1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Những người lớn “kỳ quặc” trong chương trình Con Đã Lớn Khôn

(Dân trí) - Đứng trước một đứa trẻ, bất kỳ người lớn nào cũng có cảm giác muốn chở che, bảo vệ. Tuy nhiên những người lớn xuất hiện trong chương trình truyền hình thực tế Con Đã Lớn Khôn lại không như thế.

Con Đã Lớn Khôn là chương trình truyền hình thực tế đầu tiên tại Việt Nam dành cho các bé trong độ tuổi mầm non. Sau 2 năm tiếp cận công chúng, đến thời điểm hiện tại, song song với những thành công, sự ủng hộ của phần lớn khán giả, vẫn có không ít ý kiến phản đối nội dung chương trình bởi việc đưa những đứa trẻ ở độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới ra khỏi vòng tay của bố mẹ, đối mặt với những mối nguy hiểm từ giao thông, người lạ là vô cùng lạ lẫm và khó chấp nhận với văn hóa của người Việt.
 
Những người lớn “kỳ quặc” trong chương trình Con Đã Lớn Khôn


 

Những người thực hiện chương trình giải thích rằng sẽ không hề có một mối nguy hiểm nào xảy ra bởi luôn có một đội từ 15 đến 20 người bí mật bám sát và bảo vệ các bé tham gia chương trình. Tuy nhiên trong mắt của các bé thì những người thuộc đội bảo vệ này có lẽ là những người lớn “kỳ quặc” nhất.

 

Theo lẽ thông thường, khi gặp khó khăn, hoặc khi xảy ra sự cố, phản ứng đầu tien của hầu hết các bé sẽ là cầu cứu người lớn. Gần thì bố mẹ, ông bà, xa hơn là những người bé quen biết, hoặc nếu trong tình trạng “một mình” như khi đang tham gia Con Đã Lớn Khôn thì sẽ là bất kỳ người lớn nào các bé nhìn thấy trên đường.

 

Và cũng theo lẽ thông thường, khó có người lớn nào có thể từ chối việc giúp đỡ một đứa trẻ. Vậy mà những người thực hiện chương trình Con Đã Lớn Khôn đã hầu như luôn “làm ngơ” trước những lời nhờ vả của các bé. Vậy đâu là nguyên nhân?
 
Những người lớn “kỳ quặc” trong chương trình Con Đã Lớn Khôn

 

Trong các văn bản chính thức của mình, ban tổ chức Con Đã Lớn Khôn luôn nhấn mạnh mục đích chính của chương trình là ghi lại quá trình đứa trẻ tự mình vượt qua những khó khăn, nỗi sợ hãi, qua đó thể hiện sự lớn khôn của mình. Như vậy đã rõ, những người thực hiện chương trình đang chống lại những thói quen thường thấy, buộc các bé rơi vào tình huống “cái khó ló cái khôn”. Nhưng thực tế liệu có được như vậy?

 

Không ít ý kiến cho rằng việc buộc các bé thực hiện những nhiệm vụ khó khăn, xử lý các tình huống rắc rối, đối mặt với những mối lo lắng như khi lạc đường, gặp chó, rơi mất đồ, lạc mất em….sẽ tác động nặng nề tới tâm lý của trẻ, khiến đứa trẻ rơi vào trạng thái luôn hoang mang, lo sợ, thậm chí lo lắng bị bố mẹ bỏ rơi.

 

Về điều này, ban tổ chức Con Đã Lớn Khôn cho biết, việc lựa chọn, trao đổi chi tiết và thống nhất nội dung chương trình với gia đình đóng một vai trò rất quan trọng. Bên cạnh đó ekip thực hiện cũng đã tìm hiểu kỹ tính cách của các bé tham gia chương trình trước khi tiến hành ghi hình.

 

Đến thời điểm hiện tại với gần 300 bé tham gia chương trình, ban tổ chức đều giữ liên lạc và chưa nghe bất kỳ phụ huynh nào phàn nàn về những điều trên, trái lại, những chia sẻ về việc bé hào hứng, tự tin hơn sau khi tham gia chương trình là rất nhiều, hầu hết các bé đều xem việc tham gia chương trình là một chứng nhận cho việc “đã lớn khôn” của mình.

 

Có thể nói thành công của Con Đã Lớn Khôn có một phần rất lớn phụ thuộc vào việc “làm ngơ” của đội bảo vệ hiện trường, những người có thể gọi là “người lớn kỳ quặc”. Tuy nhiên với những điều mà chương trình này đã làm được, liệu có nên chăng việc các ông bố bà mẹ cũng thử một lần làm người lớn kỳ quặc với các con của mình?
 
KM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm