1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

“Nhật ký Vàng Anh” chưa gần với học đường Việt Nam

Bộ phim “Nhật ký Vàng Anh” đang được chiếu trên VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam do Hãng phim Truyền hình Việt Nam cùng Đông Tây Promotion sản xuất, có một dàn diễn viên tuổi teen xinh xắn, phong cách diễn xuất tương đối chuyên nghiệp.

Dựa trên một chương trình truyền hình tương tác đa phương tiện phát sóng hằng ngày của Bồ Đào Nha với tên gốc là “Nhật ký Sofia”, nhà làm phim Việt Nam muốn khai thác những diễn biến tâm sinh lý cũng như các vấn đề của tuổi học sinh nhằm giáo dục đạo đức và giới tính.

Phim kể về cuộc sống thường ngày của các cô cậu học trò với nhân vật chính là Vàng Anh. Cô bé cũng như bạn bè ở tuổi mới lớn bắt đầu làm quen với những mối quan hệ trong xã hội và gặp phải những băn khoăn, khó xử. Vàng Anh đều viết vào cuốn nhật ký những tâm sự, nghĩ suy của mình. Trong phiên bản gốc, yếu tố gia đình không có nhiều phụ huynh ít can thiệp vào diễn biến của các câu chuyện.

Nhưng khi được “Việt hoá”, nhà làm phim đã có nhiều sáng tạo để nội dung kịch bản gần với đời sống văn hoá của người Việt Nam. Vì vậy, Nhật ký Vàng Anh (NKVA), đã đề cập được các vấn đề và các mối quan hệ xung quanh lứa tuổi học sinh cấp 3 - lứa tuổi vẫn thường được coi là phức tạp, khó hiểu.

Thế nhưng, khi xem NKVA, nhiều phụ huynh và học sinh có nhận định rằng, chương trình chỉ bó hẹp trong một không gian của học đường thành phố, chưa phản ánh bao quát khung cảnh quen thuộc của trường lớp ở Việt Nam.

Vì vậy, nó chỉ hợp với một bộ phận học sinh khu vực thị thành. Các nhân vật được trang bị các loại xe đắt tiền, điện thoại di động, trang phục sành điệu, tóc chải keo. Các lời thoại trong phim cũng rất hiện đại; nhiều câu, nhiều từ trong các cuộc tranh luận không phù hợp với khung cảnh của lớp học và lứa tuổi học sinh (“ông”, “bà”). Rồi chuyện yêu đương, hẹn hò, uống cà phê...

Mọi cảnh quay, mọi tình huống đều dẫn khán giả tới việc cùng nhau đưa ra cách giải quyết vấn đề của lứa tuổi ô mai nhưng cách tạo tình huống lại không có tính phổ quát vì nó chỉ nằm trong một khung cảnh nhỏ hẹp của một gia đình khá giả, một cuộc vui chơi của các “cậu ấm, cô chiêu”, hay một môi trường học tập hiện đại. Chẳng hạn như chuyện học nhóm của nhóm Vàng Anh (phần 1). Cả nhóm hẹn nhau đến học bài, nhưng việc học chỉ diễn ra vài giây thì cùng nhau lên mạng, rồi... buôn chuyện và đưa ra tình huống.

Hay chuyện cả nhóm Vàng Anh trốn gia đình rủ nhau đi chơi xa (phần 2), mặc quần soóc,  áo dây, mang túi đi ra khỏi nhà rồi nói với mẹ là đi học, đi họp lớp để khi mọi việc vỡ lở thì mẹ của một học sinh trong nhóm quá giận con mà vung tay tát cô bé. Rất nhiều phụ huynh sau khi xem NKVA tự hỏi rằng, có được bao nhiều em có được một môi trường sống, học tập và vui chơi sang trọng như vậy.

Thực tế ở Việt Nam, học sinh có được một môi trường học tập hiện đại trong một gia đình khá giả vẫn còn ít nên những gì thể hiện trong NKVA lại trở nên xa lạ và tựa phim Hàn Quốc. Từ phiên bản gốc “Nhật ký Sofia” của Bồ Đào Nha, nên chăng nhà làm phim cần làm cho NKVA gần gũi và thực tế hơn nữa để nó là một chương trình có tác dụng giáo dục thật sự đối với học sinh Việt Nam.

Theo Tuấn Ngọc
Công an Thành phố Đà Nẵng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm