Nguyên mẫu Tiểu Long Nữ của Kim Dung là ai?
(Dân trí) - Tiểu Long Nữ là một nhân vật có vẻ đẹp tựa tiên nữ trong tiểu thuyết kiếm hiệp "Thần Điêu Đại Hiệp" của cố nhà văn Kim Dung. Nhân vật này được Kim Dung gây dựng từ một nguyên mẫu có thật.
Trong tiểu thuyết Thần điêu đại hiệp của cố nhà văn Kim Dung, Tiểu Long Nữ được mô tả là một mỹ nhân với vẻ ngoài thanh tú, quyến rũ nhưng thần sắc lạnh lùng, thanh khiết như băng tuyết.
Trên màn ảnh nhỏ Trung Quốc, hai diễn viên được chọn vào vai Tiểu Long Nữ và được đánh giá là thành công chính là Lưu Diệc Phi và Lý Nhược Đồng. Tuy nhiên, ít khán giả biết rằng, tác giả Kim Dung tạo ra Tiểu Long Nữ với nguyên mẫu là minh tinh Hạ Mộng.
Hạ Mộng sinh năm 1933 và là một giai nhân trong giới điện ảnh những năm 1950 - 1960. Vẻ đẹp của Hạ Mộng khiến Kim Dung mê mẩn và từng so sánh bà với tứ đại mỹ nhân trong sách cổ - Tây Thi. Nhà văn Kim Dung từng tỏ tình với Hạ Mộng nhưng bị bà từ chối.
Sở hữu nhan sắc hơn người và tài năng vượt trội, Hạ Mộng trở thành hình mẫu lý tưởng cho mọi phụ nữ và khiến đàn ông thời đó mê đắm. Bà được mô tả là một người đẹp vừa có tài vừa có sắc và nói năng khéo léo.
Bà sinh tại Thượng Hải, Trung Quốc nhưng theo gia đình chuyển tới Hồng Kông sinh sống. Bà sống trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật khi cả cha và mẹ đều có niềm yêu thích kinh kịch. Ngay từ khi đi học, bà đã nổi bật ở trường vì tài năng ca hát, nhảy múa và đóng kịch.
Năm 1950, một vị đạo diễn có con học cùng lớp của Hạ Mộng tìm kiếm diễn viên và Hạ Mộng được giới thiệu. Bà chính thức bước vào con đường nghệ thuật. Bà trở thành diễn viên của nhiều bộ phim và được yêu thích thời đó. Với nhan sắc cuốn hút, bà trở thành người tình trong mộng của nam giới. Trọng sự nghiệp điện ảnh, bà góp mặt trong trên dưới 40 bộ phim.
Bà kết hôn với doanh nhân trẻ Lâm Bảo Thành, một người từng du học tại nước ngoài và có tài năng kinh doanh. Lâm Bảo Thành là một fan của Hạ Mộng. Trong một lần đoàn làm phim của Hạ Mộng đang quay phim, Lâm Bảo Thành đến phim trường với mong mỏi được theo dõi nữ thần trong lòng mình.
Tuy nhiên, vì thiếu diễn viên nên đạo diễn ngỏ ý mời Lâm Bảo Thành đóng phim và được ông chấp nhận. Làm việc chung với nhau, tình cảm giữa Hạ Mộng và Lâm Bảo Thành dần nảy sinh. Lâm Bảo Thành chủ động theo đuổi người trong mộng và họ kết hôn vào năm 1954.
Cuộc sống hôn nhân của Hạ Mộng và Lâm Bảo Thành rất ngọt ngào bởi Lâm Bảo Thành là một người yêu và sùng bái vợ. Em gái của Hạ Mộng cũng xác nhận rằng, anh rể rất chiều vợ.
Kim Dung gặp Hạ Mộng khi bà đã kết hôn. Ngay trong lần đầu gặp gỡ, cố nhà văn nổi tiếng thừa nhận rằng, ông đã choáng váng và bất ngờ trước nhan sắc của bà.
Thời điểm đó, nhà văn Kim Dung vừa mới ly hôn và Hạ Mộng xuất hiện như một luồng gió mới, khiến cuộc sống của nhà văn nổi tiếng thêm thi vị.
Sau này, Kim Dung nhận xét về bà: "Tây Thi đẹp như thế nào chưa ai nhìn thấy qua. Tôi nghĩ, Tây Thi phải giống như Hạ Mộng thì mới đúng là danh bất hư truyền".
Ông mê mẩn Hạ Mộng tới mức dùng bút danh Lâm Hoan, xin vào công ty điện ảnh Trường Thành làm biên kịch, viết các kịch bản phim cho Hạ Mộng. Ông làm vậy để có thể tiếp xúc với người trong mộng.
Tuy nhiên, thời điểm Kim Dung gặp Hạ Mộng, bà đã kết hôn và có cuộc sống hôn nhân rất hạnh phúc. Do vậy, dù được Kim Dung nhiệt tình và chân thành theo đuổi, Hạ Mộng vẫn chung thủy với chồng.
Một dịch giả làm việc với Kim Dung từng tiết lộ, các nhân vật nữ trong các tác phẩm của cố nhà văn như Hoàng Dung, Tiểu Long Nữ, Vương Ngữ Yên của Kim Dung đều mang bóng hình của Hạ Mộng.
Hạ Mộng và Kim Dung trở thành những người bạn tốt nhưng nữ minh tinh rất biết cách giữ khoảng cách để tránh những lời đồn đại.
Năm 1958, Kim Dung rời Công ty Trường Thành, cùng bạn thành lập tờ báo riêng, vừa viết báo vừa viết tiểu thuyết kiếm hiệp. Ông vẫn dành sự quan tâm cho người đẹp trong mộng sự ưu ái đặc biệt và hay viết bài đăng báo về bà.
Năm 1967, Hạ Mộng quyết định giải nghệ sang Canada định cư cùng chồng. Tuy nhiên, Kim Dung vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho bà và viết bài đăng báo khi bà quay trở về Hồng Kông.