Nhà khai sáng sân khấu kịch nói được đặt tên đường
Lần đầu tiên trong cả nước, con đường mang tên nhà khai sáng ra sân khấu kịch nói Việt Nam Vũ Đình Long được đặt tại thành phố Đà Nẵng.
Ngày 21-8 này, hội thảo kỷ niệm 115 ngày sinh và 90 năm ngày công diễn vở kịch hiện đại Việt Nam đầu tiên của Vũ Đình Long được Hội Nhà văn Hà Nội cùng quê hương ông (thôn Mục Xá, xã Cao Dương - Thanh Oai, Hà Nội) phối hợp tổ chức.
Nếu Phan Khôi (1887-1859) là người công bố tác phẩm thơ tự do đầu tiên của Việt Nam mở đường cho phong trào thơ Mới với bài thơ Tình già (1932), Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) là người đầu tiên mang kịch Tây về Việt Nam, dịch và Việt Nam hóa kịch Tây, thì Vũ Đình Long (1896-1960) là người đầu tiên viết và dựng kịch thuần Việt với vở Chén Thuốc Độc. Vở kịch 3 hồi đăng trên tạp chí Hữu Thanh số 4,5 (tháng 9-1921), chỉ trong vòng một tháng sau đã được công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội đêm 22-10-1921. Không chỉ với kịch nghệ, Vũ Đình Long còn lừng danh với cái tên mà giới văn nhân mọi thời đều biết: “Ông Tân Dân”. Ông chủ xướng ra nhà in, nhà xuất bản Tân Dân, khai sáng các tờ báo, tạp chí văn chương nổi tiếng Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Tao đàn, Ích hữu… thu hút và tạo bệ phóng cho hàng loạt tên tuổi văn chương lừng danh giai đoạn 1930-1945. Những Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Vũ Bằng, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Lưu Trọng Lư, nhóm Tự lực văn đoàn…
Đường Vũ Đình Long bên kia sông Hàn, thuộc khu dân cư mới phường Thọ Quang - quận Sơn Trà, rộng 7,5 mét, mỗi bên vỉa hè rộng 4,5 mét hiện giờ dài chừng nửa cây số nối từ đường Ngô Quyền chạy về hướng đông. Sắp tới, đường sẽ được nối dài thông luôn ra tới đường biển, ngó lên bán đảo Sơn Trà xanh ngắt thơ mộng với Bãi Bụt và ngôi chùa Linh Ứng có tượng đức Phật Quan Thế âm 67 mét cao nhất Việt Nam. Vì là khu dân cư mới, nên hai bên phố khá vắng vẻ với một số ngôi biệt thự mới xây và công trình dang dở đằng sau những tán cây trứng cá và kim phượng. Đầu mút đường phía ngoài là dự án Khu căn hộ cao cấp Summit cao 19 tầng đang xây dựng. Ông Trần Văn Xéo – tổ trưởng tổ 27C phường Thọ Quang, nơi đường Vũ Đình Long tọa lạc, cho biết cư dân trên đường chủ yếu là công chức nhà nước, một số là hải quân, biên phòng.
Ghé ngôi biệt thự hoành tráng nhất trên đường chiếm tới 4 lô đất rộng. Vị chủ nhân sinh năm 1974 là ông Nguyễn Quốc Thiện, khi được hỏi về thân thế Vũ Đình Long, đã vui vẻ: “Tôi có biết, ổng là nhà viết kịch, làm văn nổi tiếng ở ngoài Hà Nội. Mình ở đường mang tên ổng, nên tìm hiểu trên mạng để biết vậy mà”. Ông Thiện quê Quảng Trị, sau giải phóng theo gia đình đi kinh tế mới ở Đắk Lắk. Năm 1993 xuống Đà Nẵng học Đại học Bách khoa, giờ là chủ doanh nghiệp xây dựng.
Đà Nẵng bên bờ đông sông Hàn giáp mặt biển có hai quận, là Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, đặt theo tên của hai danh thắng nổi tiếng. Điểm cuối cùng của quận Ngũ Hành Sơn nơi phường Hòa Quý từ gần 10 năm trước đã có con đường mang tên nhà thơ, kịch tác gia Lưu Quang Vũ. Và từ năm ngoái, ở điểm gần cuối quận Sơn Trà này, có thêm đường mang tên kịch tác gia Vũ Đình Long. Cho đến nay Đà Nẵng vẫn là nơi duy nhất có đường mang tên hai nhà viết kịch lừng danh này.
Loanh quanh trên đường mang tên tác giả Chén thuốc độc, lại tình cờ thêm một phát hiện thú vị, đó là cái tên Vũ Đình Long tình cờ đứng chung một cột bảng đường với Vũ Tông Phan. Tiến sĩ, danh nhân văn hóa Vũ Tông Phan (1800-1851) là nhà giáo, nhà thơ lớn của đất Kinh kỳ, bạn xướng họa với Thần Siêu, Thánh Quát, là người đồng sáng lập xây dựng đền Ngọc Sơn (Hà Nội). Sinh ra cách nhau gần một thế kỷ, một người mở trường để khai trí dân sinh, một người mở nhà xuất bản để xiển dương sự đọc, hai ông họ Vũ đất Hà thành giờ hội ngộ bên nhau tại con đường dẫn ra biển Đà thành. Đáng nói, dù được đánh giá là danh nhân văn hóa đất Thăng Long, Hội Khoa học lịch sử VN cũng vừa tổ chức kỷ niệm 150 năm ngày mất, nhưng Vũ Tông Phan vẫn chưa được đặt tên đường ở đâu, ngay cả tại Hà Nội!
Có nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi lần đầu được đặt tên đường tại Đà Nẵng mà chưa nơi nào có. Như Hoàng Thúc Trâm (1902-1977) - nhà nghiên cứu văn học, sử học quê Hà Nội, nhà thơ Nam Trân, các nhà tuồng học Tống Phước Phổ, Nguyễn Nho Túy, các nhà văn Nguyễn Văn Bổng, Huỳnh Lý, Chu Cẩm Phong, Phan Tứ, Văn Cận… Cũng lần đầu được đặt tên đường tại Việt Nam - Đà Nẵng là Luật sư người Anh Francis Henry Loseby - người có công cứu Nguyễn Ái Quốc ra khỏi nhà tù của thực dân Anh tại Hồng Kông năm 1931, là Norman Morrison – người đàn ông Mỹ tự thiêu bên bờ sông Potomac ngày 2-11-1965 để phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của quân đội Mỹ tại Việt Nam. Điều đó phần nào cho thấy tư chất của một thành phố mở…
Theo Trần Tuấn
Tiền Phong