trí. Có thể cảm nhận được sự mệt mỏi trong giọng nói của người nghệ sỹ, nhưng trên tất cả, vẫn là niềm lạc quan, tình yêu tha thiết với cuộc sống của ông. “Giọng ca của đại ngàn” vẫn muốn được hát, được đứng trên sân khấu, được cháy hết mình với khán giả một lần nữa. Chỉ đến khi nhắc đến nhạc sỹ Nguyễn Cường, NSƯT Y Moan đã bật khóc...
Rất đông độc giả đã bày tỏ nỗi buồn, sự sẻ chia khi nghe tin “giọng ca của đại ngàn” lâm bệnh phải tiến hành phẫu thuật tại bệnh viện Ung bướu TPHCM. Có lẽ, chính trong những ngày này, ông cảm nhận sâu sắc nhất về tình cảm khán giả dành cho mình. Những cảm nhận ấy liệu có thể diễn tả bằng lời?
Tôi xúc động lắm. Tôi đã đau 2 tháng nay. Tình cảm mọi người dành cho tôi, tôi rất cảm ơn.
Cha tôi vẫn nói với tôi, khi mình sống giống như người đi gieo hạt giống. Gieo cây nào mọc cây ấy. Cuộc đời, khi ta gieo ác gặt ác, gieo bão gặt bão, gieo bạn gặt bạn, gieo niềm vui sẽ gặt niềm vui. Thế hệ chúng tôi lớn lên và đã sống như những người đi gieo hạt giống. Không như giới trẻ bây giờ, nhiều kẻ ăn bánh bỏ vỏ.
Tôi vẫn nhớ khi tôi ra Bắc, lúc ấy người Bắc chưa biết nhạc rock là gì, tôi đã cất tiếng hát. Khi tôi hát, có người bảo “Tại sao cái thằng dân tộc này hát tốt thế nhỉ?”. Thực ra, mọi người không biết đấy thôi, bẩm sinh của người dân tộc chúng tôi là ca hát, chúng tôi hát tốt như thế bẩm sinh, và chính vào lúc ấy, tôi đã gieo hạt giống cho dân tộc mình.
Mỗi ca sỹ đều có lý do riêng để theo đuổi nghiệp hát. Có người đi hát để nổi tiếng, có người đi hát để kiếm tiền, có người ca hát vì đam mê... Liệu ông có lý do riêng của mình?
Lý do là vì, tôi yêu cuộc sống. Tôi yêu Tây nguyên. Tôi yêu bản làng của mình. Trước đây, người ta cứ nghĩ về Tây nguyên là nghĩ đến những người dân tộc thiểu số sống nghèo khổ, có khi còn nghĩ quê hương chúng tôi có lẽ chỉ toàn ruồi muỗi, sốt rét. Nhưng khi tôi hát, tôi đã cho mọi người thấy hình ảnh thực sự về quê hương mình.
Tôi đã cho mọi người thấy, ở Tây nguyên chúng tôi có những bài hát hay, ở đây chúng tôi có những người tài giỏi, hiếu học, chúng tôi là cao nguyên với ánh sáng văn minh, chúng tôi yêu thương nhau và tự hào về bản làng mình, tự hào về vùng đất nắng gió mà chúng tôi đã lớn lên.
Tôi đã đi khắp nơi, ở cả nước ngoài, đi đâu tôi cũng nói với mọi người “Mọi người có biết dân tộc nào trên thế giới đánh chiêng giỏi nhất, nhanh nhất không? Đó là dân tộc Ê-đê”. Đâu phải tự nhiên mà cồng chiêng Tây Nguyên trở thành di sản văn hóa phi vật thể?
Ở Tây Nguyên có những thảo nguyên bao la, có những cánh rừng cà fê bạt ngàn nắng gió, có hoa pơ-lang nở trắng... Đẹp lắm! Tôi đã hát về Tây Nguyên chỉ vì muốn cả thế giới biết đến Tây Nguyên, tôi muốn ở đâu người ta cũng biết, Tây Nguyên đẹp như thế nào.
... Nghe giọng kể có thể cảm nhận được, ông yêu cuộc sống, yêu Tây Nguyên không chỉ trong lời hát. Tình yêu ấy chảy từ trong máu thịt, từ trong nghĩ suy, trong hơi thở...
Tôi yêu lắm. Tôi yêu tha thiết cuộc đời này. Mai mốt nếu có nhắm mắt xuôi tay tôi vẫn thấy tự hào vì đã là dân tộc Ê-đê, tự hào đã được hát về dân tộc, về bản làng của mình.
Văn hóa dân tộc rất quan trọng. Con người phải sống có cội nguồn, và ý thức về cội nguồn được gây giống từ những người gieo hạt. Tây Nguyên với tôi là huyền thoại.
Y Moan là biểu tượng của Tây Nguyên, giọng hát của ông thuộc về Tây Nguyên và là tất cả những gì Tây Nguyên nhất. Điều ấy có được là do ông đã thấm đẫm văn hóa quê hương, hay là nhờ những ca khúc đầy sắc thái Tây Nguyên của nhạc sỹ Nguyễn Cường?
Người thầy ấy... (lặng đi). Người thầy ấy vừa là anh, vừa là cha, vừa là người bạn lớn của tôi. Mẹ tôi cũng đã đau mấy năm nay. Từ khi mẹ tôi đau đến khi tôi vào bênh viện, thầy đã lo quá nhiều cho gia đình tôi. Thầy còn lo cho cả con tôi. Thầy quá tốt. Tôi yêu lắm... (nghẹn ngào).
Thầy đã không chỉ dạy tôi hát, thầy còn dạy cho tôi cách sống. Thầy không biết làm kinh tế, so với những nhạc sỹ khác, thầy khá vất vả. Vậy mà, thầy chăm lo hết mực cho gia đình tôi...
Qua đây, tôi muốn gửi tới cảm ơn thầy, cảm ơn khán giả, cảm ơn những nghệ sỹ Việt Nam đã chia sẻ tình cảm lớn với tôi. Tôi vẫn yêu cuộc đời này lắm. Và mong cho tất cả mọi người cũng yêu cuộc sống như thế.
Nhạc sỹ Nguyễn Cường và con trai ông- ca sỹ Y Vol đang chuẩn bị làm liveshow cho ông tại Hà Nội, trong tháng 7 này. Với sức khỏe hiện tại, liệu khán giả yêu mến “giọng ca của đại ngàn” có thể hy vọng vào một đêm nhạc vẫn bùng cháy những “Giấc mơ cha-pi”, “Đi tìm nữ thần mặt trời”...?
Về sức khỏe, tôi không đau nhiều nữa. Nhưng có điều, tôi không ăn được, ăn gì cũng không vào. Tôi thèm một bữa cơm rau muống, thèm ăn một trái cà muối dưa biết mấy. Tây Nguyên đang vào mùa bắp. Tôi chẳng thèm cao lương mỹ vị. Chỉ thèm một bữa cơm giản dị, hoặc giản đơn là một trái bắp luộc thơm hương.... (lặng đi)...
Nhưng dù thế nào, tôi sẽ hát chứ. Gì chứ 10 bài tôi hát được. Tôi sắp ra album, Trở về buôn làng xưa. Tôi sẽ phải hát. Tôi sống là để hát về tình yêu, hát về bản làng, hát về dân tộc mình. Tôi mong sẽ được hát lần nữa, cho dù có phải chết trên sân khấu cũng vui lòng.
Họ và tên: Y Moan Ngày sinh: 06/9/1954 Dân tộc: Ê Đê Nơi cư trú: Đắc Lắc
Sinh ra tại buôn Dhă, xã Lạc Giao, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk trong gia đình dân tộc Ê Đê nghèo có 7 anh em. Y Moan có tài năng ca hát từ nhỏ, năm học hết lớp 7, anh đã theo đoàn văn công vì sự đam mê ca hát và trở thành ca sĩ chính của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Đắk Lắk. Đến năm 1979, anh ra Bắc học ở Nhạc viện Hà Nội. Đây cũng là bước ngoặt lớn nhất trong đời anh. Gặp nhạc sỹ Nguyễn Cường, người thầy đã phát hiện ra tố chất cao nguyên hùng vĩ trong con người Y Moan và đưa anh tới với khán giả bằng khí chất cao nguyên dữ dội mà sâu lắng ấy. Từ đây, khán giả yêu âm nhạc Việt Nam biết đến một Y Moan với tất cả những gì Tây Nguyên nhất. Từ giọng ca Y Moan, người ta biết nhiều hơn đến một Tây Nguyên hùng vĩ, đến những thảo nguyên xanh bao la, đến núi cao rừng thiêng, đến những “giấc mơ cha-pi” huyền thoại. Y Moan được nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT từ năm 1987. Tháng 5/2010, sau những cơn đau triền miên, gia đình đưa NSƯT Y Moan vào bệnh viện Ung bướu TPHCM. Các bác sỹ kết luận, Y Moan bị ung thư thượng vị dạ dày và đã di căn. Bệnh viện trả về, nhưng gia đình vẫn giấu không cho Y Moan biết. Những ngày này, tuy không ăn uống được gì, tuy trong người mệt mỏi, Y Moan vẫn sẻ chia nhiệt thành về tình yêu cuộc sống, tình yêu cao nguyên và mong ước lớn nhất của người nghệ sỹ vẫn là được hát, được hát mãi về Tây Nguyên bao la, về bản làng yêu dấu. “Ở nơi ấy, đàn dê trắng nhởn nhơ quanh đồi, một mái tranh nghèo, một nhà sàn đơn sơ. Ở nơi ấy, họ đã sống cuộc sống yên bình, ai nghèo cũng có cây đàn Cha-pi... ” |
Hiền Hương