NSND Như Quỳnh xúc động kể về ngày cuối đời của bố - NSƯT Tiêu Lang
(Dân trí) - NSND Như Quỳnh - con gái của NSƯT Tiêu Lang - chia sẻ rằng, bố bà ra đi thanh thản, không nuối tiếc điều gì. Nữ nghệ sĩ và gia đình đã báo hiếu, chăm sóc bố đến hơi thở cuối cùng.
Sáng 7/1, Nhà hát Cải lương Việt Nam cùng gia đình đã tổ chức tang lễ cho NSƯT Tiêu Lang - bố của NSND Như Quỳnh - tại Nhà tang lễ Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô (Trần Khánh Dư, Hà Nội). Nghệ sĩ gạo cội qua đời sáng 3/1 vì tuổi cao, sức yếu, hưởng thọ 97 tuổi.
Tang lễ của NSƯT Tiêu Lang diễn ra trong không khí giản dị mà trang trọng. Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và một số nghệ sĩ, học trò cùng người thân lặng lẽ vào viếng, tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng.
NSND Như Quỳnh: "Chúng tôi đã chăm sóc bố đến hơi thở cuối cùng"
Trong đám tang của bố, NSND Như Quỳnh đứng lặng lẽ, trầm tư. Bà xúc động chia sẻ với phóng viên Dân trí về những ngày cuối đời của NSƯT Tiêu Lang.
Nữ nghệ sĩ gạo cội cho biết, trước khi qua đời, bố bà nhập viện cấp cứu ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô một tuần. Ông ra đi thanh thản và nhẹ nhàng.
"So với mẹ tôi (nghệ sĩ cải lương Kim Xuân - PV), sức khỏe của bố tốt hơn do thời trẻ thường xuyên tập thể dục, rèn luyện thể thao như bơi lội, tập xà…
Trước khi nhắm mắt, bố tôi không có nguyện vọng gì bởi cuộc đời của ông bà khá viên mãn. Con cháu trong nhà đều trưởng thành, ổn định, con trai con gái theo nghề diễn viên. Tuy nhiên, đây vẫn là nỗi mất mát không thể bù đắp với tôi và gia đình", NSND Như Quỳnh xúc động nói.
NSND Như Quỳnh chia sẻ thêm, bố mẹ có ảnh hưởng rất lớn tới sự nghiệp và cuộc sống của bà.
Bà nói mình là con nhà nòi, bố mẹ đều làm nghệ thuật nên hướng cho mình làm diễn viên từ nhỏ. Vì vậy, bố mẹ cũng là người có ảnh hưởng rất lớn tới quá trình làm nghề cũng như sự trưởng thành của nữ nghệ sĩ.
"Hơn nữa, cuộc sống và nhân cách của bố mẹ là tấm gương lớn cho con cháu, tạo truyền thống văn hóa trong gia đình. Chúng tôi đã báo hiếu, chăm sóc bố mẹ đến hơi thở cuối cùng", NSND Như Quỳnh tâm sự.
NSND Như Quỳnh cũng cho biết, bà may mắn khi có nhiều thời gian bên bố những ngày cuối đời, không vướng lịch quay bộ phim Không thời gian.
"Vài ngày nữa, tôi có lịch quay phim Không thời gian ở Mộc Châu. May mắn, thời gian trống lịch cũng là lúc bố tôi yếu và qua đời. Chẳng may, tôi nhận tin bố mất lúc đang quay phim cũng rất khó xử. Không ai có thể tập trung khi biết tin người thân qua đời. Nếu tạm dừng cũng ảnh hưởng tới ê-kíp", nữ nghệ sĩ nói.
NSND Triệu Trung Kiên: "Ấn tượng khó quên về giọng của NSƯT Tiêu Lang"
NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam - có mặt trong tang lễ NSƯT Tiêu Lang và bày tỏ: "Ông mất đi để lại trong lòng con cháu cùng các dâu rể nỗi tiếc thương vô hạn. Đồng nghiệp nhớ thương ông, khán giả ái mộ sẽ mãi còn nhắc đến tên ông".
