"Nhật ký bí mật của ông Hendrik Groen": Cuộc sống trong viện dưỡng lão

Tô Sa

(Dân trí) - Cuốn sách kể về cụ ông Hendrik Groen trên 80 tuổi, sống trong viện dưỡng lão, không thích làm theo quy định hoặc qua đời một cách lặng lẽ.

Nhật ký bí mật của ông Hendrik Groen kể về cụ ông Hendrik Groen trên 80 tuổi, sống trong viện dưỡng lão, không thích làm theo quy định hoặc qua đời một cách lặng lẽ.

Ông bèn thành lập Câu lạc bộ Già nhưng không Cỗi và cùng với các thành viên khác bắt đầu sống những năm cuối đời một cách thoải mái.

Cuốn sách đã được dịch sang 20 ngôn ngữ, khiến người đọc cười, khóc, suy ngẫm và cảm động.

Thứ Ba, ngày 1 tháng Giêng năm 2013

Lại thêm một năm nữa, và tôi vẫn không ưa đám người già. Cái khung tập đi, thái độ hở chút là nôn nóng, những lời ca cẩm bất tận, trà và bánh quy, cùng bao tiếng than vãn của họ.

Tôi ấy hả? Tuổi mới có tám mươi ba thôi.

Thứ Tư, ngày 2 tháng Giêng

Đường nằm vương vãi từ nãy đến giờ. Bà Smit bèn đặt đĩa bánh tạc nhân táo lên ghế để lấy giẻ lau cái bàn.

Thế rồi bà Voorthuizen xuất hiện, vô ý đặt cái bàn tọa bành ki xuống ngay đĩa bánh ngọt.

Tới lúc bà Smit bắt đầu tìm kiếm đĩa bánh, thì ai đó bảo là kiểm tra chỗ ngồi của bà Voorthuizen đi. Bà này mới đứng dậy, nhận ra phía sau cái váy hoa của bà bị dính tẹt ba cái bánh tạc nhân táo.

"Hoa nở bên táo là đúng quá rồi còn gì", Evert buông lời nhận xét. Tôi suýt tắt thở vì cười.

Năm mới mà khởi đầu rộn ràng như vậy thì mọi thứ phải vui nhộn mới phải, ấy thế mà lời phàn nàn kéo dài những bốn mươi lăm phút liền, rằng vì đâu nên nỗi. Mọi ánh nhìn chĩa thẳng vào tôi, ủa rõ ràng là chuyện này rất tức cười kia mà. Tôi biết phải làm sao? Đành lẩm bẩm nói lời xin lỗi thôi.

Không dám cười lớn hơn, tôi năn nỉ người ta tha cho cái tội.

Bởi vì tôi, Hendrikus Gerardus Groen, là một lão già lịch sự, không muốn làm mất lòng ai, nhã nhặn, được học hành tử tế, và tốt bụng. Thực ra, không phải là tôi có tất cả những phẩm chất ấy, mà bởi vì tôi không có gan làm khác đi. Hiếm khi tôi nói ra được những gì muốn nói. Tôi luôn tránh đối đầu với người ta. Đặc biệt là: muốn làm hài lòng tất cả mọi người.

Thảo nào mà bố mẹ tôi đã đặt tên cho tôi là Hendrik, chắc là ông bà đã thấy trước cảnh đó: chẳng còn bất kỳ cái tên nào mềm mỏng hơn thế đâu.

Nhật ký bí mật của ông Hendrik Groen: Cuộc sống trong viện dưỡng lão - 1

Bìa sách "Nhật ký bí mật của ông Hendrik Groen" (Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ).

Cứ cái đà này thì tôi sẽ trầm cảm mất. Nên chi, tôi quyết định gửi đến thế gian chút ít trải nghiệm của Hendrik Groen. Đảm bảo rằng trong cuốn nhật ký này, bạn sẽ hiểu thêm về một năm sống của những người cư trú trong một viện dưỡng lão ở Bắc Amsterdam.

