Nhà văn trẻ Trần Thu Trang: "Khi yêu phải hết mình!"
(Dân trí) - Giới @ Việt Nam biết đến Trần Thu Trang với tư cách một cô gái nhỏ đa tài thế hệ 8X, một nhà văn trẻ đã thổi luồng sinh khí mới trong diễn đàn văn học trẻ và góp phần tạo nên phong cách sống mới cho giới trẻ ngày nay.
Năm 2006, cư dân diễn đàn TTVN đã phát sốt với Nhật ký tình yêu TIO của Trần Thu Trang, lượt người xem đạt con số kỷ lục 300.000 người. Ngay sau đó, hai tiểu thuyết Cocktail cho tình yêu và Phải lấy người như anh của cô ra đời cũng khiến dư luận xôn xao.
Viết không phải để tự thưởng thức
Học ĐHDL Thăng Long, khoa tiếng Anh nhưng tại sao Trang lại chọn cho mình nghiệp viết văn?
Tôi sinh ra trong một gia đình không có ai theo nghề chữ nghĩa, nhưng người lớn cũng để ý tạo thói quen đọc cho trẻ con trong nhà nên từ nhỏ tôi đã không xa lạ với mặt chữ. Tôi biết chữ sớm và thích đọc sách báo hơn nhảy dây. Đi học, tôi cũng có xu hướng ưa các môn “lắm chữ” như văn, sử và ngoại ngữ hơn các môn “lắm số” (toán, lý, hoá).
Cuối cấp 3, tôi bắt đầu “đua theo” bạn bè biến các câu diễn đạt riêng xuôi tai ấy thành bài và gửi tới các tập san dành cho tuổi mới lớn. Đúng lúc mới vào đại học tôi lại có cơ hội làm cộng tác viên cho báo Hoa học trò. Vậy là ở trường thì được học các kỹ năng viết tiếng Anh và ở Hoa học trò thì được học các kỹ năng viết tiếng Việt. Rồi một ngày đẹp trời, Internet xuất hiện trong đời tôi... (cười).
Tại sao Trang không dừng được chuyện viết văn? Do sở thích, tiền bạc hay đây là cách tốt nhất để tải ý tưởng của mình?
Do cả 3 lý do trên.
Có người nói rằng, một bộ phận giới trẻ ngày nay “ăn xổi”, họ có quá ít thời gian nên thích... “mì ăn liền”. Chọn tiểu thuyết để bắt đầu sự nghiệp viết văn, Trang có sợ độc giả sẽ không có đủ sự kiên nhẫn?
Tôi nghiên cứu thị hiếu độc giả khá kỹ nên cũng đã từng sợ như vậy, nhưng tôi đã trấn áp nỗi sợ bằng cách cố gắng hết khả năng làm cho cuốn tiểu thuyết của mình trở nên hấp dẫn.
“Cocktail cho tình yêu” và “Phải lấy người như anh” được độc giả đón nhận rất hồ hởi, và tạo nên một luồng sinh khí mới cho giới trẻ. Trang có nghĩ là mình đã bước đầu thành công trong sự nghiệp?
Trộm vía! Phải lấy người như anh đúng là cũng gây được đôi chút ấn tượng với các độc giả trẻ. Còn cuốn Cocktail cho tình yêu của tôi chưa chính thức xuất bản, số người đón nhận hồ hởi trên mạng thì cũng in ít thôi (cười). Bước đầu như vậy tôi cũng khá hài lòng, nhưng nếu được làm lại, chắc chắn tôi sẽ làm tốt hơn.
Viết văn để bán, để khẳng định tài năng của mình. Điều này rất cần cho giới trẻ hiện nay?
Tôi thường nói vui với bạn bè, nếu ai cũng đặt ra mục đích thiết thực cho công việc rồi có trách nhiệm với công việc của mình như tôi thì Việt Nam mình thành “Rồng” lâu rồi.
Đi bán sách là việc rất bình thường. Tuy nhiên “chuyện này” vẫn không được một số bộ phận hưởng ứng. Ví như có một thời gian mọi người rêu rao về việc Vi Thuỳ Linh đi bán sách. Trang cũng viết để bán. Vậy Trang có sợ những lời đàm tiếu từ dư luận?
Dư luận có thể đàm tiếu gì về việc bán sách của tôi nhỉ, tôi đang nghĩ mà không ra. Nếu bạn phải lựa chọn giữa 2 việc, để đống sách trong nhà với nguy cơ cháy hoặc mối xông và đem chúng đi bán một cách đàng hoàng cẩn thận rồi thu tiền về, bạn sẽ chọn việc nào?
Việc tiếp thị và bán sách có khó khăn không? Có ai hỗ trợ cho Trang không?
