Nhạc sĩ Từ Huy: Xa cách rồi những “Mong đợi ngậm ngùi”…
Ngay từ những tác phẩm âm nhạc đầu tiên, Từ Huy được đông đảo giới trẻ đón nhận như: Mùa xuân tình yêu, Những lời em hát, Mong đợi ngậm ngùi… Và đến tận hôm nay, những ca khúc theo phong cách pop, rock trẻ trung ấy vẫn vẹn nguyên cảm xúc nhiệt tình...
Từ ca khúc hừng hực lửa nhiệt tình Hãy đàn lên, cho tới ấm áp lửa ân tình nồng đượm với Quê hương tuổi thơ tôi, Lá biếc và tha thiết với Ngày em đến là những khoảng lặng thời gian mà ông đo bằng tháng năm trải nghiệm. Vì thế, những ca khúc sau này mang màu sắc Từ Huy khá lạ, sâu đằm, buồn đến chông chênh vẫn thiết tha, bập bùng lửa.
Trong khi nhiều nhạc sĩ trẻ sáng tác dễ như… đi chợ, ca khúc nhì nhằng vay mượn âm điệu, ca từ thì Từ Huy lại khó khăn đi tìm cảm hứng khắp các tỉnh miền Trung đến miền Tây Nam bộ. Ông không ngại đi về tỉnh này tỉnh kia sáng tác ca khúc theo đơn đặt hàng của các tỉnh, có khi chỉ của nhà máy bia… “Xác định viết theo đơn đặt hàng để sống và sống để tiếp tục sáng tác những gì là của mình, riêng mình”, là cách để ông lấy kinh nghiệm nuôi cảm xúc.
Nhận vậy, nhưng những ca khúc sáng tác theo “đặt hàng” của ông lại có sức sống, có chỗ đứng trong lòng khán giả như Tết, tết, tết, Hợp xướng chín dòng sông Cửu Long… Theo nhạc sĩ, đó là cái duyên may, mà ngay từ ca khúc viết theo đơn đặt hàng đầu tiên đã thành công: Một thoáng quê hương (viết cho cuộc thi hoa hậu báo Phụ Nữ).
Niềm vui lớn nhất với nhạc sĩ Từ Huy là được viết, được đi, lắng nghe họ hát ca khúc của mình. Đó là chất xúc tác giúp ông sống mãi với niềm đam mê âm nhạc. Là một nghệ sĩ, ông cho rằng chính cách làm việc giam mình trong bốn bức tường dần giết chết âm nhạc trong mình…
Sau 4 ngày hôn mê sâu, dù được tập thể y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng và Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM tận tình cứu chữa, nhưng nhạc sĩ Từ Huy đã không vượt qua được cơn đột quỵ và bước vào cõi vĩnh hằng lúc 9 giờ 40 ngày 10/9/2006. Anh Tạ Nguyên Phúc - con trai nhạc sĩ Từ Huy, cho biết: Tang lễ nhạc sĩ sẽ cử hành tại Nhà tang lễ TP, số 25 Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM; lễ viếng bắt đầu từ 5 giờ chiều ngày 10/9. Lễ động quan lúc 14 giờ ngày 12/9 sau đó đưa về an táng tại nghĩa trang Gò Dưa (Bình Dương) Tối 10/9, tại phòng trà Serenade trên đường Lê Lợi, TP Huế, các nhạc sĩ đã tổ chức đêm nhạc tưởng nhớ Từ Huy. Lần đầu tiên nhạc sĩ Bảo Phúc thể hiện ca khúc chưa từng được công bố Tìm đâu dấu yêu xưa của anh viết chung với Từ Huy. * NVH Thanh niên TPHCM sẽ tổ chức đêm nhạc tưởng niệm nhạc sĩ Từ Huy lúc 19g30 ngày 13/9. Đêm nhạc sẽ có mặt các bằng hữu nhạc sĩ đồng nghiệp thân thiết của nhạc sĩ Từ Huy. Các ca sĩ tham gia gồm Ánh Tuyết, Cẩm Vân, tam ca Áo Trắng, Mỹ Tâm, Đình Nguyên... Mời các bạn đến tham dự chương trình (vào cửa tự do). |
Ngoài sáng tác ca khúc, nhạc sĩ Từ Huy là một trong số những người gay gắt đòi bản quyền tác giả cho anh em nhạc sĩ. Bạn bè ủng hộ có, bảo ông “dại” cũng có. Những tin nhắn mà ông cho phép chúng tôi đọc với những lời lăng mạ, nặng lời - cũng của bạn bè - nhưng là những người bên bờ "chiến tuyến" khác, cho thấy ông đã “lửa” mức nào trong việc “quyết chiến” vấn đề bảo vệ bản quyền.
Nhạc sĩ Thanh Tùng cho rằng: “Từ Huy là nhạc sĩ trẻ thơ. Với anh, dù 6 tuổi hay 60 tuổi cũng thế, rất trẻ thơ, hồn nhiên với cuộc sống và có tấm lòng yêu âm nhạc hết mình”. Cũng qua Thanh Tùng thì năm nay Từ Huy đã 62 tuổi, tức là anh sinh năm 1944 “vì trốn lính nên anh đã làm giấy tờ nhỏ đi 4 tuổi”, Thanh Tùng nói.
Chính vì quá mê âm nhạc nên Từ Huy thường có mặt trong hầu hết những “cuộc vui” âm nhạc. Khi quán Nhạc Sĩ mở, anh là người trực tiếp lo lắng. Khi thành lập nhóm Những Người Bạn, anh là thành viên tích cực.
Khi Hội Âm nhạc TPHCM ra tờ báo Sóng Nhạc, anh cũng là một trong những người có mặt đầu tiên. Những năm gần đây, Từ Huy là người được chú ý nhiều trong việc đấu tranh chống nạn thu bản quyền một cách tùy tiện.
Và tiếng nói của anh đã đưa đến việc Hội Nhạc sĩ VN quyết định phải kiểm toán Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả của hội này. Không do ai cử nhưng Từ Huy được các nhạc sĩ khác coi là người đi đầu trong việc đấu tranh chống lại nạn sử dụng và trả tác quyền âm nhạc một cách tùy tiện của nhiều đơn vị kinh doanh âm nhạc.
Sau khi thôi làm việc ở báo Phụ Nữ TPHCM, Từ Huy thường xuyên có mặt ở Hội Âm nhạc TPHCM để làm việc. Đây cũng là nơi anh thường chén trà chén rượu với anh em bằng hữu giới nhạc sĩ. Trước đây có Trịnh Công Sơn, sau này thường xuyên là nhạc sĩ Thập Nhất, Trần Minh Phi...
Từ Huy vui chơi hằng giờ, hằng ngày. Ở đâu Từ Huy cũng tìm thấy niềm vui và ở anh niềm vui là bất tận. Giờ anh đã nằm xuống vĩnh viễn sau cuộc vui với Đình Nghĩ ở Đà Lạt…
Theo Vietnamnet/ Tuổi Trẻ/ Thanh Niên