1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Nhạc xưa trở lại ào ạt

Dòng nhạc xưa (các tác phẩm âm nhạc ra đời từ nhiều thập niên trước đây) đang là những cơn mưa rào đổ ào ạt trên thị trường nhạc Việt.

Nhạc cũ, người hát mới

Bạn có thể nghe bất cứ ở đâu những ca khúc vang bóng một thời được hát bởi những giọng ca trẻ, thậm chí rất trẻ hôm nay: Hồ Ngọc Hà (Nỗi lòng, Yêu), Lê Hiếu (Em đến thăm anh một chiều mưa), Đàm Vĩnh Hưng (Thương hoài ngàn năm), Thanh Thảo (Bảy ngày đợi mong), Hiền Thục (Ngàn thu áo tím), Phương Thùy (Còn yêu em mãi), Cao Thái Sơn (Lệ đá)...

Theo nhiệt độ thị trường thì các album nhạc xưa, bán cổ điển, tình khúc vượt thời gian lại đạt mức tiêu thụ khá khả quan. Chưa bao giờ tác phẩm của các tác giả tên tuổi, “cây đa cây đề” trong làng tân nhạc VN nhiều thập niên trước lại nối nhau quay lại trên quầy băng đĩa thị trường hôm nay một cách nhộn nhịp như thế!

Trên sàn diễn ca nhạc, ngoài những nơi thường xuyên biểu diễn dòng nhạc trữ tình tiền chiến như ATB của ca sĩ Ánh Tuyết, 2B (Lê Duẩn, TP.HCM)..., các sân khấu khác cũng tràn ngập giai điệu nhạc xưa do các ca sĩ trẻ làm các đêm giới thiệu album nhạc xưa, như Đức Tuấn liên tục làm các đêm nhạc Phạm Đình Chương tại phòng trà Đồng Dao, TP.HCM.

Không khó để giải thích lý do tại sao dòng nhạc xưa, trữ tình, tiền chiến... được lượng ca sĩ hàng đầu trên thị trường chú ý và “chăm sóc” nhiệt tình như vậy.

Theo chúng tôi, có bốn lý do: ca sĩ hôm nay cảm nhận ra giá trị của các tác phẩm xưa (giai điệu đẹp, ca từ sâu sắc, giàu ý nghĩa, bài hát “thấm” tâm hồn Việt); một số ca sĩ muốn làm mới mình bằng cách thử sức hát dòng nhạc này; một vài ca sĩ thành danh nhờ dòng nhạc trữ tình nên kéo theo một số ca sĩ khác chạy theo mốt; và cuối cùng là sự khan hiếm trầm trọng lượng ca khúc nhạc trẻ Việt mới thời gian qua (cung không đủ cầu).

Mưa rào có đọng lại?

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhận xét: “Đã có nhiều ca sĩ trẻ hát nhạc xưa rất khá... Họ chịu khó tìm tòi cách thể hiện mới, sáng tạo trong xử lý ca khúc cũ về cách hát lẫn bản hòa âm. Điều này làm cho người nghe có cách thưởng ngoạn mới. Với riêng một người nhạc sĩ thuộc thế hệ “nhạc già” như tôi thì bây giờ nghe các em hát nhạc phẩm của mình chỉn chu, mới mẻ hơn xưa thấy thú vị và cảm kích”.

Tuy nhiên, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 vẫn thừa nhận: “Cũng có một số ca sĩ do non nghề nên hát còn hời hợt tình cảm, đôi khi lại cường điệu quá mức và rất hay phạm lỗi hát sai lời”.

Một thực tế là tuy nhạc xưa trở lại ào ạt nhưng những giọng ca thật sự gắn bó với dòng nhạc xưa (hoặc sở trường ở dòng nhạc này) chỉ có thể đếm không quá mười ngón tay như đàn chị Ánh Tuyết, Cẩm Vân hay các nam ca sĩ Quang Minh, Quang Dũng, Xuân Phú...

Bên cạnh đó, nhạc xưa trở lại ồ ạt cũng là vấn đề nóng nơi các cửa quản lý và kiểm duyệt băng đĩa. Chuyện lùm xùm ca khúc Phố đêm mà Đàm Vĩnh Hưng hát trong album Tình ca 50 vẫn đang ráo riết được Sở VH-TT TP.HCM kiểm điểm và xử lý trách nhiệm từ cả hai phía (hãng sản xuất và phòng kiểm duyệt).

Ông Võ Trọng Nam - trưởng phòng quản lý nghệ thuật Sở VH-TT TP.HCM - thừa nhận: “Chúng tôi vẫn bị động trước những ca khúc nào không rõ ràng nguồn gốc hoặc không thấy trong danh mục được phép phổ biến. Có nhiều trường hợp chúng tôi phải xin ý kiến từ Cục Nghệ thuật biểu diễn kiểm tra và xác minh lại”.

Nhìn chung, cũng như sức sống vượt thời gian của nhiều tác phẩm âm nhạc xưa, ca sĩ nào theo đuổi dòng nhạc này nếu thành công thường có vị trí lâu dài bởi họ có lượng công chúng nhất định yêu thích trung thành. Bấy lâu nay làng nhạc lao theo phục vụ đối tượng nghe nhạc tuổi teen (vì đây là thị trường đông đảo và dễ nhận biết, ầm ĩ nhất) mà quên khuấy đi rằng đối tượng nghe nhạc các độ tuổi khác (nhất là thế hệ trung niên, tầng lớp trí thức) cũng có nhu cầu rất lớn. Đối tượng này không hò hét huyên náo theo kiểu các fan club Làn Sóng Xanh nhưng lại... có tiền, có thẩm mỹ và “gu” nghe nhạc cao, ít thay đổi.

Đã đến lúc làng nhạc Việt cần cân bằng lại cung cầu giữa các đối tượng nghe nhạc đa dạng nhiều thành phần. Chúng tôi cho rằng cơn sốt nhạc xưa trở lại chỉ là dấu hiệu khơi mào cho một đòi hỏi tích cực hơn từ đời sống âm nhạc Việt: các tác phẩm, hoạt động biểu diễn phải ngày càng đa dạng hơn, chất lượng hơn.

 Theo Tuổi Trẻ