Có thể tôi sẽ nhắm mắt xuôi tay trước khi hết năm này, đúng vậy; điều đó nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi.

Trong trường hợp ấy, tôi sẽ nhờ ông bạn Evert Duiker đọc giùm dăm ba trang nhật ký này ở đám tang. Tôi sẽ được khâm liệm, lau chùi sạch sẽ và sắp đặt gọn gàng, trong nhà nguyện nhỏ của Trung tâm Hỏa táng Horizon, chờ đợi giọng nói khàn khàn của Evert cất lên, phá vỡ sự im lặng không lấy gì làm dễ chịu, đọc vài đoạn cho khách tham dự lễ tang nghe.

Tôi lại lo lắng về nỗi: lỡ Evert chết trước tôi thì sao?

Thế thì không hợp lý, bởi lẽ tôi hom hem, mình mẩy nổi u cục lạ nhiều hơn ông ấy. Mình phải tin vào người bạn thân nhất của mình chứ. Tôi sẽ phải nhờ vả ông ấy mới được.

Thứ Năm, ngày 3 tháng Giêng

Evert rất nhiệt tình nhưng chẳng dám đảm bảo là ông ấy sẽ sống lâu hơn tôi. Evert có vài vấn để đáng lo ngại.

Thứ nhất là sau khi đọc nhật ký của tôi, ông ấy định tìm một nơi khác để sống. Thứ hai là tình trạng răng giả của Evert, bị Vermeteren vô ý thọc cái gậy chơi billiard vào. Cũng do mắt phải của Vermeteren bị đục thủy tinh thể, nên ông ấy cần được giúp đỡ.

Evert thì lúc nào cũng sẵn sàng trợ giúp, đang đứng đằng sau ông ta hướng dẫn, với cái mũi nằm ở vị trí ngang hàng với cây cơ billiard. "Xích qua bên trái một chút, hạ thấp xuống nào..." rồi thế là trước khi Evert kịp hoàn tất câu nói, Vermeteren đã tọng đuôi cây cơ vào miệng của Evert. Ghi điểm!

Lúc này, Evert trông giống như một đứa trẻ đang chờ đợi được cô tiên đổi răng đến thăm. Người ta không hiểu được ông ấy nói gì. Evert sẽ phải sửa chữa răng cỏ trước khi đọc mấy trang nhật ký trong đám tang của tôi. Việc ấy không xong sớm được đâu; hình như là thợ sửa răng giả không làm việc.

Cứ hai trăm ngàn mỗi năm, năm nào tay trợ lý đỏm dáng cũng đến Hawaii ba lượt và anh ta bị căng thẳng; có chuyện đó nữa hả? Chắc là nhiều năm trời phải xử lý những bộ răng giả của người già - nhiều mảng bám đến nỗi chúng lúc nhúc giòi - đã khiến anh ta cạn kiệt sức chịu đựng. Ấy là nói vậy.

Bánh doughnut mừng năm mới trong sảnh tiếp khách ở tầng dưới ắt hẳn là của cửa hàng từ thiện. Sáng hôm qua, vì lịch sự, tôi đã cầm lấy một cái, và dành ra đúng hai mươi phút để ăn; rốt cuộc, tôi phải vờ vịt là dây giày của mình bị tuột để có cớ cúi xuống gầm bàn mà nhét mẩu bánh cuối cùng vào vớ.

Thảo nào mà chẳng có mấy người đụng tay đến. Thông thường thì bất cứ thứ gì miễn phí ở đây đều hết vèo trong chớp mắt.

Trong sảnh tiếp khách, cà phê thường được phục vụ lúc 10h30. Nếu vào lúc 10h32 mà cà phê chưa đến, các cư dân đầu tiên bắt đầu liếc nhìn vào đồng hồ. Như thể họ đang có việc phải làm. Điều tương tự cũng xảy ra với trà, sẽ được đưa đến vào lúc 15h15.