Thật ra, tôi không nghĩ nhiều đến chuyện khó dễ đâu. Tôi cứ thử mọi cách, gõ mọi cửa, không được thì xoay cách khác, gõ cửa khác. Bạn bè tôi giúp tôi rất nhiều, người góp sức, người góp ý tưởng. Chính điều này cũng khiến tôi phải cố gắng hơn, vì nếu mình không làm tốt thì phụ công bạn bè quá.
Cuốn tiểu thuyết "Phải lấy người như anh" - một trong những
cuốn sách đã được xuất bản của nhà văn trẻ Trần Thu Trang.
Văn hóa đọc đang có những tín hiệu đáng mừng
Không ít người chê văn chương mạng hiện nay quá nhiều “sex” với sự mô tả “thô bạo”. Là một người trong cuộc, Trang nghĩ như thế nào?
Tôi nghĩ những người chê như vậy chắc hay vào web đen. Có một số trang web đen tổ chức các cuộc thi viết truyện, nhưng tôi không nghĩ đó là văn chương.
Có người nói, văn hóa đọc của nước ta đang bị khủng hoảng. Đó là do hiện nay còn quá thiếu những tác phẩm có chất lượng?
Tôi thấy văn hoá đọc bắt đầu có những tín hiệu đáng mừng. Việc Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm và gần đây là Lê Vân yêu và sống được đông đảo độc giả tiếp nhận chính là minh chứng rõ nhất. Nếu văn hoá đọc có bị lép vế đôi chút so với văn hoá nghe nhìn thì cũng là điều bình thường thôi, vì văn hoá nghe nhìn rõ ràng là hấp dẫn bắt mắt hơn.
Viết văn và kinh doanh là hai phạm trù đối nghịch nhau. Viết văn là sự thăng hoa của tinh thần còn kinh doanh bắt con người phải... trần tục với sự tính toán. Làm thế nào để Trang dung hòa được hai việc trên?
Tôi nhận định và phân chia rạch ròi.
Trang nghĩ thế nào về sự phát triển của văn học trong thời gian tới?
Có lẽ, văn học Việt Nam sẽ phân hoá rõ ràng hơn. Hai mảng văn học nghiêm túc và văn học giải trí sẽ tách rời và phát triển riêng biệt. Với văn học giải trí, các tác phẩm sẽ hướng đến đối tượng độc giả rõ ràng hơn, ví dụ như cho trẻ em, tuổi mới lớn, phụ nữ trẻ, nam giới trung niên... Còn với văn học nghiêm túc thì tôi không dám bàn đến, vì tôi đang tự xếp mình ở mảng văn học giải trí, thể loại dành cho phụ nữ trẻ.
“Mối tình đầu của tôi đã tan vỡ lâu rồi”
Đọc xong “Phải lấy người như anh”, thấy nhân vật nữ chính ghê gớm quá. Dù là hư cấu nhưng rất dễ làm cho mọi người hiểu lầm về hình tượng phụ nữ Việt Nam?
Tôi thấy nhiều người khen cô ấy đáng yêu, đáng thương. Nếu ai đó chỉ nhìn vào một nhân vật trong một cuốn tiểu thuyết mà kết luận chung về phụ nữ Việt Nam thì kệ họ đi. Những người phụ nữ Việt Nam chân chính sẽ “dạy bảo” họ sau.
Mới trải qua một mối tình nhưng nhân vật chính Thái Vân lại phải... “chịu đựng” và yêu rất nhiều người. Hẳn là Trang phải có rất nhiều người tư vấn...?
Tôi chơi với nhiều bạn ở nhiều lứa tuổi khác nhau nên có một trung đội tư vấn viên tuổi từ 18 đến 31. Mỗi người họ lại hiểu biết về một lĩnh vực, tính cách họ cũng khác nhau. Tóm lại, nếu không có bạn bè thì tôi chỉ có thể xuất bản được một cuốn là Nhật ký tình yêu TIO.
Hiện nay, thanh niên Việt Nam dường như có quan niệm khá “thoáng” về sự thuỷ chung, và trinh tiết. Đây có phải là sự băng hoại về mặt đạo đức và là nguyên nhân làm tan vỡ nhiều gia đình?
Tôi rất sợ cái cách người ta “quàng” vào giới trẻ những tội quá to tát. Giới trẻ hiện nay, như tôi thấy, vẫn coi trọng sự thuỷ chung và trinh tiết, đa số họ vẫn tuân thủ kiểu tình yêu hôn nhân truyền thống. Nếu có biểu hiện gì của cái gọi là băng hoại đạo đức thì là do họ trẻ và họ sống trong một bối cảnh mở hơn xưa, không bị ràng buộc chặt chẽ vào lễ giáo như xưa.
Nhân vật Thanh đang trở thành hình mẫu của thanh niên hiện nay: chu tất với công việc, hết mình cho tình yêu. Đó có phải là mẫu người lý tưởng của Trang không?