NSND Triệu Trung Kiên chia sẻ thêm, trong suốt mấy chục năm làm nghề, NSƯT Tiêu Lang đã từng đóng góp tài năng, công sức và trí tuệ cho các đơn vị: Đoàn Cải lương Chuông Vàng; Đoàn Cải lương Nam bộ; Nhà hát Cải lương Trung ương.
Trong đó, giọng ca vàng trầm ấm, ngọt ngào của ông trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam đã làm say lòng không biết bao nhiêu khán thính giả mọi miền Tổ quốc.
"Bài ca cải lương Đài hoa dâng Bác, ngoài dấu ấn tài hoa của danh ca Út Trà Ôn, thì còn phải nhắc đến một ấn tượng khó quên về giọng ca của NSƯT Tiêu Lang.
Không chỉ đóng góp về chuyên môn, NSƯT Tiêu Lang cũng từng đảm nhiệm công tác quản lý khi được Ban lãnh đạo Nhà hát Cải lương Trung Ương phân công làm Trưởng Đoàn Nghệ thuật 1", Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam nói.
NSND Trung Kiên cho rằng, cuộc sống và nhân cách của vợ chồng nghệ sĩ tài danh Tiêu Lang và Kim Xuân là tấm gương lớn cho con cháu trong việc tạo dựng một môi trường gia đình có truyền thống văn hóa.
Ngôi nhà của ông bà luôn đầy ắp yêu thương. Đáp đền ơn nghĩa sinh thành, những người con hiếu thảo của ông bà cũng đã tận tình chăm sóc cha mẹ cho đến hơi thở sau cùng.
NSƯT Tiêu Lang, tên thật là Nguyễn Văn Lộc sinh năm 1929 tại huyện Thanh Trì Hà Nội, là em ruột nghệ sĩ cải lương Kim Chung - bà bầu nổi tiếng một thời từng là chủ rạp hát Kim Chung (sau đổi tên là rạp Tiếng Chuông Vàng Thủ đô), và là chủ của nhiều đoàn hát nổi tiếng ở Sài Gòn những thập niên 60,70 của thế kỷ 20.
Khi trưởng thành, ông kết hôn với nữ diễn viên tài sắc Kim Xuân và trở thành cặp nghệ sĩ tài danh, ăn ý Tiêu Lang - Kim Xuân làm say lòng giới mộ điệu trong nhiều thập kỷ.
NSƯT Tiêu Lang được khán giả cả nước nhớ đến với những vai diễn như Kim Trọng trong vở Kiều, Dư Bình trong vở Dệt gấm, Võ Nguyên Giáp trong vở Người công dân số một, Trần Khánh Dư của Khuôn mặt đời Trần, Sáu Thiệt trong vở Chiếc nhẫn ngọc, Lão Ram trong vở Ngày mai hắn chết.. và rất nhiều vai diễn xuất sắc khác.
Trong kháng chiến chống Mỹ, ông cùng nhiều đồng nghiệp đã dũng cảm lao vào tuyến lửa Quảng Trị để phục vụ văn nghệ cho chiến sĩ và nhân dân vùng giải phóng.
Ông được tặng thưởng nhiều Huy chương trong các kỳ Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc. Với những đóng góp nổi bật, ông được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT.
NSƯT Tiêu Lang sống trong một căn nhà nhỏ - số 46b phố Bát Đàn, Hà Nội. Tại đây, ông và vợ đã nuôi dạy ba người con thành đạt. Các con của ông có người đi theo nghệ thuật như: Nghệ sĩ xiếc Tiến Dũng, diễn viên điện ảnh, NSND Như Quỳnh; có người theo nghiệp làm giảng dạy như Thạc sĩ Anh ngữ Như Hoa.