Một trong những khoảnh khắc thú vị nhất trong ngày hôm nay, chúng tôi sẽ được thưởng thức loại bánh quy nào kèm với trà và cà phê đây nhỉ?

Cả ngày hôm qua và ngày trước đó là những chiếc bánh doughnut được nướng quá lửa. Đương nhiên là "chúng tôi" không hề muốn vứt bỏ thức ăn. Chúng tôi thà bị nghẹn họng chết còn hơn.

Thứ Sáu, ngày 4 tháng Giêng

Hôm qua, tôi thả bước đến cửa hàng hoa để mua mấy củ hoa trồng trong chậu. Tôi tự nhủ rằng một tuần nữa, khi lan dạ hương bắt đầu đơm hoa, ấy là lúc tôi lại có được một mùa xuân nữa.

Hầu hết các phòng trong viện dưỡng lão này vẫn giữ nguyên đồ trang trí mừng Giáng sinh cho đến tận tháng Tư. Bên cạnh một cây lưỡi hổ già nua còn có cây báo xuân đang lê lết cái thân tàn tạ qua những ngày cuối cùng của cuộc đời. "Bỏ rơi nó thì tội".

Nếu vai trò của thiên nhiên là mang lại niềm vui cho cuộc sống của con người, thì một điều chắc chắn: nó sẽ phải bất lực khi chui vào phòng của một ông già Hà Lan được hưởng trợ cấp dưỡng lão.

Tình trạng của cây trồng trong nhà thường phản ánh chính xác trạng thái tinh thần của người chăm sóc nó: cả hai đều chờ đợi cái kết thúc buồn. Vì chẳng có gì khác để làm, hoặc hơi đãng trí, nên mấy bà già hay tưới cây ít nhất là ba lần một ngày.

Cứ như thế trong một thời gian dài, ngay cả đến cây lưỡi hổ cũng không tài nào sống nổi.

Tôi được bà Visser mời uống trà vào chiều mai. Lẽ ra tôi nên khước từ, tại cái mùi của bà ấy, tuy nhiên, tôi lại trả lời là mình sẽ ghé vào một lát. Thế là bay biến luôn buổi chiều của tôi. Trời ơi, tôi đúng là nhút nhát và ngốc dở.

Vào lúc đó, tôi chẳng nghĩ ra được cái cớ nào hay ho, vì vậy tôi phải chịu đựng những câu chuyện dở hơi chẳng đâu vào đâu cả.

Không hiểu sao mà bà ấy đặt được mấy miếng bánh ẩm ướt lên tấm bìa bụi bặm. Mỗi miếng bánh này phải cần đến ba tách trà để đẩy trôi xuống bụng. Ngày mai tôi sẽ mạnh dạn từ chối suất ăn thứ hai. Bắt đầu một cuộc sống mới.

Một cuộc sống mới với đôi giày bóng lộn. Tôi đã dành nửa buổi sáng để lau chùi. Vốn dĩ đôi giày cũng mau sạch. Mất công ở chỗ chùi giày bằng ống tay áo ấy. Gì thì gì, lúc này, chúng đã sạch tinh tươm. Tức là đôi giày. Chứ đôi tay áo thì tôi xắn lên. Chẳng thể làm sạch chúng được.

Thể nào cũng có người nhướng đôi chân mày lên. "Ông Groen, sao ông lại để cho tay áo bẩn như thế chứ?".

Cuộc sống ở đây bao gồm hoặc không bao giờ hoặc luôn luôn. Một ngày, thức ăn "không bao giờ được phục vụ đúng giờ và luôn luôn nóng giãy, rồi ngày tiếp theo, luôn luôn được dọn lên quá sớm và không bao giờ ấm nóng".

Thảng hoặc, tôi lại mạo muội nhắc nhở người ta về những lời tuyên bố trái ngược của họ; nhưng ở đây, người ta hành xử không được logic cho lắm. "Chà, ông Groen, ông thích ý kiến ý cò quá nhỉ!".