1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Nhạc sĩ Nguyễn Cường khẳng định Sơn Tùng không đạo nhạc

(Dân trí) - Sự việc ca sĩ trẻ- tác giả mới nổi, Sơn Tùng MTP bị tố đạo nhạc đang gây xôn xao cư dân mạng. Để rộng đường dư luận, phóng viên đã có buổi trò chuyện cùng nhạc sĩ Nguyễn Cường xoay quanh vấn đề này:

 
Được biết nhạc sĩ đã đề cử ca khúc “Cơn mưa ngang qua” do ca sĩ Sơn Tùng thể hiện trong chương trình Bài hát yêu thích. Lý do gì nhạc sĩ đã đề cử bài hát này?

Năm 2012 cái tên Sơn Tùng nổi lên như một hiện tượng âm nhạc của giới trẻ qua ca khúc Cơn mưa ngang qua, chỉ sau 2 tháng ra mắt ca khúc đã đạt hơn 1,7 triệu lượt nghe, con số khiến cho nhiều ca sĩ kì cựu phải ghen tị.

Như đã biết chương trình Bài hát yêu thích là sân chơi dành cho những ca sĩ có khả năng hát live muốn chứng tỏ mình trên sân khấu cũng như để khán giả truyền hình được tiếp cận các ca khúc đang được yêu thích và để nhà tổ chức đo được thị hiếu âm nhạc tại thời điểm đó, chính vì lý do đó tôi đã đề cử bài hát Cơn mưa ngang qua do Sơn Tùng thể hiện.

Sơn Tùng MTP biểu diễn ca khúc Em của ngày hôm qua tại liveshow tháng 2/2014

Sơn Tùng MTP biểu diễn ca khúc "Em của ngày hôm qua" tại liveshow tháng 2/2014

Ca khúc “Cơn mưa ngang qua” do nhạc sĩ đề cử đã giành giải nhất tháng 10/2012 trong chương trình, nhưng bị cho là giống phần hòa thanh (beat) ca khúc “Sarangi Mareul Deutjianha” của nhóm nhạc Namolla Famil (Hà Quốc), nhạc sĩ có cho đó là “đạo nhạc” ?

Phải nói là tôi rất vui vì ca khúc tôi đề cử đã giảnh giải cao nhất của tháng, điều này chứng tỏ sự lựa chọn của tối một phần nào đó là hợp với thị hiếu khán giả đúng không? (cười)

Để trả lời câu hỏi của bạn cũng như của nhiều độc giả, tôi xin nói rõ thế này: Trong một bài hát có 2 phần, một là hòa thanh và phần thứ hai là giai điệu và ca từ. Ví dụ, nhà soạn nhạc cổ điển người Đức - Johann Sebastian Bach là nhạc sĩ chuyên viết phần hòa thanh và nhờ kỹ năng điêu luyện trong cấu tạo đối âm, hòa âm, và tiết tấu, cũng như khả năng điều tiết nhịp điệu và hình thái nhà soạn nhạc này đã góp phần làm giàu nền âm nhạc Đức từ giữa thế kỷ thứ 18. 

Đã rất nhiều người sử dụng bản hòa thanh (beat) của ông để sáng tác phần giao điệu và lời. Điển hình là nhà soạn nhạc Pháp Charles Gounod, trong một phút ngẫu hứng do ấn tượng với bản Prétude No 1, ông đã cho ra đời ca khúc Ave Maria vào năm 1859 với phần hòa âm của Bach. Ông bị một số nhà phê bình chỉ trích là đã làm hỏng âm nhạc kinh điển của Bach. Tuy nhiên, chính Ave Maria là tác phẩm làm cho Gounod sống mãi và cho đến nay ca khúc này đã trở thành kinh điển và thường được gọi là Ave Maria của Bach/Gounod. Vậy thì quay trở lại vấn đề của Sơn Tùng, tôi khẳng định ca sĩ này không đạo nhạc.

