Nguyễn Quang Bình: “Với nghệ thuật, không thể khiên cưỡng được”

(Dân trí) - Thầy giáo Nguyễn Quang Bình là người Mỹ gốc Việt vừa dẫn đoàn nghệ thuật MECA từ Texas về Việt Nam biểu diễn. Anh có buổi trò chuyện khá thú vị với chúng tôi.

Bao lâu rồi anh mới trở về Việt Nam?

 

Tôi thường xuyên về Việt Nam bởi ba má tôi hiện giờ vẫn đang sống tại Sài Gòn. Mỗi lần về, tôi cũng hay ra Hà Nội vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là vì công việc. Nói gì thì nói, Việt Nam là nơi quê cha đất tổ, là nơi “chôn nhau cắt rốn”, nên với ai dù đi đâu, làm gì, rồi cũng đều muốn về quê hết, tôi tin là như vậy. Tôi về Việt Nam như là về nhà.

 

Lần này anh trở về với tư cách là trưởng đoàn nghệ thuật MECA của trường Giáo dục đa Văn hoá và tư vấn Nghệ thuật bang Texas, Mỹ. Cảm xúc có gì khác so với những lần về nhà trước đây của anh?

 

Tôi rất vui. Tôi đã cùng đoàn nghệ thuật MECA của trường đi biểu diễn nhiều nơi trên thế giới, nhưng cảm giác về nhà mình vẫn khác. Có một chút hồi hộp trước những đêm biểu diễn…  Nhưng, chương trình nghệ thuật “Đến với MECA” của đoàn đã được khán giả Việt Nam đón nhận nồng nhiệt. Tôi có thể thấy mọi người rất vui thích với những tiết mục âm nhạc dân gian Mehico mà chúng tôi biểu diễn.

 

Anh nghĩ sao nếu biết được rằng, âm nhạc dân gian truyền thống của Việt Nam lại đang bị khán giả trẻ xa rời?

 

Nếu âm nhạc dân gian bị quay lưng, đó là do lỗi của người nghệ sỹ trước tiên. Lỗi tại những người trong ngành đã không biết cách thuyết phục khán giả. Với nghệ thuật, không thể khiên cưỡng được. Không ai có thể bắt được khán giả phải thích cái này, hay không được thích cái kia. Tất cả phải tự thân tiết mục nghệ thuật biết cách mời khán giả thích mình. Điều ấy phụ thuộc cả vào người nghệ sỹ!

 

Anh ở Mỹ, anh nghe nói những gì về âm nhạc Việt Nam?

 

Tôi nghe nói nhiều, và riêng với nhạc trẻ, thì lại chủ yếu là những thông tin buồn. Với những nền âm nhạc lớn, họ có đầy đủ nhạc bác học, nhạc dân gian, nhạc thương mại… Mỗi thể loại âm nhạc có hướng đi riêng, và cách phát triển riêng biệt. Nhưng ở Việt Nam mình, mỗi thể loại chỉ có một chút, ví như về âm nhạc bác học, âm nhạc dân gian số người biết đến nó, và nghe nó, tôi tin chắc là rất ít. Với nhạc trẻ, quả thực là tôi có đi xem đôi lần khi các ca sỹ mới sang Mỹ lưu diễn, nhưng tệ quá, lai căng tạp nham nửa ta, nửa Tàu, lại nửa Tây, nghe rất hỗn loạn và thiếu chuyên nghiệp.

 

Trong con mắt của người nước ngoài, nhạc trẻ Việt Nam chỉ là những ca khúc phổ thông. Để có những bước tiến dài hơn, người nghệ sỹ trên sân khấu nhạc trẻ cần những nỗ lực lớn và quan trọng là một thái độ nghiêm túc, ham học hỏi thực sự mới có thể hy vọng ở sự trưởng thành và chuyên nghiệp.

 

Các ca sỹ trẻ Việt Nam sau những chuyến lưu diễn dài ngày tại nước ngoài thường có hàng tá những câu chuyện thú vị để “khoe” với công chúng trong nước. Anh sống ở Mỹ nhiều năm, anh có biết sự thật của những chuyến lưu diễn ấy là gì?

 

Cá nhân tôi thấy, một số ca sỹ mình sang thường biểu diễn ở các sòng bạc, nhà hàng… chứ ít khi có sân khấu. Tôi chỉ nói thế thôi, và không bình luận gì thêm!

 

Rất nhiều thông tin nói rằng, kiều bào đón nhận các ca sỹ của ta rất nồng nhiệt. Có lẽ anh là một người khó tính?

 

Tôi chỉ là người nói thật. Có khi người ta nghe đấy nhưng chưa chắc người ta đã thích! Nói về âm nhạc Việt Nam, tôi và những người bạn nước ngoài của mình thường nói đến Trịnh Công Sơn, anh ấy là một tài năng thực sự. Gần đây, tôi có nghe nói về những tranh cãi xung quanh về việc hát phá cách, rồi thì sáng tạo này kia trong nhạc Trịnh. Với cá nhân tôi thấy, nếu đem Jazz, đem R&B vào nhạc Trịnh là một cách… “giết chết” nhạc Trịnh. Điều ấy dở tới mức, có người đem so sánh việc pha sữa vào một tô phở ngon của Hà Nội.

 

Nhắc đến nhạc Trịnh, vậy anh có nghe đến những cái tên như Hồng Nhung, Thanh Lam…?

 

Tôi mới nghe Thanh Lam hát mấy hôm trước. Cô ấy là người có chất giọng lạ, là một người có cá tính.

 

Những học trò người Mỹ của anh sang Việt Nam thích nhất điều gì?

 

Chúng tôi đã đi xem một số danh lam thắng cảnh, và di tích lịch sử của Việt Nam. Các em rất thích vịnh Hạ Long. Chúng tôi cũng đã sang Bắc Ninh nghe quan họ, và những làn điệu quan họ đã thực sự khiến các nghệ sỹ Mỹ trong đoàn MECA hứng khởi và đặc biệt yêu thích. Họ đã cùng chơi nhạc với các nghệ sỹ trong đoàn quan họ... Đó sẽ là những kỷ niệm khó quên với chúng tôi.

 

Xin cảm ơn anh về buổi trò chuyện!

 

Hiền Hương