Những bí mật trong ngôi mộ cổ ở Nhật Tân, Hà Nội

7 giờ hôm 7/5, các thành viên trong đoàn khảo cổ thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành khai quật ngôi mộ cổ hợp chất, được phát hiện cách đây hơn 10 ngày tại Nhật Tân.

Hàng trăm người dân ở các khu vực lân cận đã đổ xô đến xem khai quật ngôi mộ. Sau hơn 1 tiếng đào, phần chân của ngôi mộ lộ ra. Mộ được xây dựng khá đặc biệt: Quan tài và lớp quách ngoài liền khít với nhau, phía trên được che kín bằng một lớp đá mu rùa.

Hơn 1 tiếng sau, xác ướp được lấy khỏi quách. Toàn bộ lớp da của xác ướp vẫn chưa bị phân hủy, bám chặt vào thi thể. Các bộ phận của cơ thể hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Thi hài là một cụ ông có mái tóc rất dài búi to. Mái tóc vẫn còn rất mềm.

Cụ ông mặc nhiều lớp áo the mỏng và 10 chiếc áo có thêu hoa văn trang trí rất đẹp. Phía bên dưới mặc 2 chiếc quần dài. Trong quan tài còn 2 chiếc túi (1 chiếc như túi đựng trầu và 1 chiếc túi dài) cùng nhiều lớp vải và hàng chục chiếc gối kê đầu, chân và gối chèn hai bên người. Trong quan tài còn có chiếc chăn có tết 9 cái nút.

Sau khi cởi bỏ các lớp quần áo, các nhà khoa học đã đo đạc và ghi lại kích thước của xác ướp để xác định chủng tộc. Sau khi làm vệ sinh, các nhà khoa học dùng một lớp vải đỏ bọc xác ướp, chuyển sang quan tài mới trước khi đưa ra mai táng.

Trái với kết quả khảo cổ tại các ngôi mộ được tìm thấy ở một số vùng trước đây, bên trong quan tài này không có quạt, sách tiếng Phạn, gói trầu hay những quyển kinh như thường thấy, cũng không có đồ vật kim loại trừ những chiếc đinh đồng dài 20 cm đóng bên trong, phía trên quan tài.

Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường cho biết, theo đánh giá của ông và Tiến sĩ Lê Đình Phụng, ngôi mộ này có thể được xây từ cuối thế kỷ 18. Trước ngôi mộ này, các nhà khoa học đã tìm thấy một số ngôi mộ tương tự ở Phủ Lỗ, Đồng bằng Bắc Bộ và một số nơi khác.

Tuy nhiên có thể khẳng định đây không phải là ngôi mộ của một vị quan lại hay một nhân vật lịch sử mà chỉ là mộ của một người rất giàu có. Nếu là quan lại thì quần áo mặc trên người sẽ phải có những hình thêu biểu trưng...

Sau khi tắm rửa bằng nước thơm, xác ướp được đem chôn tại một nghĩa trang ở gần đó. Các nhà khoa học cũng làm một tấm bia đề: “Mộ hợp chất, cụ ông, di dời ngày 7/5/2005”.

Tiến sĩ Cường cho biết, tất cả các hiện vật bằng vải, quần áo sẽ được chuyển tới Viện 69 Bộ Tư lệnh Lăng. Sau khi xông tẩy, các hiện vật này sẽ được chuyển cho Trung tâm Tiền sử ĐNA để nghiên cứu. Phần nước, phần quách và phần gỗ sẽ được xem xét tại Viện Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia.

 
Theo Tiền Phong