NSƯT Mạnh Dung tham gia vở đại nhạc kịch trên sông Sài Gòn
(Dân trí) - ông Ba bắt rắn trong phim "Đất rừng Phương Nam" sẽ đảm nhận vai trò người dẫn chuyện tại chương trình Dòng sông kể chuyện mùa 2 - "Chuyến tàu huyền thoại" diễn ra tối 31/5 trên sông Sài Gòn.
Nằm trong khuôn khổ Lễ hội sông nước TPHCM lần 2 năm 2024, chương trình nghệ thuật đặc biệt Dòng sông kể chuyện mùa 2 với chủ đề Chuyến tàu huyền thoại sẽ diễn ra tối 31/5 tại Khu Nhà Rồng Khánh Hội - Cảng Sài Gòn.
Theo bà Lê Hải Yến, Tổng đạo diễn chương trình thì Dòng sông kể chuyện mùa 2 - Chuyến tàu huyền thoại sẽ tái hiện và tôn vinh lịch sử hào hùng của sông Sài Gòn thông qua câu chuyện về những chuyến tàu. Đây sẽ là một vở đại nhạc kịch ngoài trời lần đầu tiên được tổ chức trên sông Sài Gòn, kết hợp giữa yếu tố điện ảnh, âm nhạc và vũ kịch...
Chương trình quy tụ gần 1.000 diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng tham gia. Các diễn viên vào vai những nhân vật lịch sử đều được lựa chọn tỉ mỉ và cẩn trọng.
Đặc biệt, các diễn viên trong vai lãnh tụ như "anh Ba" (NSƯT Trần Tuấn Lin đảm nhận), vai bác "Tôn Đức Thắng" (nghệ sĩ Hồ Giang Bảo Sơn đảm nhận) đều trải qua các quy trình kiểm tra khắt khe về lý lịch, nhân thân, quá trình công tác và đóng góp cho sự nghiệp chung. Hay như NSƯT - Nhà giáo Ưu tú Mạnh Dung vào vai người ông kể các câu chuyện trong chương trình.
Bản thân các nghệ sĩ bày tỏ, họ cảm thấy vinh dự, tự hào khi được góp sức cho bộ phim "bom tấn" về lịch sử đấu tranh, xây dựng và phát triển TPHCM, thắp lên ngọn lửa tình yêu và tự hào về thành phố, quảng bá vẻ đẹp thành phố, vẻ đẹp đất nước.
Đảm nhận vai người ông - nhân vật kể chuyện - kết nối 5 chương trong chương trình gồm: Hạ thủy, Cập bến, Ra khơi, Dậy sóng và Vươn xa; NSƯT Mạnh Dung cũng chính là một" nhân chứng sống", một trong những người có mặt trên chuyến tàu Sông Hương, chuyến tàu đầu tiên nối liền hai miền Nam - Bắc năm 1975.
Ông cũng là diễn viên quen thuộc với nhiều thế hệ khán giả, trong đó, ông để lại ấn tượng sâu sắc với nhân vật ông Ba bắt rắn trong phim truyền hình Đất phương Nam. Ở tuổi ngoài 80, "ông già Nam bộ" vẫn khỏe mạnh, minh mẫn và vẫn giữ lửa với nghệ thuật, thỉnh thoảng nhận vai diễn khi có kịch bản phù hợp.
NSƯT Mạnh Dung cho biết, ông nhận lời tham gia chương trình ngay sau khi đọc kịch bản vì thấy đây là câu chuyện rất giá trị để nhắn gửi thế hệ sau này, rằng để có hiện tại chúng ta được sống trong đất nước hòa bình, cơm no áo ấm, thì trước đây đã có biết bao thế hệ đã hi sinh.
"Không chỉ riêng TPHCM mà khắp cả nước hình chữ S, đã có biết bao thế hệ, bao chiến sĩ hi sinh trên các nẻo đường, trên mọi miền Tổ quốc trong đó các dòng sông là những chứng nhân lịch sử quan trọng.
Kịch bản không chỉ mang lại giá trị nghệ thuật mà còn mang tầm tư tưởng lớn khi đưa vào hình tượng vị lãnh tụ Việt Nam mình luôn kính trọng, yêu thương, đó chính là bác Hồ, bác Tôn...
Tôi thấy may mắn khi có duyên tham gia chương trình đúng dấu mốc 49 năm - tôi là một trong những người có mặt trên chuyến tàu Sông Hương năm 1975 từ Hải Phòng tới cảng Nhà Bè. Tàu Sông Hương là con tàu đầu tiên chở 541 cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết trở về tiếp quản miền Nam sau ngày giải phóng.
Tôi hi vọng những người làm chương trình sẽ giúp khán giả hình dung rõ nét nhất quá trình đấu tranh, xây dựng và phát triển TPHCM, qua việc kết hợp điện ảnh, âm nhạc, công nghệ trình diễn....
Vẻ đẹp của dòng sông Sài Gòn, vẻ đẹp của thành phố hiện đại hôm nay thông qua nghệ thuật, điện ảnh hóa, sân khấu hóa cũng sẽ thể hiện được mong muốn của Bác năm xưa là xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", ông chia sẻ.