Không, tôi thấy anh ta hiền quá, tôi sẽ bắt nạt anh ta mất. Tôi thích mẫu nhân vật giống Lập trong Cocktail cho tình yêu hơn. Anh ta là mẫu nhân vật tự tin, mạnh mẽ và quyết đoán. Tôi cần người đàn ông như vậy để cảm thấy mình mềm yếu đôi chút.
Trang có phải là người hết mình cho tình yêu?
Mối tình đầu của tôi đã tan vỡ lâu rồi. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà trái tim tôi băng giá. Tôi mà nói tôi là người không hết mình thì cũng chẳng ai tin, vì tính cách của tôi cực đoan mà, làm những việc nhỏ nhặt tôi còn hết mình nữa là việc yêu.
Cần phải tạo nên một thế hệ 8X năng động
Theo Trang, giới trẻ hiện nay đang có những gì và thiếu những gì?
Giới trẻ có nhiều thứ, nhất là sự no đủ về vật chất và sự thoải mái về tinh thần, hai thứ ấy khiến họ rất tự tin. Nhưng cái còn thiếu ở họ là một chút hiểu biết. Nếu thiếu hiểu biết mà lại tự tin nữa thì nguy hiểm ra phết đấy!
Trang nhận xét như thế nào về thế hệ 8X? Trang khâm phục ai trong giới văn học hiện nay?
Thế hệ 8x hiện nay trẻ, đẹp, năng động, tự tin. Nhiều người viết trẻ hiện nay đã “trình làng” những tác phẩm nói về chính thế hệ của họ, chính cuộc sống của họ với cái nhìn tươi mới. Họ cũng có nhiều tìm tòi thử nghiệm trong bút pháp. Đó thực sự là điều đáng trân trọng. Còn về người tôi khâm phục... có nhiều người, mỗi người lại khiến tôi khâm phục ở một khía cạnh nào đó.
Giờ đây, không chỉ các ca sĩ, người mẫu mà không ít các nhà văn trẻ tự tạo... scandal để phô trương tên tuổi. Dù là khen hay chê cật lực thì họ cũng cho là thành công. Trang nghĩ gì về điều này?
Việc quảng bá cho mình và cho sản phẩm của mình không phải đặc quyền của riêng ai. Con gà mái đẻ được quả trứng be bé còn phải cục tác nữa là! Đôi khi bạn sẽ thấy ai đó cục tác hơi quá lố, cũng là bình thường thôi mà.
Trang không đi vespa, chụp ảnh cũng ở mức nghiệp dư, rock cũng nghe nhưng không chơi mà lại viết về nhân vật phải rành rẽ tất cả những món đó. Chắc phải rất mất thời gian để tìm hiểu?
Nếu bạn biết “lặn ngụp” Internet và chơi với những người bạn có phong cách đa dạng thì những việc tìm hiểu đó không quá khó đâu. Cái khó là làm thế nào để tất cả những thứ mình tìm hiểu ấy ngấm được vào đầu óc mình đủ để khi viết nó tuôn ra một cách tự nhiên.
Điểm mạnh của Trang là gì?
Sự nhạy bén (nhạy cảm thì đúng hơn), tính sáng tạo, khả năng tổ chức, tinh thần trách nhiệm, khiếu hài hước... Tôi kể thế có nhiều quá không?
Những lúc rỗi rãi Trang thường làm gì? Lúc buồn nhất lấy gì để giải tỏa?
Tôi ngủ. Tôi chỉ rỗi rãi thực sự trong lúc ngủ. Còn lúc thức, tôi có thể ngồi không, tay chân không hoạt động nhưng lại đang rất bận rộn trong đầu. Lúc buồn, tôi khóc.
Người dám đem chuyện của mình lên mạng phải là người rất có cá tính mạnh, tỉnh táo. Tại sao Trang lại quyết định chia sẻ chuyện riêng tư với mọi người?
Đầu tiên khi đem Nhật ký tình yêu TIO lên mạng, tôi cũng chẳng định chia sẻ gì đâu, vì cái diễn đàn con nơi tôi “post” bài rất vắng khách. Khi ấy tôi chỉ nghĩ, nếu đưa vào một trang web lớn như TTVNOL sẽ tốt hơn. Khi đã “post” được một ít rồi, mọi người thấy hay hay nên vào đọc đông đông. Khi bắt đầu tạo thành dư luận thì không thể dừng lại được, thế là đưa tiếp, đưa tiếp.
Khi nào Trang ra mắt tác phẩm tiếp theo?
Dự định cho tương lai xa hơn có lẽ nên để riêng tôi được biết thôi, nói trước mà bước không qua thì ngượng lắm.
Thái Hà - Thu Nguyên