Sơn Tùng MTP biểu diễn ca khúc Em của ngày hôm qua tại liveshow tháng 2/2014



Có nhạc sĩ đã ám chỉ Sơn Tùng ăn cắp trí tuệ kiếm tiền phi pháp và thậm chí làm nhạt nhẽo, nông cạn hoá những tầng sâu tâm hồn của những người Việt trẻ tuổi hiện nay trên trang cá nhân. Nhạc sĩ có ý kiến gì về lời ám chỉ này?

Lại phải nói thêm thế này. Như đã nói, việc dùng bản hòa âm phối khí có sẵn đã được áp dụng trên thế giới từ cách đây hàng trăm năm. Và đã có rất nhiều tác phẩm trở thành kinh điển ngòai Ave Maria của Bach/ Gounod

Ngoài ra, việc khẳng định Sơn Tùng đạo nhạc hay ăn cắp trí tuệ là không đúng. Từ những năm 1980, khi học nhạc ở Học viện âm nhạc, tôi đã trải qua một thời gian đào tạo do giáo viên người Nga dạy, tức là làm giai điệu trên bản hòa thanh có sẵn. Đây là một môn học chính thức ở một  trường chuyên về âm nhạc, vậy thì việc sử dụng bản beat có sẵn là hoàn toàn hợp lý, và đây cũng là xu hướng làm bài hát của giới trẻ Việt Nam hiện nay mà trên thế giới đã áp dụng cách đây  trăm năm.

Vấn đề ở đây là khán giả có chấp nhận xu hướng đó không lại là một câu chuyện khác. Phải khẳng định lại với các bạn là dùng bản hòa thanh có sẵn thì không thể gọi là ăn cắp nhạc.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường tại chương trình Bài hát yêu thích

Nhạc sĩ Nguyễn Cường tại chương trình Bài hát yêu thích

Nếu nói như nhạc sĩ thì việc dùng bản hòa thành (beat) có sẵn để sáng tác giai điệu là đúng, nhưng sẽ là thiếu sót nếu trong ca khúc không ghi nguồn gốc của bản beat mà chỉ đề tên sáng tác là Sơn Tùng?

Ở Việt Nam chưa có truyền thống coi trọng người hòa thanh, phối khí nên các ca khúc thường chỉ có thông tin nhạc sĩ sáng tác lời, giai điệu hoặc phổ lời thơ và ca sĩ thể hiện. Phần hòa thành rất ít khi và hầu như không được giới thiệu. Điều này tôi nghĩ về phía BTC chương trình Bài hát yêu thích cần yêu cầu các ca sĩ bổ sung tác giả của bản beat trong bài bát để rõ ràng và tránh gây hiểu lầm cho khán giả.

Nếu ai còn lăn tăn và hiểu rõ hơn về vấn để này có thể gặp trực tiếp tôi, tôi sẽ đối chất trực tiếp.

 Trao đổi với Dân trí sáng ngày 5/6, đại diện truyền thông của chương trình Bài hát yêu thích cho biết, hiện BTC đang xin ý kiến của các nhà chuyên môn về trường hợp của Sơn Tùng. Hiện nay, muốn xử lý Sơn Tùng thì phải xác định được rõ ràng việc Sơn Tùng có “đạo nhạc” hay không.

“BTC chương trình đã hỏi ý kiến một số nhạc sĩ uy tín của làng âm nhạc Việt Nam và được biết, việc sử dụng một vài đoạn hòa thanh của nhạc ngoại để beat nhạc là việc khá phố biến, vì thế vẫn chưa có đủ cơ sở để khẳng định Sơn Tùng “đạo nhạc”. BTC vẫn đang tiếp tục hỏi ý kiến thêm của giới chuyên môn và các cơ quan chức năng có thẩm quyền thì mới đưa ra được kết luận sự việc của ca sĩ Sơn Tùng, từ đó mới quyết định rút bỏ hay không các ca khúc của Sơn Tùng MTP ra khỏi bảng xếp hạng chương trình Bài hát yêu thích”, người đại diện truyền thông của Bài hát yêu thích nói. BTC Bài hát yêu thích hứa sẽ có câu trả lời dư luận trong thời gian sớm nhất.

 

Hà Thanh