Nhà văn Kim Lân có nhà lưu niệm tại làng sau 10 năm đi xa
(Dân trí) - Vừa qua, tại làng Phù Lưu, Đông Ngàn của Phủ Từ Sơn (nay là phường Đông Ngàn, Thị xã Từ Sơn, Tỉnh Bắc Ninh) đã diễn ra buổi lễ “Khánh thành nhà lưu niệm nhà văn Kim Lân”. Đây cũng là dịp kỉ niệm 10 năm ngày mất của ông (2007 - 2017).
Nhà văn Kim Lân được biết đến với tư cách là người có lối sống khiêm nhường và giản dị, cá nhân ông luôn tự hào khi được mệnh danh là nhà văn của những người nghèo khổ, sáng tác để ca ngợi quê hương, ca ngợi đất nước giàu đẹp. Năm 2007, ông ra đi để lại bao tiếc thương cho gia đình, người thân và nỗi mất mát to lớn cho nền sự nghiệp văn học Việt Nam giàu truyền thống.
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền - con gái của nhà văn Kim Lân chia sẻ: “Cha tôi vẫn thường nói, thầy là nhà văn của làng quê, của những người nghèo khổ, nên khi thầy ra đi, các con hãy đưa thầy về với làng, về cạnh U của các con, về với tổ tiên làng xóm và trở về với cội nguồn.
Cùng với truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, trân trọng các danh nhân tiền bối, giữ gìn truyền thống văn hóa của làng Phù Lưu, ngày hôm nay đã cấp đất cho gia đình chúng tôi xây dựng nhà lưu niệm này trên ngay khu Văn Chỉ của làng, chúng tôi vô cùng trân trọng và tự hào”.
Nhà lưu niệm nhà văn Kim Lân được xây dựng trên mảnh đất thuộc khu Văn Chỉ thuộc làng Phù Lưu với diện tích gần 40m2, trưng bày hàng trăm những hiện vật thời còn sống của ông gồm: những kỷ vật, đồ dùng hàng ngày, những trang bản thảo, tác phẩm, các hình ảnh ghi lại một thời cùng bạn hữu, đồng chí trên các chặng đường văn chương của nhà văn Kim Lân.
Nhà lưu niệm được bố trí theo 3 không gian chính: Nơi tiếp khách, bạn bè và gia đình làm toát lên cuộc sống sinh thời của cố nhà văn nổi tiếng người Phù Lưu có nhiều đóng góp cho văn học Việt Nam. Đây là địa chỉ văn hóa nghệ thuật hữu ích cho thế hệ trẻ muốn tìm hiểu về văn học, cuộc đời, sự nghiệp của cố nhà văn Kim Lân.
Nói về Kim Lân, PGS.TS Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết: “Sinh thời, Kim Lân là một nhà văn nổi tiếng gắn bó với những người nghèo khổ, đặc biệt là đối với những người nông dân. Do đó, những sáng tác của ông luôn toát lên những khía cạnh của làng quê, đất nước.
Hôm nay, nhân dịp khánh thành nhà lưu niệm của ông, tôi cho đây là một mô hình rất đáng ghi nhận, chính đây mới là một địa điểm văn hóa, một cách ứng xử rất văn hóa và tốt đẹp của thế hệ mỗi chúng ta đối với những nhân vật của lịch sử, những niềm tự hào của dân tộc”.
Hà Tùng Long