NSND Hà Thủy nói về danh xưng "phù thủy âm nhạc", kể về Hồ Quỳnh Hương
(Dân trí) - NSND Hà Thủy từng áp lực khi được gọi là "phù thủy âm nhạc". Ngoài đời, bà rất vui tính và thân thiện.
NSND Hà Thủy được học trò hết mực yêu quý vì luôn là hậu phương vững chắc và thầm lặng, đồng hành giúp nhiều học trò thành công.
Với hơn 30 năm giảng dạy thanh nhạc, bà là cô giáo của các ca sĩ nổi tiếng như: NSND Phạm Phương Thảo, Hồ Quỳnh Hương, Hương Tràm, Văn Mai Hương, Hoàng Quyên, Chu Thúy Quỳnh…
Mới đây, bà được các học trò tổ chức đêm nhạc tri ân nhân ngày 20/11 tại Hà Nội.
Chia sẻ về cảm xúc sau đêm nhạc, NSND Hà Thủy cho biết, bà vui và xúc động khi các học trò - nhiều người là ngôi sao nổi tiếng - tổ chức đêm nhạc cho mình.
"Có lẽ, tôi là cô giáo hạnh phúc nhất khi được nhiều ca sĩ làm riêng một đêm nhạc cho mình. Có thể, khán giả biết nhiều học trò của tôi nhưng chưa biết người đứng sau đẩy các bạn lên cao là ai. Đêm nhạc sẽ là dịp cô trò hội tụ, gặp gỡ và... nói xấu nhau", nữ nghệ sĩ hài hước cho biết.
NSND Hà Thủy cũng có nhiều kỷ niệm với ca sĩ Hồ Quỳnh Hương. Bà nói, ban đầu bà không được phân công dạy lớp của ca sĩ đất Mỏ.
Nhưng sau một học kỳ, Hồ Quỳnh Hương xin chuyển sang lớp bà, vì thế cô trò mới có dịp gặp nhau và bà đã truyền nhiều kỹ năng, kiến thức âm nhạc cho học sinh của mình.
"Hương xin sang lớp tôi là ngẫu nhiên. Ngay khi chuyển lớp, tôi đã phát hiện ra ở Hương có những yếu tố đặc biệt. Giọng hát Hương luôn có sự say đắm, có cảm xúc hơn mọi người. Và cũng vì chăm chỉ nữa nên Hương đã thành công như ngày hôm nay", NSND Hà Thủy kể lại.
Nữ nghệ sĩ cho biết, dù dạy nhiều học trò nhưng quãng thời gian dạy ca sĩ Chu Thúy Quỳnh khiến bà nhớ mãi.
Bà Hà Thủy nói, dù nhà chỉ cách trường có 4-5 km nhưng Chu Thúy Quỳnh thường xuyên đi học muộn khiến bà rất khó chịu. Nhưng khi tìm hiểu bà mới biết, Thúy Quỳnh có hoàn cảnh rất khó khăn khi cả gia đình 3 thế hệ ở trong một căn tập thể cũ, chật chội.
Bố Quỳnh bị ung thư, phải bán xe máy lo thuốc thang. Cả nhà chỉ có một chiếc xe đạp để mẹ đi làm vì vậy, chị em Thúy Quỳnh phải đi bộ đến trường.
"Tôi thấy mình đã trách nhầm học trò nên quan tâm đến cô bé ấy hơn. Sau đó một thời gian, bố của Quỳnh mất. Tôi lấy quần áo của các con cho Quỳnh mặc. Nhà có chiếc xe máy cũ, tôi cũng đưa cho em ấy để có phương tiện đi lại dễ dàng hơn.
Nhờ chiếc xe ấy mà cô bé có thể giúp đỡ mẹ. Ngoài việc học, Quỳnh còn đi giao hàng giúp mẹ nên cuộc sống dần khá hơn", NSND Hà Thủy nhớ lại.
Nữ nghệ sĩ nói thêm, Chu Thúy Quỳnh hiện có cuộc sống ổn định, mua được chung cư mới, lo được cho mẹ và em.
"Có lần, tôi bảo Quỳnh: "Hồi cô cho xe máy là lúc cô giàu, bây giờ cô nghèo rồi". Chu Thúy Quỳnh nói: "Em mua ô tô tặng cô nhé". Nhưng tôi chỉ muốn học sinh sống tốt hơn mà không cần các em trả ơn hay tặng hàng hiệu, tiền bạc...", bà Hà Thủy thành thật.
Khi phóng viên Dân trí hỏi: "Được nhiều người gọi là "phù thủy âm nhạc" khi đứng sau thành công của nhiều ca sĩ nổi tiếng, bà có áp lực?".
NSND Hà Thủy nói, bà vui vì được nhiều người tin tưởng nhưng cũng áp lực vì có thời điểm, học trò của bà liên tục giành giải cao trong các cuộc thi âm nhạc.
"Học sinh khẳng định được mình, tức là khẳng định được tên tuổi của cô giáo. Vì thế, tôi càng nỗ lực, tiếng nói của mình phải chuẩn thì nhiều người mới phục. Học sinh thành công là bàn tay vỗ vào ngực cô giáo, để cô bước đi vững chắc và tự hào hơn", bà Thủy chia sẻ.
Nữ nghệ sĩ cho biết thêm, học trò của bà có 4 người được phong tặng Nghệ sĩ nhân dân, 10 người nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, 15 ca sĩ hoạt động ở trong showbiz…
"Khi dạy âm nhạc, tôi cũng chỉ bảo các học trò của mình về cách sống, đạo đức nghề nghiệp. Tôi luôn dạy các em làm người trước khi làm nghề. Tôi vui vì tất cả các em đều yêu mến mình, không có ai quay lưng với cô giáo", Hà Thủy tâm sự về cách dạy học trò.
NSND Hà Thủy (SN 1960), ở Lào Cai. Bà theo đuổi ca hát từ năm 17 tuổi và dành thời gian học tập tại các trường như: Trung cấp Nghệ thuật Quân đội (nay là Đại học Nghệ thuật Quân Đội) và khoa Thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).
Từ năm 1992, nghệ sĩ Hà Thủy chuyển sang công tác ở khoa Ca múa nhạc, Trường Đại học Nghệ thuật Quân Đội với vai trò giảng viên thanh nhạc. Từ năm 2014, nữ nghệ sĩ là Chủ nhiệm khoa Thanh nhạc, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
Vào tháng 3 năm nay, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.