Nhà văn Sơn Tùng được phong Anh hùng lao động
(Dân trí) - “Người anh hùng cầm bút” tuổi đã ngoài 80 không cầm được nước mắt khi ngồi trên xe lăn nhận danh hiệu Anh hùng lao độngdoChủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng. Cho đến thời điểm này, ông là nhà văn duy nhất được phong tặng danh hiệu cao quí này khi còn sống.
Tại buổi lễ trao tặng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng những đóng góp của nhà văn Sơn Tùng trong hoạt động cách mạng và sáng tạo văn học. Ông đã có 24 tác phẩm, trong đó có 14 tác phẩm viết về Hồ Chí Minh, (không kể hơn 500 cuộc nói chuyện với đồng bào, đồng chí về Hồ Chí Minh)có ý nghĩa hết sức sâu sắc, được độc giả hoan nghênh, được tái bản nhiều lần thể hiện sự yêu mến của độc giả.
“Nhà văn Sơn Tùng đi chiến trường tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ bị thương rất nặng. Vào Nam chiến đấu, tôi có vinh dự sống cùng với Sơn Tùng, cùng với đồng đội chứng kiến và cứu chữa vết thương cho anh. Sơn Tùng đã vượt qua thương tật, đau đớn thể xác để viết hàng loạt tác phẩm giá trị. Ở anh toát lên nghị lực phi thường chiến đấu với bệnh tật, khó khăn và với chính bản thân mình”, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chia sẻ.
Cũng tại lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam xúc động chia sẻ: “Không có ở đâu trên thế giới này có người viết văn như Sơn Tùng. Anh đã nhờ vợ buộc mình vào ghế khi viết để tránh những cơn co giật khi xúc động làm cơ thể bị liệt của mình xuống ngã bàn. Người ta có trăm cách để chứng tỏ bản lĩnh thương mà không phế nhưng Sơn Tùng đã chọn cách khó nhất, gian khổ nhất là cầm bút viết văn”.
Những cơn co giật là biến chứng từ sau khi nhà văn Sơn Tùng bị thương tại chiến trường miền Nam năm 1971. Nhà văn Sơn Tùng tên thật là Bùi Sơn Tùng, sinh ngày 8/8/1928 trong một gia đình truyền thống nho học và yêu nước tại xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Sau khi bị thương tại chiến trường miền Nam, Sơn Tùng gần như bị liệt nửa người, tay phải co quắp hoàn toàn, ông phải tập viết bằng tay trái. Ông trở ra Bắc tiếp tục con đường cầm bút viết về những nhà cách mạng hiện đại. Sơn Tùng bắt tay vào đề tài mình theo đuổi từ chục năm trước - đề tài về Hồ Chí Minh. Ông cũng là người đầu tiên mở một hướng mới khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là một con người bình thường, một người con xứ Nghệ.
Giờ đây, dù tuổi đã ngoài 80, sức khoẻ yếu cộng với những cơn co giật mỗi khi xúc động nhưng niềm đam mê viết trong nhà văn Sơn Tùng vẫn chưa bao giờ tắt.
“Sơn Tùng là người anh hùng cầm bút. Cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Sơn Tùng là cuộc đời trọn vẹn và mẫu mực. Tấm gương sáng của người anh hùng là sách ở ngoài sách mà chúng ta đọc và học ở đó nhiều bài học quí báu về nhà văn và nghề văn. Tài năng và nhân cách của nhà văn Sơn Tùng toả sáng tới không chỉ những người xung quanh ông mà cả những thế hệ cầm bút tiếp nối con đường nghệ thuật nghiêm túc, gian khổ nhưng không kém phần vinh quang”, nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định.